Loại bỏ ngay nguy cơ cháy
100% vụ cháy nhà dân có nguyên nhân xuất phát từ yếu tố con người. Trong đó, khoảng 80% số vụ xuất phát từ việc bất cẩn khi sử dụng điện, gas… không an toàn. Đó là những con số được Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (C66) - Bộ Công an - đưa ra tại một hội thảo bàn giải pháp PCCC mới đây. Điều này khẳng định, nếu mỗi người dân ý thức tốt việc phòng ngừa cháy nổ trong sinh hoạt hàng ngày, chắc chắn hỏa hoạn sẽ không xảy ra.
Hiện trường vụ cháy căn hộ tại chung cư Fideco Riverview (phường Thảo Điền, quận 2) do chủ nhà quên tắt bếp gas khi ra khỏi nhà
Để thực hiện được mục tiêu trên, C66 khuyến nghị mỗi người trong gia đình cần xem “bà hỏa” là giặc… lửa. “Giặc lửa có thể tấn công chúng ta bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu nếu ta thờ ơ, mất cảnh giác. Với giặc lửa, mỗi người cần lập trình thói quen sinh hoạt hàng ngày để nâng cao khả năng phòng ngừa. Phải quan sát kỹ trong nhà, xử lý ngay các nguy cơ có thể dẫn tới hỏa hoạn. Hãy bắt đầu từ những việc cơ bản nhất như cải tạo ngay các dây điện bị bong tróc vỏ nhựa. Với các ổ cắm, cầu chì từng xảy ra chạm chập, bị cháy đen, chảy nhựa, cần thiết phải thay mới… Vì nếu để các hư hỏng này tồn tại, sự cố cháy nổ là điều khó tránh khỏi, chỉ là sớm hay muộn và có thể gây hậu quả nghiêm trọng về người nếu không được xử lý kịp thời”, một cán bộ Phòng Thẩm duyệt (C66) khuyến cáo.
Nguy cơ cháy nổ thứ hai đến từ gas. Cảnh sát PCCC lưu ý gas tuy ít xảy ra sự cố hơn điện, nhưng nếu để xảy ra hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn, bởi không chỉ có cháy mà còn gây nổ. Vì vậy hãy triệt tiêu nguy cơ cháy nổ gas trong nhà bằng các giải pháp chủ động: khóa van gas ngay sau khi nấu; khi nghe mùi gas trong bếp phải kiểm tra, lau chùi trước khi mở bếp; thường xuyên kiểm tra bình - van - bếp, tránh để gas rò rỉ ra ngoài… Với bếp gas mini, chỉ sử dụng bình gas mới; tuyệt đối không sử dụng bình gas cũ, bình gas được sang nạp gas nhiều lần.
Xe máy cũng là một trong những nguồn lửa, nguồn nhiệt dễ dẫn đến cháy, đặc biệt là xe máy cũ. Khi xảy ra cháy, lửa dễ bùng phát vì trong xe có xăng. Thực tế đã có nhiều vụ cháy xuất phát từ việc chạm chập điện trong xe máy. Do vậy, không nên đậu xe trong nhà gần các ổ cắm điện, bếp nấu, phòng ngủ. Cần trang bị bình khí CO2 trong nhà, để gần khu vực đậu xe và bếp nấu. Ngoài ra, không nên lắp đặt bàn thờ sát trần la phông, hệ thống dây dẫn điện…
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Đồ đạc, vật dụng vứt lung tung trong nhà là thói quen xấu tồn tại khá phổ biến. Đây không chỉ là nguy cơ dẫn đến cháy lan, cháy lớn mà còn làm giảm khả năng thoát hiểm khi sự cố xảy ra. Để không phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc, trong sinh hoạt hàng ngày, người dân cần thay đổi thói quen này. Đồ đạc, vật dụng, nhất là các vật liệu dễ cháy như quần áo, giấy tờ, sách báo, bao bì… cần được sắp xếp gọn gàng, để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt và tránh đặt ở lối đi, để phòng khi có hỏa hoạn xảy ra không cản trở việc thoát nạn.
Sạc điện (điện thoại, xe đạp điện, máy tính xách tay…) cũng là nguy cơ lớn gây cháy nổ. Mọi người thường có thói quen cắm sạc rồi để trong thời gian lâu, có trường hợp cắm điện sạc dự phòng, máy tính trong nhiều ngày. Thói quen này rất nguy hiểm, vì mỗi thiết bị đều có thời gian sạc điện tối đa nhất định, nếu vượt ngưỡng sẽ dễ gây cháy nổ. Do đó, hết sức lưu ý đến yếu tố này. Ngoài ra, khi sạc điện nên để thiết bị sạc cách xa các vật liệu dễ cháy nhằm hạn chế tốc độ cháy lan của lửa khi có sự cố xảy ra. Cũng không nên để quạt trên giường, trong mùng ngủ, vì rất nguy hiểm nếu sự cố chạm chập điện xảy ra.
Những thành viên trong gia đình cần tuyên truyền, chia sẻ, nhắc nhở nhau những kiến thức, kỹ năng phòng cháy và thoát nạn. Phải dự kiến, tính toán trước các phương án chữa cháy và thoát nạn tại nơi ở, để khi có cháy nổ xảy ra, việc ứng phó được kịp thời và hiệu quả hơn. Trong nhà cần ghi, dán số điện thoại công an phường, cảnh sát PCCC để khi có cháy nổ, tai nạn xảy ra, báo tin ngay để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp trong nhà có cháy, cần bình tĩnh thực hiện phương án khắc phục tốt nhất.