Trung - Mỹ: Tiếp tục căng thẳng


Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và những lợi ích an ninh sau khi Mỹ thông qua thương vụ bán vũ khí trị giá 2,4 tỷ USD với lãnh thổ Đài Loan.
Máy bay F-16 được lãnh thổ Đài Loan mua của Mỹ bay cạnh máy bay ném bom H-6 (phải) của Trung Quốc
Máy bay F-16 được lãnh thổ Đài Loan mua của Mỹ bay cạnh máy bay ném bom H-6 (phải) của Trung Quốc

Trừng phạt các công ty Mỹ 

Phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Bắc Kinh ngày 27-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay, Trung Quốc hối thúc Mỹ ngừng việc bán vũ khí để ngăn chặn gây tổn hại hơn nữa cho mối quan hệ Bắc Kinh - Washington.

Ngoài ra, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói: “Việc Mỹ bán vũ khí cho lãnh thổ Đài Loan vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc một Trung Quốc và ba thông cáo chung Trung - Mỹ, đồng thời phá hoại nghiêm trọng chủ quyền cũng như lợi ích an ninh của Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ ”.

Trung Quốc một ngày trước đã thông báo sẽ trừng phạt Lockheed Martin, Boeing Defense, Raytheon và các công ty liên quan của Mỹ mà Bắc Kinh cho là liên quan trong các thương vụ vũ khí của Washington với Đài Bắc. Quyết định trừng phạt được đưa ra nhằm đáp lại việc Mỹ bán vũ khí lần thứ chín cho lãnh thổ Đài Loan.

Trước đó, chính quyền Đài Loan đã xác nhận việc mua hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon do Boeing sản xuất trị giá 2,37 tỷ USD. Tuần trước, Mỹ cũng phê duyệt bán gói vũ khí trị giá 1,8 tỷ USD cho lãnh thổ Đài Loan, bao gồm tên lửa, pháo phản lực, cảm biến trinh sát trên không. Trước đó nữa, trong tháng 8 Mỹ cũng đã bán cho Đài Loan 66 máy bay chiến đấu F-16.

Lockheed Martin cho biết, việc bán vũ khí ở nước ngoài là “giao dịch giữa chính phủ với chính phủ” và tất cả các giao dịch quốc tế của họ đều được “chính phủ Mỹ quản lý chặt chẽ”. Tập đoàn này cho biết việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc rất hạn chế nên sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lệnh cấm vận của Bắc Kinh. Một phát ngôn viên của Boeing cho biết công ty vẫn cam kết hợp tác với cộng đồng hàng không của Trung Quốc.

Ăn miếng trả miếng về truyền thông

Trung Quốc đã thắt chặt các quy tắc đối với một số hãng truyền thông Mỹ trong một động thái mà họ cho là “cần thiết và có đi có lại” sau khi các nhà báo Trung Quốc ở Mỹ bị hạn chế vào tuần trước. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì các vấn đề từ thương mại, công nghệ đến nhân quyền, đã hạn chế thị thực phóng viên của nhau, cả việc Trung Quốc trục xuất các nhà báo Mỹ.

Theo AP, sau khi Mỹ tuyên bố bổ sung thêm một số hãng truyền thông Trung Quốc vào danh mục “cơ quan đại diện nước ngoài”, hôm 26-10, Bắc Kinh đã yêu cầu 6 tập đoàn truyền thông Mỹ báo cáo về nhân sự, tài chính và bất động sản của họ. Các hãng truyền thông Mỹ bị ảnh hưởng là American Broadcasting Corporation (ABC), Los Angeles Times, Newsweek, Feature Story News, Văn phòng các vấn đề quốc gia và Minnesota Public Radio.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố rằng các yêu cầu này là “tự vệ chính đáng và hợp lý”. Đây là động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington.

Tuần trước, Mỹ đã chỉ định thêm 6 tổ chức truyền thông Trung Quốc làm cơ sở tuyên truyền cho nhà nước Trung Quốc. Đây là đợt thứ ba Mỹ chỉ định các tổ chức truyền thông Trung Quốc có cơ quan đại diện nước ngoài, đòi hỏi phải báo cáo chi tiết về đội ngũ nhân viên và giao dịch bất động sản tại Mỹ cho Bộ Ngoại giao Mỹ.

Vào tháng 5, Mỹ đã rút ngắn thị thực các nhà báo Trung Quốc ở Mỹ xuống còn 90 ngày và tháng trước, Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không còn gia hạn thông tin báo chí cho các nhân viên truyền thông Mỹ ở nước này.

Tin cùng chuyên mục