Trường đại học tỉnh ngày càng teo tóp

Nhiều trường đại học (ĐH) địa phương, trong đó phần lớn được nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm, dù có tuổi đời đã trên 10 năm nhưng hiện vẫn đang trong tình trạng thoi thóp vì tuyển sinh không được. 
 Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 tại điểm thi Trường THPT Long Xuyên (An Giang)
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2017 tại điểm thi Trường THPT Long Xuyên (An Giang)
Dù so với nhiều quốc gia trong khu vực, tỷ lệ sinh viên/vạn dân của Việt Nam còn thấp, nhưng việc thành lập, nâng cấp trường một cách ào ạt, vội vàng trong hơn một thập kỷ qua đã dẫn đến hệ quả chất lượng đào tạo thấp và bị người học “chê”. Thậm chí, có trường đã phải kêu gọi nhà đầu tư để chuyển thành trường tư thục.    
Tuyển sinh èo uột 
Trường ĐH Bạc Liêu thành lập từ năm 2006, nhưng đến nay vẫn không thể khởi sắc. Nguồn thu hàng năm của trường hiện chỉ hơn 44,7 tỷ đồng và đội ngũ giảng viên chỉ có 212 người (trong đó, trình độ tiến sĩ là 15 người, thạc sĩ 137, ĐH 60). Kết quả 2 năm tuyển sinh gần nhất của trường rất ảm đạm, không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Năm 2015 có 1.141/1.520 thí sinh trúng tuyển, năm 2016 có 843/1.145 thí sinh trúng tuyển.
Nhiều ngành có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển khá thấp so với chỉ tiêu cần tuyển như: Kế toán 24/90; Quản trị kinh doanh 33/75; Công nghệ thông tin 14/50. Trong năm 2017, trường này có 835 chỉ tiêu, trong đó 334 xét bằng kết quả thi THPT quốc gia và 501 xét bằng các phương thức khác. Thế nhưng, hiện nay trường phải dành đến hơn 50% chỉ tiêu (455 thí sinh) xét tuyển bổ sung với 3 phương thức xét tuyển, gồm kết quả thi THPT quốc gia 2107, điểm học bạ THPT và thí sinh thuộc khu vực Tây Nam bộ dưới điểm sàn 1 điểm…  
Trường ĐH Đồng Tháp thành lập từ năm 2003, nhưng đến nay nhiều ngành tuyển sinh vẫn rất ảm đạm. Năm 2016, trường chỉ tuyển được 1.180/2.000 chỉ tiêu; trong đó có nhiều ngành đáng báo động như Sư phạm mầm non chỉ có 19/100 thí sinh nhập học; Sư phạm Sinh có 9/40 thí sinh nhập học. Trước đó, nhiều ngành đã phải dừng tuyển sinh vì không có thí sinh.
Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) thành lập năm 2007, nhưng năm 2016 chỉ có 898 thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu 1.380. Trong đó, nhiều ngành rất ít thí sinh trúng tuyển như: Ngôn ngữ Anh có 13/100 thí sinh nhập học, công nghệ thông tin có 21/100 thí sinh nhập học.
Nhiều trường ĐH ở các khu vực khác như miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên cũng đang trong tình cảnh tương tự, nhiều năm liền điểm chuẩn bằng điểm sàn nhưng vẫn không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu.
Khó nâng cao chất lượng
Trường ĐH An Giang - một trong những trường ĐH tỉnh được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hoành tráng - cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi năm, nguồn thu của trường chỉ đáp ứng 30% nhu cầu hoạt động, ngân sách tỉnh phải bù đắp phần còn lại (do là trường ĐH thuộc tỉnh).
Tình trạng ấy kéo dài nhiều năm, do ngân sách khó khăn nên An Giang từng đề nghị chuyển giao trường về Bộ GD-ĐT nhưng không được. Hiện chi phí hoạt động của trường mỗi năm khoảng 70 - 80 tỷ đồng. Nếu so sánh với một tỉnh nông nghiệp như An Giang thì đó là gánh nặng. Trường có 858 cán bộ nhân viên, trong đó cán bộ giảng dạy gần 600, tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên gần 70%. Trước thực trạng này, trường đã xin chuyển và trở thành trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo. Tương tự, Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) cũng muốn trở thành thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM. 
Thực tế cho thấy, các trường ĐH tỉnh nâng cấp hiện nay sống dựa vào nguồn ngân sách địa phương nên khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của trường. Vì vậy, việc muốn nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư trang thiết bị thực hành, nghiên cứu khoa học lại càng khó hơn. Trong khi đó, nguồn thu học phí của người học lại rất thấp vì theo quy định của Nhà nước và vì số lượng thí sinh quá ít. 
Nói về thực trạng sống thoi thóp của nhiều trường ĐH tỉnh, một chuyên gia giáo dục cho rằng: “Trong một thời gian dài chúng ta chạy đua nâng cấp, thành lập trường một cách ồ ạt và đã bỏ qua các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Và rồi những trường thiếu thốn những điều kiện đảm bảo chất lượng được cấp chỉ tiêu, tuyển sinh ồ ạt nên việc đào tạo không có chất lượng là điều tất yếu. Không thể có chuyện điểm đầu vào ĐH chạm đáy mà đầu ra có chất lượng được. Không những vậy, việc tuyển sinh, đào tạo lại không gắn với nhu cầu thực tế nên mới có tình trạng chỉ tiêu nhiều nhưng không có người học”.
Để thoát khỏi tình trạng trên, chuyên gia này kiến nghị: Phải chấm dứt tình trạng trường ĐH đào tạo không có chất lượng, khuyến khích các trường ĐH tỉnh tự chủ (Trường ĐH Trà Vinh là trường thuộc tỉnh đầu tiên vừa được Thủ tướng cho thí điểm tự chủ) để họ cạnh tranh, nâng cao chất lượng. Nếu trường nào không đạt chất lượng thì dừng tuyển sinh. Song song đó, khuyến khích phát triển các trường tư thục nhưng phải đảm bảo đúng các điều kiện thành lập trường, đội ngũ giảng dạy, cơ sở vật chất… 
Nhiều năm trở lại đây, điểm chuẩn của các trường ĐH tỉnh dù đã chạm đáy nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu, nhiều ngành thiếu người học trầm trọng. Các trường đã vận dụng triệt để các phương thức tuyển sinh, trong đó các thí sinh thuộc khu vực “3 tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ) có điểm trúng tuyển thấp hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn rơi vào cảnh chợ chiều. 

Tin cùng chuyên mục