Truyền hình trả tiền - Đối thủ cạnh tranh mới đã “xuất chiêu”

Thị trường truyền hình trả tiền tại nước ta hiện đang lớn mạnh với tổng số hơn 2 triệu thuê bao và có tốc độ tăng trưởng trên dưới 100%/năm. Tuy nhiên khi thị trường càng phát triển thì các nhà đài truyền hình cáp lại thường xuyên bị khách phàn nàn hơn, không chỉ về chất lượng tín hiệu (bị hạt, không rõ nét) mà còn về cung cách phục vụ (chậm lắp đặt, thậm chí có lúc nhân viên lắp đặt vòi vĩnh khách hàng) và hậu mãi kém (khi xảy ra sự cố, được khách hàng báo nhưng nhà đài chậm đến xem xét, khắc phục).

“Số kênh bị cắt, bị đổi rơi vào những kênh được yêu thích khiến người xem giảm dần tín nhiệm đối với nhà cung cấp dịch vụ”- chị Hiếu, khách hàng của một kênh truyền hình cáp tại quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết.

Anh Thế Lâm, một thuê bao truyền hình cáp ở phường Bến Thành, quận 1, cũng cho biết: “Có một số kênh chương trình nhà đài muốn cắt là cắt, không hề thông báo cho khách hàng biết lý do tại sao. Đơn cử như kênh nói tiếng Nga, kênh truyền hình chuyên về tài chính thế giới Bloomberg, kênh chuyên về thể thao S3… đều bị cắt vào đầu năm 2010, dù tôi rất thích”...

Tuy nhiên cũng có những kênh truyền hình cáp khác nhanh chóng chiếm lòng tin của khách hàng, thị trường… nổi lên gần đây phải nói đến kênh K+, là thương hiệu cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh tại Việt Nam của Công ty TNHH truyền hình số vệ tinh (VSTV) – công ty liên doanh giữa Đài truyền hình VTV và Hãng truyền thông Pháp Canal+ (Pháp).

Cách đây 2 tháng, K+ “chào” thị trường Việt Nam bằng công bố bản quyền phát sóng trực tiếp 4 giải bóng đá lớn hàng đầu thế giới là Champions League, Europa League, La Liga, Ligue 1 đã khiến cho các kênh truyền hình cáp khác vốn đã có thị phần và tuổi đời lâu hơn thay đổi chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi… và tính đến việc cạnh tranh với K+.

Vào thời điểm ra mắt, K+ cũng đưa ra 3 gói cước Access, Family và Premium với số kênh lần lượt là 25, 45 và 50. Không chỉ vậy, tuần vừa rồi nhà đài này công bố: Từ nay tới cuối năm sẽ nâng số lượng kênh chương trình lên 100.

Để tạo bước đệm cho bước tiến 100 kênh, vừa công bố bổ sung thêm 13 kênh truyền hình mới bao gồm SCTV1, SCTV7, SCTV9, FGNC, HTV7, CNN, Cartoon Network, TCM, MGM, Discovery Travel & Living, Animal Planet, NHK World, ChannelNewsAsia nên các gói cước có số kênh lần lượt là 31, 57, 70, nhưng không tăng cước thuê bao.

Như vậy, K+ trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ DTH (trực tiếp qua vệ tinh) có số lượng kênh truyền hình nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay.

Điều làm các nhà đài khác đau đầu hơn và cũng thể hiện tính cạnh tranh quyết liệt trong dịch vụ truyền hình trả tiền là, trong một cuộc họp báo gần đây, đại diện của K+ cho biết họ không kinh doanh trên thiết bị thu phát sóng nên cung cấp giá thiết bị xuống thấp nhất để cạnh tranh.

Như thế giá trọn bộ thiết bị của K+ là 1,5 triệu đồng, gồm chảo parabol đường kính 0,6m và bộ giải mã STB (Set-Top-Box), trong khi đó giá trọn bộ thiết bị và lắp đặt của đối thủ cạnh tranh hơn 2 triệu đồng (đầu thu SD)… Qua đó cho thấy, trong lĩnh vực truyền hình số vệ tinh đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt và càng cạnh tranh thì khách hàng càng được lợi.

Bá Tân

Tin cùng chuyên mục