Trường đại học vất vả điều chỉnh đề án tuyển sinh

Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2022 và khẳng định quy chế cơ bản giữ ổn định như các năm qua, chỉ điều chỉnh một số điểm về kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường cho rằng những điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng lớn kế hoạch tuyển sinh, gây khó khăn cho thí sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2021
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức tháng 3-2021

Điều chỉnh về kỹ thuật 

Nói về quy chế, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, theo quy chế, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường ĐH rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và cập nhật lên hệ thống. Các trường cần công khai đề án, kế hoạch tuyển sinh, xác định chỉ tiêu và giải trình về phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển theo yêu cầu của ngành đào tạo, khắc phục những hạn chế của năm 2021. 

Theo đó, công tác tuyển sinh của các trường phải đảm bảo nguyên tắc giữ ổn định, đối với các phương thức xét tuyển đang được sử dụng. Nếu muốn giảm hoặc bỏ chỉ tiêu, cần phải có lộ trình, trong đó có quy định không được giảm quá 30% tổng chỉ tiêu của ngành/năm, không gây xáo trộn cho việc học tập, ôn luyện của thí sinh… Đối với trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác phương thức xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT, nếu chỉ xét tuyển dựa trên điểm học bạ THPT thì có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đăng ký xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Sau thời gian thí sinh đăng ký nguyện vọng, các trường sẽ tải nguyện vọng và điểm học bạ THPT của thí sinh về để xét tuyển, tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của bộ để lọc ảo cùng các phương thức khác. 

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, nếu các phương thức xét tuyển khác hay phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT phức tạp hơn cần một hệ thống riêng thì phải thông báo rõ cho thí sinh để đăng ký, nộp hồ sơ xét tuyển cho trường, đồng thời đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ. Các trường có thể chạy phần mềm xét tuyển trước, nhưng phải tải danh sách trúng tuyển lên hệ thống của bộ để lọc ảo cùng các phương thức khác.

Ngoài ra, quy chế cũng đưa ra một số điểm dự kiến điều chỉnh so với năm 2021 như: việc đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ phải thực hiện trên Cổng thông tin của bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia; thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1 bằng hình thức trực tuyến sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký nhiều nguyện vọng; với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo công bằng cho thí sinh; cập nhật kết quả học tập (lớp 10, 11 và 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Nhiều trường băn khoăn 

Theo đề án tuyển sinh mà nhiều trường đã công bố trước khi có dự thảo quy chế, trong năm 2022 có thêm nhiều phương thức xét tuyển mới từ các trường. Đáng chú ý là có nhiều phương thức không dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nên chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 giảm mạnh. Với những dự kiến điều chỉnh trong quy chế, nhiều trường sẽ phải điều chỉnh lại đề án tuyển sinh đã công bố và gửi cho Bộ GD-ĐT

Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM nhìn nhận, theo Luật Giáo dục ĐH năm 2018 cũng như Nghị định hướng dẫn thi hành luật này thì các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Chính lãnh đạo của Bộ GD-ĐT cũng khẳng định phát huy và tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh. Tuy nhiên, những điều chỉnh về mặt kỹ thuật mà bộ dự kiến sẽ khiến các trường rất vất vả điều chỉnh lại đề án. Chắc chắn phần mềm xét tuyển chung này sẽ khó đảm bảo thỏa mãn hết điều kiện xét tuyển ở các trường, nhất là các trường sử dụng phương thức xét tuyển riêng, xét tuyển kết hợp. Với trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển phải thêm động thái phân tích, minh chứng sự phù hợp của từng phương thức như bộ yêu cầu thì lại càng rắc rối. Ví dụ như trường thấy phù hợp nhưng bộ thấy không phù hợp, liệu có thỏa mãn không? 

Đại diện các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, quy chế cần tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong khâu tuyển sinh. Năm nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ Thông tin sử dụng thêm phương thức xét tuyển mới kết hợp điểm học bạ THPT, thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp THPT và các chứng chỉ, thành tích học tập khác, thành tích văn thể mỹ và hoạt động đóng góp cộng đồng, hoạt động xã hội… nên việc thay đổi này bắt buộc phải có sự phân tích cho bộ. Ngoài ra, với phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực (sẽ thi ngày 27-3, dự kiến công bố điểm vào tháng 4) liệu có được phép như mọi năm? 

Theo đại diện nhiều trường, nếu quy chế dồn tất cả phương thức xét tuyển vào một phần mềm xét tuyển chung thì chắc chắn khó tránh khỏi sự cố, khi đó giải quyết sẽ rất phức tạp. Đơn cử như phần mềm lọc ảo, nhiều trường không xác định hợp lý giữa chỉ tiêu và điểm trúng tuyển cũng sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt trường khác. Do đó, vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần làm là có giải pháp kỹ thuật để giám sát việc các trường thực hiện quy chế tuyển sinh, ngăn những trường gọi thí sinh nhập học sớm, tuyển vượt chỉ tiêu và xử phạt theo đúng quy định hiện hành.

Tin cùng chuyên mục