Trung Quốc - Việt Nam: Định vị hướng đi mới

Nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024, ông HÙNG BA, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam, đã dành cho báo ĐTTC cuộc trả lời phỏng vấn chân tình. Đại sứ đánh giá cao triển vọng hợp tác Trung Quốc - Việt Nam trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực.

Trung Quốc - Việt Nam: Định vị hướng đi mới

Trung Quốc ủng hộ Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam duy trì đà phát triển tích cực. Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam tháng 12-2023, có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với quan hệ 2 nước?

Đại sứ HÙNG BA: - Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam rất đặc biệt. Chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 12-2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là cơ hội rất quan trọng để lãnh đạo cấp cao 2 bên duy trì, tăng cường trao đổi chiến lược cấp cao trong tình hình mới, dựa trên nền tảng vững chắc của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam được tích lũy trong 15 năm. Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục xác định vị thế mới của quan hệ song phương, cũng như hướng đi mới cho sự phát triển tiếp theo, mở ra những triển vọng hợp tác mới giữa 2 nước trên nhiều lĩnh vực; đồng thời tạo ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam. Thông qua những cuộc tiếp xúc, lãnh đạo 2 bên đã đi sâu trao đổi ý kiến về những nội dung quan trọng, về kinh nghiệm xây dựng và quản lý đất nước. Vì vậy, có thể nói một cách khái quát là định vị mới, hướng đi mới, động lực mới.

- Trong các cuộc hội đàm cấp cao, lãnh đạo 2 nước đã thống nhất quan điểm và ra tuyên bố chung, trong đó nhất trí xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Trung Quốc cũng hoan nghênh và ủng hộ Việt Nam phát triển lớn mạnh, thực hiện thành công công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước để 2 nước cùng nhau phát triển. Nội hàm này như thế nào, thưa ông?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng, sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam cũng chính là sự phát triển lớn mạnh của lực lượng các nước XHCN trên thế giới. Năm 2022 trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 2 bên đã đạt được sự thống nhất và tuyên bố chung rất quan trọng, đó là ủng hộ lẫn nhau đi theo con đường XHCN phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của nước mình, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang đặc sắc của mỗi nước. 2 nước cũng xác định ủng hộ nhau trong các sự kiện, mục tiêu phát triển chung và dài hạn, mục tiêu phấn đấu 100 năm của mỗi nước. Tôi cho rằng đây là những cam kết rất có ý nghĩa.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính luôn nói Việt Nam phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đã để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với tôi. Tôi cho rằng đây là chủ trương rất quan trọng đối với Việt Nam, bởi vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu GDP của nền kinh tế Việt Nam.

01-1346-1410.gif
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba trồng cây đa Hữu Nghị tháng 8-2023

Do đó, để có thể đạt được mục tiêu này, quan trọng nhất là phải đẩy nhanh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, tình hình quốc tế đang có những diễn biến phức tạp và khó lường, nên việc đẩy nhanh, mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những rủi ro bên ngoài, và điều này rất quan trọng.

Không chỉ có lần này mà trong lần trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đề cập với Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, rằng Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ tích cực ủng hộ và tham gia quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam; trong đó tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng… Tôi cho rằng hợp tác giữa 2 nước trong các lĩnh vực này có triển vọng rất lớn.

Nhân dịp tết cổ truyền Việt Nam, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những người bạn Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam cùng đang cải cách kinh tế. Sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội cho Việt Nam và sự phát triển của Việt Nam cũng là cơ hội cho Trung Quốc.

Mở rộng lĩnh vực xuất khẩu

- Đánh giá của ông về triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc cũng như về những biện pháp tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, cân bằng cán cân thương mại giữa 2 bên trong thời gian tới?

- Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc. Trung Quốc đang tích cực mở rộng nhập khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây từ Việt Nam. Trong ASEAN, Việt Nam là nước duy nhất duy trì tăng trưởng trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung Quốc là một trong số ít thị trường xuất khẩu của Việt Nam duy trì mức tăng trưởng dương. Vì vậy, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam. Kết quả, trong 3 quý năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt 1,95 tỷ USD. Đầu năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD sầu riêng sang Trung Quốc, lúc đó tôi đã nói chắc chắn sẽ vượt qua con số này, thậm chí gấp 2 lần và thực tế đã như vậy.

Gần đây, tôi gặp nhiều phái đoàn, du khách Trung Quốc sang thăm Việt Nam, họ đều nói sầu riêng Việt Nam rất ngon, giá phù hợp và rất được ưa chuộng tại Trung Quốc. Ngoài ra, dừa tươi của Việt Nam cũng rất có triển vọng. Trung Quốc đang đẩy nhanh các thủ tục cũng như tham vấn trình tự kiểm dịch dừa tươi. Tiềm năng của mặt hàng này rất lớn. Trung Quốc và Việt Nam đều là những nền kinh tế đang phát triển và dựa vào xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, tính theo số liệu năm ngoái gần gấp đôi quy mô GDP. Vì vậy, đối với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, việc có được môi trường thương mại quốc tế tự do rộng mở và ổn định hết sức quan trọng.

Triển vọng về hợp tác phát triển hạ tầng giao thông

- Được biết, Trung Quốc có ưu thế về công nghệ, quy mô và chất lượng trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, là lĩnh vực Việt Nam cũng đang đầu tư phát triển. Ông có thể đánh giá về triển vọng hợp tác trong lĩnh vực này?

- Việt Nam có vị trí địa lý độc đáo và là cầu nối quan trọng kết nối giữa Trung Quốc với các quốc gia ASEAN. Việt Nam cũng là quốc gia rất quan trọng trong sáng kiến xây dựng “Vành đai, con đường” giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN. Từ nhiều năm trước, các quốc gia trong khu vực đều có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á và tăng cường hợp tác trong tuyến đường sắt này, trong đó theo tôi tuyến đường sắt xuyên Á qua Việt Nam là tuyến lớn nhất và có điều kiện xây dựng tốt nhất. Hiện nay tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc - Lào đã xây dựng xong và đang vận hành, tuyến đường sắt Trung Quốc - Thái Lan, Trung Quốc - Malaysia cũng đang đẩy nhanh xây dựng. Nên tuyến đường sắt xuyên Á phía Đông (đi qua Việt Nam) cũng nên đẩy nhanh xây dựng.

Trung Quốc có ưu thế về kinh nghiệm, công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc tiên tiến thuộc nhóm đầu thế giới, có đội ngũ nhân lực thi công hùng hậu. Tại Trung Quốc, chúng tôi cũng đã xây dựng hoàn thành các tuyến đường sắt cao tốc với tổng chiều dài khoảng 42.000km và các tuyến đường cao tốc có tổng chiều dài 180.000km. Hiện tại, tuyến đường sắt từ Jakarta đến Bandung của Indonesia và tuyến đường sắt Trung Quốc - Lào đã đưa vào vận hành, đem lại lợi ích rất lớn cho người dân các nước này. Thực tế, lãnh đạo 2 nước Trung - Việt đều rất coi trọng lĩnh vực hợp tác này. Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần trao đổi ý kiến với Bộ trưởng GTVT Việt Nam về triển vọng hợp tác này.

Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường sắt kết nối Hà Khẩu - Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện đã bước vào giai đoạn báo cáo nghiên cứu tính khả thi. Hay theo lời mời của Việt Nam, Trung Quốc sẵn sàng dùng khoản viện trợ không hoàn lại để giúp Việt Nam thực hiện cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt nối Quảng Tây -Đồng Đăng - Hà Nội. Trong bước tiếp theo, 2 nước sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch dự án tuyến đường sắt từ Móng Cái đến Hải Phòng. Các dự án nêu trên được xây dựng và hoàn thành, sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả giao thương giữa 2 nước, nâng cao hiệu suất vận chuyển hàng hóa, không xảy ra tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu.

Hiện nay 2 bên đang thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Hữu Nghị và sẽ thực hiện thông quan 24/24 giờ. Những dự án nêu trên khi hoàn thành sẽ giúp Việt Nam mở ra hành lang kinh tế từ Trung Quốc kết nối với khu vực Trung Á, châu Âu, giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời, thúc đẩy kinh tế vùng biên giới phía Bắc Việt Nam, trở thành cửa ngõ đối ngoại.

- Trên cương vị Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, ấn tượng của ông về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc như thế nào?

- Tôi làm đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã hơn 5 năm. Trong thời gian công tác, tôi đã nhận được sự ủng hộ to lớn từ lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng như các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương các cấp. Tôi có cảm nhận sâu sắc về tình hữu nghị Trung Quốc - Việt Nam do Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng, vun đắp, là tài sản chung quý báu của 2 Đảng, 2 nhà nước và nhân dân 2 nước chúng ta. Một trong những sự kiện để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, là ngày 25-8-2023, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi đã tháp tùng Tổng Bí thư đến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn.

Tại cửa khẩu Hữu Nghị, tôi đã cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng cây hữu nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy đã nhắc đi nhắc lại rằng trên thế giới này, giữa biên giới 2 quốc gia, cửa khẩu mà đặt tên “Hữu Nghị quan”, trên thế giới chỉ có duy nhất chỗ này. Với mối tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Trung Quốc với Việt Nam, đây là điều có một không hai trên thế giới và không có gì có thể so sánh được. Hôm ấy, cũng tại cửa khẩu Hữu Nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã ôn lại kỷ niệm giao lưu giữa 2 Đảng, 2 nhà nước, nhân dân 2 nước Việt - Trung.

Ông cũng nhắc đến câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đi qua cửa khẩu, đi bộ sang thăm Trung Quốc và để lại rất nhiều khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử 2 nước chúng ta. Tên của cửa khẩu Hữu Nghị ban đầu cũng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất và đặt. Lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Phó Thủ tướng Trần Nghị đặt tên là cửa khẩu Hữu Nghị, và phía Trung Quốc hoàn toàn đồng ý. Phó Thủ tướng Trung Quốc Trần Nghị khi ấy đã cùng đề chữ ở cửa khẩu Hữu Nghị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm ấy cũng đến cửa khẩu và nói chuyện với mọi người. Đó cũng là thông điệp ông muốn gửi đến nhân dân 2 nước, rằng mối tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc rất đặc biệt và cần phải gìn giữ, phát huy.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo ĐTTC

Tin cùng chuyên mục