(SGGP).- Ngày 13-8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, hệ thống chính sách pháp luật tiếp tục mở rộng hơn quyền hưởng và mức hưởng các chế độ ưu đãi xã hội, an sinh xã hội cho người dân. Các nguồn lực tham gia bảo đảm an sinh xã hội không ngừng tăng lên. Đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục được cải thiện. Lòng tin của nhân dân đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường… Đến nay, cả nước có gần 1,4 triệu người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, tăng 94.000 người so với năm 2012. Giai đoạn 2012-2015, bình quân mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, trong đó đưa khoảng 340.000 người đi làm việc tại nước ngoài; tỷ lệ thất nghiệp chung tiếp tục giảm từ 2,18% năm 2012 xuống còn 2,08% năm 2015. Có gần 4 triệu lượt người nghèo được vay vốn với dư nợ khoảng 67.000 tỷ đồng; 8 triệu lượt học sinh được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập; bình quân mỗi năm có khoảng 4 triệu người nghèo được cấp thẻ BHYT; chương trình 30A đã đầu tư trên 5.700 công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu dân sinh tại các huyện nghèo…
Bác sĩ chương trình Mùa xuân biên giới khám bệnh cho bà con nghèo tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: VIệt Nga
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong thực hiện chính sách xã hội. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương đều đề xuất tiếp tục bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách, nhất là chính sách ưu đãi người có công, chính sách việc làm và đảm bảo thu nhập tối thiểu, chính sách giảm nghèo, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt… Bên cạnh đó, cần đảm bảo tính đồng bộ, tính kết nối và tính hiệu quả của hệ thống chính sách an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa, huy động tốt hơn sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân vào thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, nếu năm 2012 tổng chi cho an sinh xã hội bằng 5,88% GDP của nền kinh tế thì đến năm 2015, con số này tăng lên khoảng trên 6,6% GDP. Trong khó khăn chúng ta không giảm đi bất cứ một chính sách, khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng lên. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải coi việc thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân tiếp tục là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và phải thực hiện với quyết tâm cao hơn nhằm đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu trên các lĩnh vực mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra, gồm: chính sách người có công; việc làm; thực hiện chương trình giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; đảm bảo giáo dục - nghề nghiệp; đảm bảo y tế tối thiểu; nhà ở tối thiểu; nước sạch và vệ sinh môi trường; đảm bảo thông tin tối thiểu. “Trên 10 lĩnh vực này, cần rà soát thấy chính sách nào phù hợp thì khẳng định và tiếp tục làm cho tốt, cái nào chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung ngay”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực, ngân sách của Nhà nước còn có hạn, cần phải hết sức quan tâm tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội bằng các nguồn lực chính là nguồn lực nhà nước; nguồn lực từ bên ngoài (như nguồn ODA, các chương trình viện trợ không hoàn lại của nước ngoài), nguồn lực xã hội từ các doanh nghiệp, tổ chức và nguồn lực từ trong nhân dân. Chính phủ hết sức quan tâm cân đối, dành nguồn lực cho an sinh xã hội, song các địa phương khi phân bổ ngân sách cũng phải hết sức quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng của địa phương cho việc này.
PHAN THẢO