
Trước yêu cầu hội nhập, Sở giao dịch II – Ngân hàng Công Thương Việt Nam (SGD II) đặt mục tiêu mở rộng đầu tư vào các ngành kinh tế, các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả; đẩy mạnh hiện đại hóa ngân hàng, đưa nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích ra công chúng.
Cuộc vượt thoát ngoạn mục
Năm 2005 đánh dấu bước phát triển vượt trội của SGD II, trở thành một chi nhánh ngân hàng mạnh trong toàn hệ thống Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Incombank) với tổng nguồn vốn huy động tăng 27,6%, doanh số thanh toán quốc tế và thu dịch vụ tăng 33%… so với năm trước.
SGD II đã phát triển mạnh mạng lưới ATM, tăng 3 lần so với cách đây một năm, đạt 52 máy ATM và gần 120 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Tính năng sử dụng thẻ cũng không ngừng được cải tiến như chuyển tiền sang tài khoản cá nhân, rút tiền tự động, thanh toán các loại cước phí… nên có đến 40.000 khách hàng mới mở thẻ trong năm 2005.

SGD II là đơn vị tiên phong cung ứng dịch vụ cho thuê tủ sắt. Tại hội sở có 2.000 ngăn tủ sắt đáp ứng nhu cầu ký gửi, bảo mật của khách hàng.
Ông Võ Tấn Thành, Phó Tổng Giám đốc Incombank, Giám đốc SGD II, cho biết nét đổi mới trong công tác tín dụng phục vụ khách hàng là ngay từ đầu năm, ngân hàng đã thông báo đến các doanh nghiệp hạn mức tín dụng, các chỉ tiêu về doanh thu, tỷ lệ ký quỹ, công nợ phải thu… để các đơn vị chủ động vốn và ngân hàng giám sát thực hiện, nhằm tăng quy mô hợp tác có chất lượng.
Nhờ đó đầu tư tín dụng thuộc nhóm ngành hàng chủ lực của SGD II không ngừng tăng, như gạo xuất khẩu (tăng 36%), chế biến gỗ (32%), thuốc lá (20%), chế biến điều (40%)… Ngân hàng áp dụng chính sách linh hoạt đối với khách hàng bằng cách phân loại khách hàng, ngành hàng và có chính sách khuyến mãi, ưu đãi cụ thể đối với từng doanh nghiệp.
SGD II cũng đã giảm tỷ lệ ký quỹ, tư vấn về thanh toán quốc tế như chọn loại ngoại tệ tối ưu khi xuất, nhập hàng hóa nên số khách hàng thiết lập quan hệ tín dụng, thanh toán ngày càng tăng; trong đó nhiều khách hàng đã ký thỏa ước quan hệ hợp tác toàn diện với SGD II.
Do hiệu quả hoạt động không ngừng tăng, chỉ riêng năm 2005, SGD II đã đạt lợi nhuận 287 tỷ đồng. Người ta còn nhớ cách đây vài năm, khi xảy ra sự cố vụ Minh Phụng – EPCO, SGD II đã mất vốn đến vài ngàn tỷ đồng thì đến nay, về cơ bản lợi nhuận làm ra đã đủ bù đắp lỗ lã, đã khắc phục xong số nợ tồn đọng và sẽ xóa sạch nợ vào quý 1- 2006.
Ngân hàng đại chúng
Có thể nói SGD II đã thực sự lột xác và bài học lớn nhất được đúc kết là ngân hàng phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Trước thực trạng các doanh nghiệp đa số vốn ít, tài sản đảm bảo thiếu nhưng nhu cầu vay vốn tăng, SGD II đã mạnh dạn cho vay không có đảm bảo bằng tài sản bằng biện pháp cầm quản hàng hóa, giám sát nguồn thu. Nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, kinh doanh ổn định và tiến tới có tích lũy, đã làm nghĩa vụ sòng phẳng với ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAFOOCO), cho biết suốt thời gian qua nhờ sự giúp đỡ về vốn của SGD II, công ty đã đưa doanh thu tăng gấp 10 lần (1.000 tỷ đồng), kim ngạch xuất khẩu tăng 8 lần (48 triệu USD), nâng vốn chủ sở hữu từ 3,5 tỷ lên 53,2 tỷ đồng và cổ tức đạt 21,2% năm, cổ đông rất phấn khởi.
Ông Jean- Louis Nicaise, Tổng Giám đốc Cảng nước sâu Phú Mỹ – Việt Nam, cho biết do thiếu vốn đầu tư ban đầu công ty gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó, SGD II đến tìm hiểu, đánh giá đúng tiềm năng phát triển của cảng này, đã đầu tư 480 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất.
Nhờ đó cảng đã nâng sản lượng từ 900.000 tấn (năm 2001) lên đến 2 triệu tấn/năm hiện nay. Ông Hứa Vĩnh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty XNK GEDESICO (Đồng Tháp), cho biết trước năm 1998 công ty gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn và thị trường. Nhờ SGD II hỗ trợ kịp thời, công ty dần dần hồi phục và phát triển. Từ năm 2000 đến nay, GEDESICO đã ký thỏa ước hợp tác toàn diện với ngân hàng nên không lo thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất mà chú tâm vào phát triển, mở rộng thị trường…
Bước chuyển lớn nhất của SGD II là từ ngân hàng “đại gia” đã trở thành ngân hàng đại chúng. Định hướng hiện nay của ngân hàng là tập trung vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả thuộc mọi thành phần kinh tế, mở rộng cho vay tiêu dùng, ưu tiên vốn với lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Về chính sách thu hút tiền gửi, ngân hàng áp dụng lãi suất cạnh tranh, khuyến mãi đối với khách hàng có số dư tiền gửi lớn và nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm mới thỏa mãn nhu cầu đa dạng của từng nhóm khách hàng. Năm 2006 mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp.
Ông Võ Tấn Thành cho biết SGD II đang chủ động hơn nữa để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng bằng cách hiện đại hóa công tác quản lý, giảm thời gian giao dịch và các thủ tục không cần thiết. Ngân hàng sẽ tập trung vốn đầu tư trung, dài hạn vào các ngành có xu thế phát triển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hội nhập; các dự án mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cảng biển – sông, khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp…
THÚY PHƯƠNG