Tủ thuốc y tế cùng ngư dân bám biển

Tủ thuốc y tế cùng ngư dân bám biển

Báo SGGP và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch với chương trình

Những ngày này, ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn dũng cảm, kiên trì ngày đêm bám biển, tham gia đánh bắt thủy sản tại những ngư trường truyền thống của Việt Nam. Hưởng ứng cuộc vận động chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã phát động chương trình “Tủ thuốc y tế cùng ngư dân bám biển” và được sự đồng hành từ chương trình “Vững lòng biển đảo” của Báo SGGP.

Vượt gần 800km với hơn 25 giờ từ TPHCM, đoàn công tác xã hội đã tới TP Quảng Ngãi và tiếp tục lên tàu vượt biển đến với đảo Lý Sơn để khám bệnh, phát thuốc và tư vấn sức khỏe miễn phí hơn 300 bà con ngư dân nghèo sống tại 2 xã An Vĩnh và An Hải thuộc đảo Lớn của Lý Sơn. Tại xã An Vĩnh, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Báo SGGP, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) cùng UBND huyện Lý Sơn tặng “Tủ thuốc y tế cùng ngư dân bám biển” trên các con tàu đánh bắt thủy sản tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.

Thạc sĩ Lê Đỗ Ninh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và bác sĩ Trần Kim Gia, Phó ban chính sách Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 9 tặng tủ thuốc y tế giúp ngư dân đảo Lý Sơn.

Thạc sĩ Lê Đỗ Ninh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và bác sĩ Trần Kim Gia, Phó ban chính sách Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 9 tặng tủ thuốc y tế giúp ngư dân đảo Lý Sơn.

“Lần thứ tư ra đảo Lý Sơn, nhưng cảm giác lúc nào cũng như lần đầu tiên, bồn chồn, mong ngóng như người xa quê mong ngày trở về” - đó là cảm xúc của thầy Lê Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người thường gắn bó các chuyến công tác xã hội của trường. Với các thầy cô và sinh viên của trường, mỗi chuyến đi là sự tiếp sức, đóng góp khả năng chuyên môn đến những vùng xa còn nhiều khó khăn về chăm sóc sức khỏe y tế. Sau gần 4 giờ cùng các bác sĩ của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và bác sĩ quân y của Sư đoàn 9 khám tổng quát, siêu âm bụng, đo điện tim… và phát thuốc miễn phí giúp bà con ngư dân nghèo sống tại 2 xã, còn là một trải nghiệm ấn tượng của các sinh viên. Đến nơi, nhìn bà con có mặt chật khu khám bệnh của Trung tâm Y tế quân dân y tại xã An Vĩnh, mọi mệt mỏi khi đi tàu hầu như tan biến trên những gương mặt trẻ măng của các sinh viên ngành y TPHCM. Ngoài khám tại chỗ, một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn đã được các bác sĩ đến thăm khám tại nhà.

Với dân số gần 18.000 người sống tại 3 xã An Vĩnh và An Hải ở đảo Lớn, xã An Bình ở đảo Bé, điều kiện đặc thù ở huyện đảo Lý Sơn còn rất nhiều khó khăn, trong đó có việc chăm sóc sức khỏe. Tại các xã vẫn chưa có trung tâm y tế, lực lượng cán bộ y tế có chuyên môn cao còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe người dân hoàn toàn phụ thuộc vào Trung tâm Y tế quân dân y tại xã An Vĩnh và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản của huyện. Mỗi khi có bệnh nặng, cần chuyển lên tuyến trên, bà con phải thuê tàu chở vào đất liền với giá 18 triệu đồng/lượt.

Qua thăm khám sơ bộ, người dân ở đây và ngư dân thường bị viêm loét dạ dày - tá tràng, rối loạn tiêu hóa, gout, sỏi thận, các bệnh do thiếu vitamin, thiếu máu, thiếu sắt… Mong muốn phát huy chuyên môn, góp sức chia sẻ những khó khăn về chăm sóc sức khỏe tại vùng biển đảo Lý Sơn, Ban giám hiệu và Đảng ủy Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có sáng kiến thiết kế một sản phẩm đáp ứng được những nhu cầu cần thiết về chăm sóc y tế giúp ngư dân khi ra khơi.

Đó là công trình “Tủ thuốc y tế cùng ngư dân bám biển”, đã chính thức ra đời sau hơn 1 tháng vận động đóng góp từ nhà trường, với sự chung tay đóng góp 50 triệu đồng từ chương trình “Vững lòng biển đảo” giúp lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân của Báo SGGP, cùng các ban ngành, tổ chức trong xã hội.

Đoàn Thanh niên của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã lựa chọn được mẫu thiết kế tủ thuốc phù hợp, gọn nhẹ gắn trên những tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân Lý Sơn, với những loại thuốc, vật dụng y tế cùng cẩm nang hướng dẫn sử dụng như một “bác sĩ” cấp cứu khi ngư dân gặp những vấn đề sức khỏe hay tai nạn khác xảy ra ở ngư trường. Ban giám hiệu, Công đoàn và Đoàn Thanh niên nhà trường quyết định trao tặng 160 tủ thuốc ý nghĩa này cho những ngư dân tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong dịp tổng kết chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2014 tại đây.

VIỆT NGA

Tin cùng chuyên mục