Trung Quốc: Bảo tồn các di sản văn hóa trong du lịch

Các bảo tàng Trung Quốc đã đón 1,29 tỷ lượt khách đến tham quan, học tập - đạt kỷ lục mới về lượng khách tham quan trong năm 2023.

Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Binh Mã Dũng, Trung Quốc. Ảnh: THX
Hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Binh Mã Dũng, Trung Quốc. Ảnh: THX

Những năm gần đây, song song với việc phục chế, bảo tồn và trưng bày các cổ vật có giá trị lịch sử, hơn 90% bảo tàng trên khắp Trung Quốc đã thực hiện chính sách mở cửa miễn phí cho du khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giáo dục về giá trị văn hóa lịch sử, cũng như các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước có bề dày lịch sử này.

Theo số liệu của Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc, năm 2023, các bảo tàng trên cả nước đã tổ chức hơn 40.000 cuộc triển lãm và hơn 380.000 hoạt động giáo dục; thực hiện hơn 3.500 dự án nghiên cứu, phát hành hơn 3.000 ấn phẩm và hơn 13.000 bài luận án được đăng tải… Các bảo tàng trên toàn quốc đã đón 1,29 tỷ lượt khách đến tham quan, học tập, đạt kỷ lục mới về lượng khách tham quan trong năm 2023.

Hiện nay, Trung Quốc có hơn 6.800 bảo tàng. Một trong những điểm đến đặc biệt thu hút khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài là Bảo tàng Binh Mã Dũng (Đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng), ở gần TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc. Được mệnh danh là “kỳ quan thứ 8 của thế giới”, Binh Mã Dũng là một quần thể tượng người, ngựa bằng đất nung, được chôn theo Hoàng đế Tần Thủy Hoàng trong khoảng năm 210 trước Công nguyên. Quần thể tượng được sắp đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt, ước tính có tới hơn 8.000 binh sĩ cùng với 130 xe ngựa, 520 con ngựa.

Từ khi được phát hiện vào năm 1974 đến nay, việc khai quật khảo cổ vẫn được tiến hành và những cổ vật vẫn liên tục được phát hiện. Sở dĩ công tác khai quật bị kéo dài là do tượng binh mã được làm bằng đất nung rất dễ vỡ và việc phục chế, bảo tồn những bức tượng này gặp nhiều khó khăn. Các bức tượng người có lính bộ binh, cung thủ, các tướng lĩnh trong tư thế đứng thẳng hoặc cúi mình cầm cung, kích, giáo, mác, gươm bọc đồng... Đây là những vũ khí được sử dụng ở Trung Hoa thời đó.

Ngoài tượng binh mã, tượng xe ngựa có kích cỡ và tinh xảo như thật cũng được phát hiện trong khu tượng binh mã. Quần thể tượng được đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt, hầm mộ thứ 4 là hầm trống. Người ta cho rằng, hầm mộ thứ nhất có pho tượng 6.000 binh mã, là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng. Hầm mộ thứ nhất nằm mặt Tây của lăng mộ. Hầm mộ thứ hai chứa khoảng 1.400 pho tượng kỵ binh và bộ binh đi cùng xe ngựa, đây được xem là đội cảnh binh, trên diện tích 19.659m2. Hầm mộ thứ ba là đội chỉ huy các cấp khác nhau và một xe tứ mã trên diện tích 1.524m2 có 68 pho tượng.

Bà Chu Bình, Phó Giám đốc Bảo tàng Binh Mã Dũng, cho biết, việc phục chế các bức tượng binh mã bằng đất nung hết sức phức tạp, cần có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ để nghiên cứu, phân tích kỹ trước khi xử lý một cách tỉ mỉ, sau đó mới bổ sung, gia cố để tạo ra một sản phẩm có thể được trưng bày. Ngoài công tác phục chế và bảo tồn, Bảo tàng Binh Mã Dũng cũng đang thúc đẩy việc số hóa công tác trưng bày, giúp cho khách tham quan có được trải nghiệm sinh động hơn khi xem các hiện vật. Nhờ những những nỗ lực không ngừng trong công tác phục chế và bảo tồn, bảo tàng này đã trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập..., qua đó góp phần phát huy hiệu quả công tác giáo dục cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa quốc gia.

Tin cùng chuyên mục