
>> Trung Quốc phô trương, thách thức và ngụy biện
Càng tiến gần đến thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết về vụ kiện biển Đông, Trung Quốc lại càng ra sức dùng những luận điệu phi lý để chối bỏ vụ kiện này.
Lớn tiếng cảnh báo Mỹ
Theo Guardian, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vừa có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lặp lại sự phủ nhận của Trung Quốc về vụ kiện biển Đông của Philippines, gọi phiên tòa của PCA là trò hề và nên kết thúc. Ông Vương tự cho mình quyền cảnh báo Mỹ nên tôn trọng cam kết không theo bên nào với các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, khôn ngoan với hành động và lời nói, và không có bất cứ hành động nào vi phạm đến cái gọi là chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Tàu khu trục Stethem
Nội dung về cuộc điện đàm giữa hai bên không tiết lộ chi tiết. Trước đó, giới chức Mỹ từng tuyên bố, nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết, phản ứng của Mỹ có thể là gia tăng các cuộc tuần tra tự do hàng hải gần khu vực các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng là tuyến đường hàng hải thương mại của thế giới. Trong vài tuần gần đây, các tàu khu trục của quân đội Mỹ gồm Stethem, Spruance và Momsen đã tuần tra gần những khu vực mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham) gần Philippines.
Ngày 7-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhắc lại tại cuộc họp báo thường kỳ rằng Trung Quốc sẽ không chấp thuận cũng như không công nhận bất cứ phán quyết nào trong phiên tòa PCA. Bên cạnh đó, ông Hồng Lỗi còn ngang ngược nói rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo và vùng biển liền kề trên biển Đông.
ASEAN cần có tuyên bố chung
Liên quan đến vụ kiện, ngày 7-7, tờ StraitsTimes có bài viết cho rằng ASEAN cần sẵn sàng đưa ra tuyên bố chung sau khi có phán quyết của PCA về biển Đông. Theo tác giả bài báo, ông Prashanth Parameswaran, nghiên cứu sinh tại Trường Luật Fletcher thuộc Đại học Tufts, dư luận quốc tế sau ngày 12-7 sẽ rất quan tâm đến việc ASEAN, với tư cách là một khối, có thể ra một tuyên bố đối với phán quyết của PCA hay không. Nếu ASEAN có tuyên bố chung về vụ kiện sẽ có lợi cho cả khối. Dù chỉ có 4 thành viên trong khối có tranh chấp trên biển Đông, tất cả 10 quốc gia ASEAN đều có lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và luật pháp hơn là sử dụng vũ lực. Các nước Đông Nam Á cũng rất cần đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trên biển Đông, như quyền tự do hàng hải, hàng không được bảo vệ, bởi biển Đông là huyết mạch của khu vực.
Trong ngày 12-7, Hội thảo biển Đông thường niên lần thứ 6 năm 2016 do Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức tại Mỹ sẽ diễn ra trong một ngày. Hội thảo được chia làm 4 phiên thảo luận chính gồm: vấn đề pháp lý và các bước đi tiếp theo ở biển Đông; tình hình biển Đông trong năm 2016; quân sự hóa và xây dựng năng lực ở biển Đông; vấn đề môi trường. Các chuyên gia, học giả sẽ thảo luận về những vấn đề tồn đọng từ lâu cũng như các diễn biến mới nổi thời gian gần đây tại một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới này, đồng thời đánh giá về những tác động địa chiến lược đối với khu vực. Đặc biệt, lần đầu tiên hội thảo của CSIS có một phiên thảo luận về những thiệt hại đối với môi trường và hệ sinh thái biển Đông bắt nguồn từ những hoạt động tăng cường quân sự mới đây.
Hội thảo biển Đông thường niên năm 2016 được dư luận đặc biệt quan tâm vì sự kiện này diễn ra đúng ngày PCA ra phán quyết về vụ kiện biển Đông. Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia, học giả hàng đầu và các quan chức cấp cao tới từ Mỹ, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Australia và Malaysia.
|
THANH HẰNG (tổng hợp)