Xu thế tất yếu
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), các bảng xếp hạng ĐH đánh giá 3 sứ mệnh quan trọng của một trường ĐH - gồm: đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Dữ liệu phục vụ xếp hạng được thu thập từ nhiều nguồn tin cậy khác nhau: do cơ sở GDĐH cung cấp, trích xuất từ bên thứ ba (đặc biệt là các dữ liệu về nghiên cứu khoa học), trích xuất từ dữ liệu quốc gia hoặc website của cơ sở GDĐH, thông qua ý kiến của các bên liên quan.
Các chuyên gia giáo dục nhận định, sự hiện diện của các bảng xếp hạng ĐH là xu hướng tất yếu khi nhiều quốc gia đầu tư rất lớn cho các dự án trọng điểm nhằm đưa cơ sở GDĐH của mình vào vị trí hàng đầu của các bảng xếp hạng toàn cầu. Chẳng hạn, Dự án 5-100 của Nga với mục tiêu đưa 5 ĐH hàng đầu của nước này vào tốp 100 ĐH xuất sắc nhất thế giới; Đức và Pháp đầu tư hàng triệu EUR thu hút giới tinh hoa thế giới đến nghiên cứu, học tập tại quốc gia này nhằm chen chân vào các bảng xếp hạng toàn cầu; Trung Quốc lập ra C9 - tương đương Ivy League của Hoa Kỳ - gồm các ĐH hàng đầu của quốc gia này để tập trung nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia là những quốc gia có chiến lược rõ ràng trong việc thúc đẩy các ĐH tham gia và cải thiện vị thế trên các bảng xếp hạng…
Theo TS Lê Văn Út, Trưởng Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường ĐH Văn Lang, xếp hạng ĐH là tất yếu và rất được quan tâm trên thế giới. Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta chỉ nên quan tâm đến những hệ thống xếp hạng ĐH có uy tín để tránh việc làm sai lệch giá trị học thuật của các ĐH.
Hiện nay, theo công bố của IREG Observatory on Academic Ranking and Excellence (Tổ chức quốc tế về xếp hạng ĐH, do nhóm các chuyên gia quốc tế về xếp hạng ĐH thế giới thành lập), lĩnh vực GDĐH có gần 100 bảng xếp hạng với các mức độ khác nhau, bao gồm 31 bảng xếp hạng quốc tế, 9 bảng xếp hạng khu vực và 57 bảng xếp hạng quốc gia.
Những tín hiệu tích cực
Sau 10 năm tham gia (tính từ năm 2013), ngoài 2 ĐH quốc gia đi tiên phong và luôn có thứ hạng cao, Việt Nam có thêm hàng chục trường ĐH khác có tên trong bảng xếp hạng của châu lục và thế giới. Thứ hạng của các trường được cải thiện liên tục trong những năm gần đây.
Các chuyên gia nghiên cứu đang làm việc tại Viện Tế bào gốc của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) |
Năm 2017-2018, Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS-Vương quốc Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS Asia năm 2018 đối với 400 trường ĐH hàng đầu châu Á. Việt Nam có 5 đơn vị lọt vào tốp 400 này, gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội hạng 139, ĐH Quốc gia TPHCM hạng 142, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 291-300, Trường ĐH Cần Thơ trong nhóm 301-350, Đại học Huế trong nhóm 351-400.
Ở bảng xếp hạng QS Asia năm 2019, Việt Nam góp mặt 7 cơ sở GDĐH trong nhóm 500 trường ĐH hàng đầu châu Á. Kết quả bảng xếp hạng QS Asia năm 2020 thì Việt Nam có đến 8 ĐH và trường ĐH được xếp tốp 500 ĐH tốt nhất trong tổng số 13.578 ĐH và học viện toàn châu Á. Đặc biệt, theo kết quả xếp hạng các trường ĐH toàn cầu năm 2020 của Tạp chí Times Higher Education (Vương quốc Anh), ĐH Quốc gia TPHCM đứng trong tốp 1.001+. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện đứng trong bảng xếp hạng này.
Trong năm 2022, các cơ sở GDĐH của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện của Việt Nam được lọt vào Bảng xếp hạng Time Higher Education (THE); 5 cơ sở GDĐH trong Bảng xếp hạng các trường ĐH tốt nhất toàn cầu năm 2022 (Best Global Universities); 10 cơ sở nằm trong Bảng xếp hạng Webometrics; 11 cơ sở trong Bảng xếp hạng ĐH châu Á (QS Asian University Rankings 2022); 7 cơ sở trong Bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022. Ngành Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) được xếp hạng tốp 101-150 các cơ sở GDĐH xuất sắc toàn cầu, theo QS World University Rankings by Subject 2021…
PGS-TS VŨ HẢI QUÂN, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM: Cần thực hiện 3 giải pháp lớn
Để ĐH Việt Nam đứng vào tốp 100 các trường ĐH châu Á hoặc tốp 500 các trường ĐH hàng đầu thế giới, trong thời gian tới cần thực hiện 3 giải pháp. Đầu tiên, Nhà nước cần có chiến lược ưu tiên đầu tư cho một số trường ĐH đã có tên trong bảng xếp hạng thông qua chính sách đặt hàng đào tạo và nghiên cứu. Cụ thể như chính sách đặt hàng đào tạo các ngành khoa học cơ bản, công nghệ mũi nhọn để các trường ĐH xây dựng lực lượng khoa học trẻ, thực hiện các nghiên cứu đột phá. Thứ hai, cam kết về tự chủ cho các trường ĐH, trong đó quan trọng nhất là tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức và tự chủ tài chính. Thứ ba, các trường ĐH tái cấu trúc để tăng hiệu quả quản trị, có chính sách thu hút, tuyển dụng giảng viên giỏi, nhất là giảng viên nước ngoài; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh để tăng số lượng và chất lượng nghiên cứu.
ThS PHẠM THÁI SƠN, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM): Đầu tư vào các tiêu chí cốt lõi nhất
Mục đích của bảng xếp hạng là biết thứ hạng của mình trong số các trường ĐH, để phấn đấu có thứ hạng cao hơn, cải thiện điểm yếu.
Tuy nhiên, trong vài năm qua có hiện tượng một vài trường vì quá quan tâm tới thứ hạng của mình mà không để ý đến các tiêu chí xếp hạng, chạy theo việc mua bán bài báo khoa học, thuê mướn các chuyên gia không phải cơ hữu của trường nhằm mục đích tăng số lượng công bố quốc tế. Đây là việc làm lệch hướng mà các trường cần phải nghiêm túc nhìn nhận và rút kinh nghiệm. Do đó, để làm tốt công việc xếp hạng, xây dựng văn hóa chất lượng, các trường nên đầu tư vào các tiêu chí cốt lõi nhất mà các bảng xếp hạng uy tín của quốc tế và của Việt Nam đã đưa ra - đó là đầu tư vào con người (giảng viên), đầu tư vào cơ sở vật chất để phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học bài bản, kết nối với doanh nghiệp...
PGS-TS NGUYỄN VŨ QUỲNH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng: Không nên “lao vào” các bảng xếp hạng bằng mọi giá
Đã nói xếp hạng thì xem như là một cuộc chạy đua, sẽ có trường xếp hạng cao, có trường xếp hạng thấp. Việc cạnh tranh để đạt được vị trí cao trong các bảng xếp hạng ĐH có thể dẫn đến áp lực quá mức trong hoạt động của tập thể sư phạm nhà trường, ảnh hưởng đến các hoạt động khác của nhà trường. Theo tôi, các trường không nên “lao vào” các bảng xếp hạng bằng mọi giá mà phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định tham gia và nên hiểu rõ các tiêu chí, phương pháp đánh giá của bảng xếp hạng đó để có những quyết định đúng đắn. Các trường nên dành thời gian nhiều hơn vào những yếu tố quan trọng để phát triển và cải thiện chất lượng đào tạo.
Về Bảng xếp hạng VNUR, đây có thể xem là bảng xếp hạng có quy mô lớn nhất đầu tiên của các trường ĐH Việt Nam. Theo quan điểm của tôi là nên ủng hộ nhóm nghiên cứu và góp ý chân thành để nhóm nghiên cứu hoàn thiện hơn ở những phiên bản tiếp theo.
- QS Asia xếp hạng các ĐH dựa trên 10 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: danh tiếng về học thuật (30%); khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (20%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (15%); tỷ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); tỷ số bài báo xuất bản trên giảng viên (10%); trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố (10%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); trao đổi sinh viên trong nước (2,5%), trao đổi sinh viên quốc tế (2,5%).
- QS World xếp hạng các trường ĐH theo 6 tiêu chí, gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm); danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%); tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%); tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%); tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%); sinh viên quốc tế (5%).
- THE xếp hạng các trường ĐH theo 5 nhóm tiêu chí, gồm: giảng dạy (chiếm 30% tổng điểm); nghiên cứu (30%); trích dẫn khoa học (30%); triển vọng quốc tế (7,5%); thu nhập nhờ chuyển giao tri thức (2,5%).
- Bảng xếp hạng ĐH Việt Nam (VNUR - https://vnur.vn/) có 6 tiêu chuẩn và 17 tiêu chí để xếp hạng với các tỷ trọng cụ thể như sau: chất lượng được công nhận (30%); dạy học (25%); công bố bài báo khoa học (20%); nhiệm vụ khoa học công nghệ và sáng chế (10%); chất lượng người học (10%); cơ sở vật chất (5%).