Trụ đỡ cho lộ trình mở cửa, phục hồi

Công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM đang xuất hiện những tín hiệu tốt, nhất là số ca tử vong giảm dưới 200, số ca F0 điều trị tại nhà đã tiếp cận dịch vụ chăm sóc, điều trị nhanh hơn, hiệu quả hơn. 

Nhưng khi số ca mắc mới vẫn còn cao, số ca tử vong vẫn hiện hữu, đặt trong diễn biến cực kỳ phức tạp của biến thể Delta nói riêng và “đường đi” của các đột biến virus cúm nói chung, thì mức độ kiểm soát dịch, dù quyết liệt, mạnh mẽ cỡ nào cũng phải cẩn trọng trên từng… “mô kẽ”! Chỉ một khe hở khinh suất, chủ quan là công tác phòng chống dịch trở lại nơi... xuất phát. 

Điều quan trọng nhất là sự thay đổi để xác lập một hệ tư duy khoa học, thay vì loại trừ tuyệt đối thì nay chuyển sang từng bước thích nghi, sống chung với virus và các biến thể tương lai của nó, như chính Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng tuyên bố về nguy cơ của đại dịch tiếp theo: “Virus tiếp tục được phát hiện trên động vật và ngoài môi trường. Các ca bệnh tiếp theo ở người có thể xảy ra, gây ra tác động y tế công cộng nghiêm trọng”. 

Như vậy, trước và trong khi trở về trạng thái xã hội “bình thường mới”, để có thể thích nghi với môi trường đang tồn tại một nồng độ virus nhất định, thì chiến lược y tế vẫn là trụ cột quan trọng hàng đầu. Trong đó, vaccine là vũ khí sắc bén nhất, là chiếc áo giáp cho người lành, khỏe mạnh, giúp giảm bệnh nặng, tử vong ở những ca mắc. Chiến lược vaccine cần được nhìn nhận thấu đáo cả công dụng lẫn năng lực đầu tư, phát triển nhằm tự chủ phần nào nguồn cung ứng trước sức tấn công của dịch bệnh. 

Hệ thống y tế công cộng tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là ở cấp cơ sở, để sớm phát hiện và cảnh báo các ca bệnh, bóc tách kịp thời toàn bộ F0 tại các khu dân cư, cộng đồng; thông qua bản đồ phân lập, đáp ứng đầy đủ từ tư vấn hướng dẫn điều trị, trực tiếp thăm khám cho đến phát túi thuốc, kiểm tra, giám sát quá trình điều trị. Có thể nói, chưa bao giờ, “áo choàng trắng” - biểu tượng của khoa học y khoa và “đôi giày mòn” - biểu tượng của dịch tễ học, lại phát huy sức mạnh “cộng sinh” đến tận hang cùng ngõ hẻm như thế. Giải pháp này đang cần được thúc đẩy mạnh mẽ, nhanh chóng hơn nữa. 

Về lâu dài, chúng ta phải thực hiện đúng như yêu cầu của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy mở rộng chiều 11-9, đó là “củng cố lại hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở và trung tâm y tế cấp quận, cấp thành phố. Đồng thời TPHCM cần có cơ chế, chính sách thu hút, quy tụ y tế tư nhân… tham gia phòng chống dịch”. Đây chính là cánh tay nối dài của hệ thống bệnh viện trung tâm, thực hiện tốt chức năng phát hiện, dự báo, cảnh báo, trước khi “bão” virus đổ bộ, tấn công thành đại dịch.

Trụ cột còn lại để “ngôi nhà chung” vững chãi chính là hình thành thói quen mới - tập quán giãn cách. Điều này thuộc về ý thức từ mỗi cá thể đến tập thể; không chỉ ở người dân mà trong hệ thống tái cấu trúc - quản lý sinh hoạt từ gia đình đến mọi hoạt động cộng đồng, các cơ quan công quyền đều cùng chung một thay đổi căn bản, có tính quyết định sống còn. 

Công nghệ cũng là một phần “đón đầu” những tai ương dịch bệnh ở cả hiện tại và sắp tới, sẽ là công cụ kết nối xã hội, tương tác quan trọng trong môi trường giãn cách người với người, trước mệnh lệnh cắt đứt mọi nguồn lây nhiễm virus lên người.  

Làm tới đâu phải chắc tới đó, quyết định dựa trên dữ liệu và bằng chứng khoa học sẽ dẫn dắt lộ trình mở cửa, tái thiết mọi hoạt động kinh tế - xã hội trong thời gian sắp tới. 

Tin cùng chuyên mục