Từ trái tim đến trái tim

Từ trái tim đến trái tim

Hai câu chuyện trong một chuyến đi của cựu binh một thời bên kia chiến tuyến, đã làm rõ hơn tinh thần xả thân vì nước, sẵn sàng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên quyền lợi riêng tư; kiên cường đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Đó là khí phách Việt, phẩm cách Việt.

Chuyện thứ nhất: Cuốn sổ của người y tá

“Đây là ông Lê Văn Út, em ruột ông Lê Văn Tánh - người có tên trong cuốn sổ mà ông lưu giữ suốt nhiều năm qua. Cuốn sổ đã về đúng địa chỉ. Nhưng ông Tánh không chết trong trận đánh đó mà hơn 3 năm sau mới hy sinh, ngay trên quê hương của mình, Cao Lãnh - Đồng Tháp”, cựu binh Denver Shannon sau nghe dịch lại, gương mặt chợt sững sờ, bần thần hẳn.

Denver Shannon sang tham chiến ở Việt Nam khi 20 tuổi, từ năm 1968 đến cuối năm 1969. “Vào giữa năm 1968, trong một trận phục kích tại chân núi Cô Tô (Tri Tôn - An Giang), giáp biên giới Campuchia, người lính đó bị thương rất nặng; tôi đưa nước, thuốc lá cho anh ấy và chứng kiến những giây phút cuối cùng…”, Denver Shannon kể lại và cho biết đã giữ lại và mang về Mỹ hai đồ vật của người tử sĩ gồm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thấm đầy máu cùng cuốn sổ tay, trong đó có “Giấy chứng nhận y tá” do Ban Quân dân y tỉnh Kiến Phong (Đồng Tháp ngày nay) cấp cho y tá Lê Văn Tánh.

Giấy chứng nhận y tá của liệt sĩ Lê Văn Tánh

“Thời điểm đó, Ban Quân dân y khu mở lớp đào tạo y sĩ, tỉnh Kiến Phong có 14 người được cử đi do tôi làm trưởng đoàn. Lớp vừa tập trung được vài ngày thì bị tấn công. Đoàn Kiến Phong hy sinh mất 4 người”, ông Phạm Xuân Thu, lãnh đạo đoàn tỉnh Kiến Phong khi đó, hiện là Chủ tịch Hội Y học tỉnh Đồng Tháp, nhớ lại. Trận đó, ông Lê Văn Tánh cùng một số anh em thoát khỏi vòng vây và hơn 3 năm sau mới hy sinh ngay trên tay ông Thu trong một trận càn khác tại kinh I thuộc huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp ngày nay.

Đến tận hôm nay, Denver Shannon mới biết người lính ấy chỉ giữ cuốn sổ có tên Lê Văn Tánh chứ không phải... Lê Văn Tánh. “Tôi thực sự rất lúng túng, không biết nói gì vào lúc này nữa… Cầu mong cho linh hồn họ siêu thoát. Tôi là quân nhân, tôi xin lỗi về cuộc chiến”, giọng người cựu binh Mỹ đứt quãng, trầm hẳn xuống.

46 năm rồi, cuốn sổ luôn theo sát bên ông và cái tên “Lê Văn Tánh” vẫn len lỏi sâu trong tâm thức, vắt ngang không gian sống của người cựu binh này. “Hôm nay tôi đã phải xa một người bạn thân thiết nhưng rất xúc động, vui mừng khi được trực tiếp trao lại cuốn sổ này cho người nhà liệt sĩ Tánh”, Denver Shannon đứng lên nói chậm rãi, trân trọng giao cuốn sổ cho ông Lê Văn Út.

Cuốn sổ bìa cứng dày 300 trang, bắt đầu được viết từ ngày 5-10-1964, ghi phần Sinh lý học đại cương và dừng lại khi mới viết được chừng 100 trang; nét chữ rất đẹp, cẩn thận bằng hai loại mực xanh và đỏ. 46 năm trôi qua nhưng từng trang không một nếp nhăn và sẽ được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp thời gian tới. Denver Shannon nói cuốn sổ đã được Thư viện Đại học Harvard scan để lưu trữ, trưng bày.

“Gia đình có 7 anh chị em thì 3 người anh của tôi đều công tác trong Ban Quân dân y tỉnh. Anh Tánh ở nhà có tên Lê Văn Cứng, sinh năm 1940, đi bộ đội năm 1959, hy sinh ở tuổi 28, chưa có vợ. Sau giải phóng 2 năm, gia đình đưa hài cốt anh về Nghĩa trang liệt sĩ nhưng không giữ được kỷ vật nào, ngay cả một tấm hình. Em ruột là Lê Văn Cỏi cũng hy sinh ngay trong tháng đó”, ông Lê Văn Út, 66 tuổi, đôi mắt rướm nước kể lại. Trên chiếc tủ thờ còn hằn vết đạn, chỉ có hai khung hình của ông ngoại và mẹ; còn hai liệt sĩ và người cha không có tấm hình nào…

Đón nhận cuốn sổ trở về còn có cả đại diện của Sở LĐTB-XH tỉnh, chính quyền địa phương và lan tỏa trong căn nhà là không khí đầy cảm thông, hòa giải… Denver Shannon xúc động khi thân nhân liệt sĩ vây quanh ông nắm tay, chụp hình lưu niệm.

Chuyện thứ hai: Cô ấy sống trong tim chúng ta

Về Việt Nam lần này, Denver Shannon còn đau đáu một việc nữa: Tìm lại nơi chôn cất hoặc dấu tích của một người con gái. “Đó là nữ Trung úy Vi xi. Cô ấy đi cùng một nữ giao liên và bị phục kích gần chân núi Cô Tô. Cả hai đều chống trả rất quyết liệt. Một số lính Sài Gòn phải tung lựu đạn vào mới bắt được khi cô ấy bị thương, còn người đi cùng đã chết. Cô ấy được đưa về Cao Lãnh để thẩm vấn”, Denver Shannon kể.

Khi đó, Cao Lãnh có vị trí quan trọng là tỉnh lỵ Kiến Phong, nơi đóng Bộ Tư lệnh biệt khu 44 (gồm các tỉnh Kiến Phong, Châu Đốc và một phần của tỉnh Kiên Giang). Denver Shannon thuộc MACV Team 50 (Nhóm Nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp Quân sự Mỹ) nên được tiếp xúc với người nữ tù binh này. “Cô ấy rất kiên cường, thái độ điềm tĩnh, tự tin, không khai báo gì cả. Trên nền nhà ẩm ướt, tay bị trói chặt, vẫn đứng thẳng, ánh mắt không hề tỏ ra lo sợ. Chúng tôi chỉ biết tên cô ấy là Lý Minh, đơn vị 101D. Mẹ ở Hà Nội, có ông ngoại là người Pháp, từng học tại một trường nghệ thuật nổi tiếng bên Trung Quốc, rất đẹp lại giỏi ngoại ngữ. Đây là một người quan trọng. Đến tận bây giờ, gần trọn nửa thế kỷ, hình ảnh đó vẫn khắc ghi sâu đậm trong trí nhớ của tôi”, Denver Shannon hồi tưởng.

Lý Minh được trực thăng đưa tiếp về Cần Thơ. Sự kiên cường, cứng rắn của cô khiến một sĩ quan thẩm vấn Sài Gòn tức giận, rút súng bắn chết ngay trong cuộc hỏi cung. Xác cô lại được đưa về Cao Lãnh. “Họ để thi thể cô hơn hai giờ trên nền nhà lạnh lẽo và muốn hất xuống con mương gần đó. Chúng tôi yêu cầu phải có áo quan và vải liệm. Khi chôn Lý Minh, tôi lấy tấm vải che khuôn mặt, trải thứ trà mà cô thích uống lên mộ rồi cắm xuống đó một nhánh cây”, Denver Shannon bùi ngùi nhớ lại.

Cựu binh Mỹ Denver Shannon chụp ảnh kỷ niệm với thân nhân liệt sĩ Lê Văn Tánh

“Đúng ngôi nhà thờ này rồi!”, Denver Shannon reo lên và khi cửa xe vừa mở, ông là người đầu tiên quẩy túi bước xuống, xăm xăm đi vào khoảng sân vườn phía sau nhà thờ Chánh Tòa Cao Lãnh. Nhưng quanh ra quanh vô mấy vòng, người cựu binh Mỹ bỗng bối rối, lật cuốn sổ nhỏ mang theo lẩm nhẩm, rồi đứng thất thần tự hỏi: “Đúng nơi này không, đã hàng chục năm rồi?”. Hơn 1 giờ sau, qua điện thoại, một cao niên trong vùng mới xác nhận Denver Shannon đã đúng, nhưng sau giải phóng mấy năm, khu vực này đã được cải tạo, xây mới thành khu dân cư, trụ sở. Denver Shannon lại xồng xộc lội bộ ra khu đất đó, đứng lặng thật lâu giữa trưa nắng chang chang... “Tôi xin cám ơn các bạn. Dù không còn dấu vết gì nữa nhưng cô ấy vẫn luôn sống trong trái tim tất cả chúng ta”, Denver Shannon đặt tay lên ngực khi nói với những người cùng đi.

Vĩ thanh hậu chiến

Trở về quê tại California (Hoa Kỳ), Denver Shannon học tiếp hai trường đại học rồi làm việc cho chính phủ; lập gia đình khá muộn và có một con gái. Nhưng suốt thời gian dài, dư âm hậu chiến khiến trái tim ông không ngủ yên. Denver Shannon tình cờ gặp nhà thơ Lê Chí tại cuộc giao lưu văn học ở Boston (Mỹ) hồi giữa tháng 6 vừa qua khi nhà thơ sang Mỹ theo lời mời của Viện William Joinner với Hội Nhà văn Việt Nam. Số phận trôi dạt của cuốn sổ được Denver Shannon thể hiện qua một kịch bản trong dịp này. Khi biết nhà thơ Lê Chí sống ở Cần Thơ, Denver Shannon tỏ ý muốn tìm lại thân nhân liệt sĩ. Và sau đó, nhà thơ Hữu Nhân (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp) đã cất công tìm đến các cơ quan chức năng, từng cá nhân liên quan để có được buổi gặp mặt hôm đó. Từ trái tim đến trái tim, đầy nhân nghĩa.

Denver Shannon bộc bạch: “Vùng đất Cao Lãnh ngày trước như làng quê, còn bây giờ đẹp quá, tựa như... Los Angeles”. Ông Lê Văn Út thì bùi ngùi tâm sự: “Chiến tranh qua rồi nhưng tình người trở lại. Gần tròn nửa thế kỷ, họ vẫn giữ như mới và quay lại đưa kỷ vật của anh mình, tôi quý lắm, coi ông ấy như người thân”.

Dưới giàn mướp nở bông vàng trước hiên nhà liệt sĩ, cựu binh Denver Shannon ôm chào tạm biệt từng người. Chai nước, trái nhãn sau nhà làm quà đường xa, những cái vẫy tay lưu luyến của cả hai phía… Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng là tình người khi cuộc chiến khốc liệt đã lùi xa, chỉ có gạch nối dài thêm cho tình hữu nghị.

Một ngày đi cùng Denver Shannon để cảm nhận rõ hơn những “sợi chỉ đỏ” ấy đã ngấm sâu vào tình cảm, tư tưởng của mỗi người dân Việt Nam biết chừng nào. Khi buộc phải cầm súng, những Lê Văn Tánh, Lê Văn Cỏi, Lý Minh là minh chứng cụ thể cho tinh thần đó trong hàng triệu con người Việt Nam.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục