
Hôm nay, ngày 31-8-2010, quân Mỹ chấm dứt vai trò chiến đấu tại Iraq, đúng như cam kết của chính quyền Tổng thống Obama. Sau đó sẽ là tiến trình rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Iraq từ nay cho đến cuối năm 2011. Cả hai cột mốc này đều được tính toán khá kỹ, mục đích là nhằm tìm được dấu cộng quý giá cho phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ cũng như cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng sẽ khởi động vào đầu năm 2012. Thế nhưng, sau 7 năm hiện diện ở xứ sở nghìn lẻ một đêm này, Mỹ đã để lại mất mát quá lớn cho người dân Iraq, cũng như chính người dân của mình.

Một lính Mỹ vui mừng vì được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ảnh: AFP
Mất người thân và tiền đóng thuế
Theo số liệu thống kê mới nhất mà trang web antiwar.com công bố, có 4.416 lĩnh Mỹ thiệt mạng trên chiến trường Iraq kể từ khi Mỹ tấn công và chiếm đóng nước này hồi tháng 3-2003. Tính đến nay đã có đến 106.000 lính Mỹ bị các dạng bệnh trầm cảm, tỷ lệ tự sát trong binh lính tăng kể từ năm 2004 và đến 2008 thì vượt ngưỡng trung bình trong dân chúng. Theo báo cáo của tướng Peter Charelli công bố ngày 8-8-2010, nếu tính luôn số binh lính tự gây tai nạn cho mình thì tỷ lệ chết bởi chính hành động của họ còn cao hơn tỷ lệ tử trận.
Trong hàng loạt thông tin liên quan đến việc Mỹ rút quân khỏi Iraq, người dân nước này đặc biệt quan tâm đến chuyện số tiền thuế của mình đã đi đâu, về đâu? Cùng với thời điểm Mỹ bắt đầu đổ tiền cho Iraq từ tháng 5-2004, dự án nhà tù Khan Bani Saad trị giá 40 triệu USD ở sa mạc phía Bắc thủ đô Baghdad cũng được triển khai để giam giữ những người chống đối Mỹ. Vì nhiều lý do phải hoãn nhiều lần và giờ đây nhà tù này đang bỏ trống. Trường hợp khác có số tiền đầu tư gấp 4 lần dự án nhà tù trên, đó là dự án xây dựng bệnh viện nhi 165 triệu USD tại Basra, miền Nam Iraq cũng bị bỏ không vì hiện nay không có điện ở thành phố này. Một dự án xử lý nước ở thành phố Fallujah với mức chi 100 triệu USD, gấp 3 lần mức ước tính ban đầu nhưng kết quả là nước thải vẫn chảy loanh quanh trong khu vực thành phố!
Trong báo cáo của hãng AP ngày 30-8, chính quyền Mỹ đã vung tay và làm thất thoát hơn 5 tỷ USD, bằng 10% số tiền 53 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua để tái thiết Iraq. Chưa hết, hồi cuối tháng 7, Tổng Thanh tra phụ trách vấn đề tái thiết Iraq công bố kết quả kiểm toán cho thấy khoản tiền 8,7 tỷ USD tái thiết Iraq đã bốc hơi mà không một chuyên gia nào của Bộ Quốc phòng Mỹ có thể giải trình được. Số tiền này hoàn toàn tách biệt với khoản đầu tư 53 tỷ USD và được Washington thành lập một quỹ đặc biệt để quản lý mang tên “Quỹ phát triển Iraq”.
Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ tăng tới 18,8% trong tháng 6 (49,9 tỷ USD), cao nhất kể từ tháng 10-2008, thì những con số chứng minh sự lãng phí này là điều không thể chấp nhận. Theo ước tính của các tổ chức chống chiến tranh, số tiền mà Mỹ đã “nướng” vào cuộc chiến này nếu được dùng chi tiêu cho các chính sách giáo dục thì không một sinh viên nào của Mỹ phải đóng học phí.
Các công ty Mỹ được những hợp đồng béo bở
Cuộc chiến Iraq trước hết mang lại những hợp đồng béo bở cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ và những tay lái súng. Sau khi lật đổ chính quyền Saddam Hussein, Chính quyền Bush đã hứa tái thiết Iraq và đây là thời kỳ mang lại những hợp đồng tái thiết béo bở cho các nhà thầu quốc phòng, xây dựng cũng như các công ty dầu khí Mỹ. Đó là những cái tên quen thuộc như Blackwater (hiện đã đổi tên thành Xe Services), nhà thầu nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho tất cả nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ tại Iraq, hay công ty dầu khí Halliburton (từng được cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney làm Giám đốc điều hành).
Ngày 30-8, hàng loạt các tờ báo Mỹ đã lên tiếng về việc các công ty bảo hiểm nhân thọ hưởng lợi trên sinh mạng của các binh lính Mỹ tử nạn. Theo quy định của Chính phủ Mỹ, gia đình của mỗi quân nhân thiệt mạng được nhận 250.000 USD tiền bảo hiểm. Nhưng mới đây, 6 gia đình ở California có người thân chết trên chiến trường Iraq kiện công ty bảo hiểm Prudential vì đã chiếm dụng tiền bảo hiểm của con mình để trục lợi. Người con trai duy nhất của ông bà Castro, Jonathan Castro, ở California đã chết trong một vụ đánh bom liều chết tại Mosul, Iraq mùa Giáng Sinh năm 2004. Khi đó, gia đình của Jonathan nhận được thư bảo đảm từ Tập đoàn bảo hiểm Prudential cùng một tập séc. Điều đáng nói là tập đoàn bảo hiểm này không lập tức thực hiện nghĩa vụ của mình mà hướng khách hàng sang sự chú ý khác, kéo dài thời hạn trả bảo hiểm để tái đầu tư khoản tiền bồi thường này. Trong khi Prudential kiếm được mức lãi 5-6% mỗi năm thì người nhà Jonathan chỉ được hưởng mức lãi từ 0,5 đến 1,5%/năm. Theo các luật sư, Prudential đã kiếm được nửa tỷ USD nhờ những hợp đồng bảo hiểm nhân mạng trong chiến tranh trong suốt 11 năm qua, kể cả chiến tranh Afghanistan và những cuộc xung đột khác có quân Mỹ tham gia, nhưng chỉ trả cho mỗi gia đình vài ngàn USD tiền lãi.
Mỹ đã để lại một đất nước Iraq đổ nát, mang về Mỹ những lợi nhuận kếch xù cho các tập đoàn kinh tế và những nỗi đau không gì bù đắp được cho người dân nước mình.
Như Quỳnh