
GS Archie Lapointe, Giám đốc điều hành Viện Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) vừa có 5 ngày làm việc tại Việt Nam để hỗ trợ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KT-KĐCL GD), thuộc Bộ GD-ĐT, một số công tác chuẩn bị cho kỳ thi trắc nghiệm ngoại ngữ sẽ được tổ chức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2006 tại Việt Nam.
- Khắt khe và chống gian lận

Theo Cục KT-KĐCL GD, trong gần 2 tháng qua, đã có 15 tỉnh, thành phố tổ chức thi thử trắc nghiệm môn ngoại ngữ với sự tham gia của gần 82.000 học sinh lớp 12. Trong đó, Hải Phòng, Nghệ An và Ninh Bình là 3 địa phương tổ chức thi thử trắc nghiệm ngoại ngữ trên quy mô toàn tỉnh. Nghệ An là tỉnh có số học sinh dự thi đông nhất, khoảng 42.300 em. Theo kế hoạch, đến ngày 19-12, Ninh Bình sẽ là địa phương cuối cùng tổ chức thi thử trắc nghiệm.
Sau khi quan sát giờ thi trắc nghiệm ngoại ngữ tại Hội đồng coi thi trường THPT Gia Bình 2 (Bắc Ninh) và xem chi tiết băng video hướng dẫn tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, GS Archie Lapointe đề nghị: khi thi trắc nghiệm khách quan được áp dụng khắp toàn quốc, Bộ GD-ĐT cần bổ sung đội ngũ thanh tra đến ít nhất 20% địa điểm thi mà không cần thông báo.
Kết quả thanh tra sẽ phục vụ hai mục đích: đảm bảo chắc chắn rằng thí sinh được thi trong môi trường trung thực và được chuẩn hoá để thí sinh có thể chứng minh những gì họ biết và có thể làm bài được một cách công bằng; điều chỉnh và hoàn thiện quy trình tập huấn trong tương lai dành cho các giám thị. Bên cạnh đó, GS Archie Lapointe nhận định: tất cả các quy trình tổ chức kỳ thi đã phản ánh những tiêu chuẩn khắt khe nhất mà ETS yêu cầu áp dụng đối với tất cả các chương trình khảo thí của viện này nhằm đảm bảo độ chính xác của dữ liệu, kiến thức cần “đo” qua kỳ thi và ngăn chặn gian lận.
- Một kỳ thi, hai mục đích
Sau kỳ thi thử ở 15 địa phương trên toàn quốc, Bộ GD-ĐT đã quyết định thay đổi thời gian làm bài thi cho phù hợp với thực tế: đối với bài thi tốt nghiệp THPT, thời gian làm bài sẽ là 60 phút cho 50 câu hỏi trắc nghiệm (thay cho 45 phút như dự kiến) và 90 phút cho 70 – 100 câu hỏi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo lộ trình, sau khi tổ chức thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ vào năm 2006, từ năm 2007 sẽ có thêm 3 môn được áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm gồm: vật lý, hóa học, sinh học và từ năm 2008, sẽ thi trắc nghiệm thêm 3 môn: toán, lịch sử, địa lý. Giai đoạn từ năm 2009 trở đi, phương án thi được đề xuất theo hướng kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT với thi tuyển sinh ĐH, CĐ, THCN thành một kỳ thi quốc gia, vừa để công nhận tốt nghiệp phổ thông, vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, THCN.
Tán thành với phương án này, GS. Archie Lapointe phân tích, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ học sinh tốt nghiệp THPT đỗ đại học (khoảng 20%) nên chúng ta có thể tự tin đưa ra giả thuyết những kết quả thu được từ bài thi tốt nghiệp THPT là cơ sở phù hợp để lựa chọn tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, Bộ GD-ĐT nên thu thập số liệu thống kê để lập hồ sơ học tập (trong đó có điểm thi) của những học sinh giỏi nhất và kém nhất sau 4-5 năm học đại học.
Những dữ liệu như vậy có thể được sử dụng để làm bằng chứng cho quyết định sử dụng các bài thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH. “Bài thi chung như vậy có thể sẽ trở thành chiếc cầu nối cho phép kết nối hai thiết chế giáo dục: giáo dục THPT và giáo dục đại học” - GS Archie Lapointe khẳng định.
ĐINH LAN
Tin, bài liên quan
Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2006: Thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ
Thi trắc nghiệm: Người trong cuộc đã chuẩn bị như thế nào?