Vụ lúa đông xuân vừa qua, nông dân ở hai xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) và Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang, đã bội thu nhờ áp dụng thành công mô hình trồng hoa trên ruộng lúa để diệt sâu rầy, do Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) đưa ra.
Mô hình trồng hoa trên ruộng lúa để diệt sâu rầy nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm nguy cơ thất thoát năng suất lúa do sâu rầy bộc phát” với trị giá khoảng 1 triệu USD, được IRRI triển khai ở 4 nước: Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc, kéo dài từ năm 2009 đến năm 2011. Riêng tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) và Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) tỉnh Tiền Giang để triển khai thí điểm mô hình này trên diện tích 60ha.
Thực hiện dự án, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã tìm và nhân trên 40.000 cây giống của 7 loài hoa dại bản địa để nông dân trồng quanh ruộng lúa. Các loại hoa này chủ yếu thuộc họ cúc, được trồng trên bờ ruộng nhằm thu hút thiên địch. Đến cận ngày thu hoạch, các thửa ruộng khác bị sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu tấn công liên tục, phải phun thuốc hóa học ít nhất hai lần/vụ, thì ruộng lúa có trồng hoa rất ít sâu rầy, thậm chí không có. Nguyên nhân vì trên ruộng lúa xen hoa có số lượng lớn thiên địch, khi sâu rầy xuất hiện đẻ trứng, thiên địch đã đẻ vào trứng sâu rầy khiến trứng sâu rầy này không sinh sôi được.
Với mô hình này, sau khi kết thúc vụ mùa, năng suất thu hoạch đạt 8 tấn lúa/ha, trong khi nhiều nơi năng suất chỉ có 7,5 tấn/ha trở xuống. Chưa hết, nhờ ruộng lúa không bị sâu rầy nên nông dân còn tiết kiệm được bình quân 400.000 đồng tiền mua thuốc trừ sâu rầy và 100.000 đồng tiền thuê nhân công phun thuốc cho 1ha ruộng. Theo Hợp tác xã Mỹ Thành Nam, toàn bộ diện tích ruộng trồng xen canh hoa để diệt sâu rầy, nhà nông tiết kiệm được hơn 17 triệu đồng, trong khi các nhà khoa học chỉ tốn có 4 triệu đồng hỗ trợ cho nông dân trồng hoa với giá 200 đồng/cây.
Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Để nhân rộng thêm mô hình tại địa phương, huyện đã đồng ý sẽ thực hiện thêm 20ha lúa xen hoa ở xã Mỹ Thành Bắc trong vụ tới”. Còn theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: “Trồng hoa trên ruộng lúa để diệt sâu rầy không những giúp tăng năng suất cây lúa mà còn bảo vệ tốt môi trường nông thôn vì không sử dụng thuốc trừ sâu... Đây là một mô hình hứa hẹn nhiều kết quả tốt trong quá trình xây dựng vùng canh tác lúa gạo theo hướng bền vững với cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp. Tuy nhiên để xác định các loại hoa chủ lực có tính hấp dẫn thiên địch mạnh nhất cho nông dân trồng các vụ sau, các nhà khoa học nên tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá các giống hoa”.
Ngọc Hiếu