Tưng bừng lễ hội đầu năm

Tây Bắc: Lễ hội “xuống đồng”
Tưng bừng lễ hội đầu năm

Tây Bắc: Lễ hội “xuống đồng”

Theo thông lệ, cứ vào mùng 4 Tết Nguyên đán, hàng triệu người dân vùng cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc lại rạo rực bước vào một lễ hội có thể coi là lớn nhất cả năm và cũng gửi gắm nhiều cầu mong, ước vọng đẹp đẽ nhất. Đó là lễ hội “xuống đồng” trong những ngày đầu năm mới.

Hầu như người Mông, người Dao, người Tày… khắp các bản làng vùng cao từ Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái thuộc vùng Tây Bắc cho đến Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn… đều có lễ hội “xuống đồng” và chúng chỉ khác nhau về tên gọi theo cách riêng của mỗi dân tộc.

Đặc biệt, trong lễ hội còn có hàng chục đến hàng trăm trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao như ném còn, leo cột, bịt mắt bắt dê, leo cầu bập bênh, múa hát… Nhiều nơi, lễ hội xuống đồng còn được kéo dài đến tận ngày rằm tháng Giêng Âm lịch.

Trong các tỉnh ở vùng Tây Bắc thì Lào Cai là nơi hiện còn có nhiều bản làng giữ gìn được lễ hội “xuống đồng”. Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lào Cai, năm nay, ngay từ mùng 2 và 3 Tết đã có khá nhiều khách du lịch kéo lên Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương… để tham gia các lễ hội “xuống đồng” cùng người vùng cao.

Cùng với những lễ hội “xuống đồng” đã và đang được giữ gìn suốt nhiều năm qua thì hiện nay, nhiều nơi cũng đang bắt đầu quan tâm đến việc phục dựng lại sau nhiều năm bị thất truyền, phai nhạt. Chẳng hạn như lễ hội “xuống đồng” của người Cao Lan ở xã Quang Yên (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) được Bộ VH-TT-DL đầu tư phục dựng lại rất thành công nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc Cao Lan, tạo một “sân chơi” ngày tết cho cả cộng đồng dân cư. Tương tự, mới đây Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ninh cũng đã phục dựng thành công lễ hội “xuống đồng” ở 2 xã Phong Cốc và Phong Hải thuộc huyện Yên Hưng sau gần 10 năm chìm vào quên lãng.

Hội An: Lễ hội đèn lồng

Tưng bừng lễ hội đầu năm ảnh 1
Du khách nước ngoài đang du xuân tại Lễ hội đèn lồng (Hội An). Ảnh: NG.KHÔI

Đêm giao thừa, tại phố cổ Hội An, Di sản văn hóa thế giới, đã diễn ra Lễ hội đèn lồng Hội An lần thứ nhất như một lời chào đón xuân Kỷ Sửu 2009. Hàng vạn người từ các nơi đổ về để xem cái lung linh, huyền ảo của phố Hội - sông Hoài.

Khắp các ngả đường phố cổ, nhất là các trục đường Trần Phú, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, chùa Cầu… được bài trí đèn lồng lộng lẫy các sắc màu. Lễ hội đèn lồng Hội An lần này gồm 3 phần chính: Lễ thắp đèn, lễ rước đèn và lễ thả đèn… nhằm tôn vinh nghề chế tác lồng đèn truyền thống cũng như tôn vinh các nghệ nhân làm lồng đèn và hướng đến sự đa dạng, phong phú kiểu dáng, sắc màu của sản phẩm nghệ thuật độc đáo này, kết hợp bảo lưu truyền thống đồng thời phát huy những giá trị văn hóa lồng đèn Hội An trong thời kỳ hội nhập. Anh M. Nicolas lần đầu tiên đến Hội An, cho biết: Phố cổ Hội An rất đẹp, người Hội An rất thân thiện. Tôi sẽ mua một đôi đèn lồng Hội An về làm quà kỷ niệm…

Những chiếc đèn lồng rực rỡ các sắc màu lung linh trên phố Hội, sông Hoài như một lời cầu chúc một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng… cũng như cầu chúc cho một năm mới bình an, đời sống người dân phong phú và rực rỡ như màu sắc của những chiếc đèn lồng.

Lễ hội đèn lồng Hội An khép lại ấn tượng bằng 79 chiếc thiên đăng lung linh trên trời tượng trưng cho 79 mùa xuân của Đảng.

Vĩnh Phúc: Lễ hội chọi trâu

Nhắc đến chọi trâu là người ta nhớ ngay đến Đồ Sơn (Hải Phòng). Thế nhưng hiện nay, ở miền Bắc không chỉ có riêng Đồ Sơn mà còn có một lễ hội chọi trâu khác cũng không kém phần đông vui, đó là lễ hội chọi trâu Hải Lựu thuộc huyện vùng cao Lập Thạch (Vĩnh Phúc), một ngôi làng nhỏ nằm thanh bình ven dòng sông Lô 4 mùa nước trong văn vắt.

Từ ban đầu chỉ là một lễ hội quy mô “làng”, đến nay lễ hội chọi trâu Hải Lựu đã có quy mô lớn thứ 2 ở miền Bắc, thu hút hàng vạn người xem. Nếu như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn thường tổ chức vào tháng 8 Âm lịch thì ở Hải Lựu lại tổ chức vào trước và sau tết cổ truyền. Trong đó, khoảng ngày 27 và 28 tháng Chạp là cuộc thi đấu vòng loại. Sau đó, những con trâu khỏe mạnh, tài giỏi nhất tham gia vòng đấu bán kết và chung kết sẽ được đưa ra tranh ngôi vô địch vào 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng Âm lịch .

Chợ đình Bích La

Năm nào cũng vậy, Lễ hội chợ đình Bích La ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) diễn ra vào ngày mùng 3 và 4 Tết Âm lịch .

Năm nay, từ 3 - 4 giờ sáng, đình Bích La đã đông nghẹt người, dưới quầng sáng của ánh nến, của những ngọn đèn dầu, của màn sương bạc mưa xuân lất phất, của mùi hương trầm lan tỏa khắp nơi…

Người đi chợ khăn áo chỉnh tề, đa phần không phải để mua sắm mà là để xem chợ và tận hưởng cái không khí tết đêm. Với người Bích La, đêm chợ đình hết sức quan trọng. Dân làng từ bậc cao niên đến con cháu, dâu rể của 14 họ tộc nối gót về đây với tâm thức hướng thiện và với tấm lòng thành kính trước vong vị tổ tiên. Có lẽ, không nơi nào có 14 dòng họ và các vị thần cùng an tọa chung trong một khuôn viên chợ đình như ở Bích La. Du khách sẽ ngạc nhiên trước cách bài trí vừa đình, vừa chợ, vừa là nơi quần tụ miếu thờ các họ tộc. Lối kết cấu này hoàn toàn là dụng ý của người Bích La.

Đêm chợ đình dường như thức trắng. Trước sân đình đã tái hiện lễ cầu rùa. Nếu như đêm chợ đình mang ý nghĩa cầu may và giao đãi giữa chủ với khách, thể hiện cuộc sống cộng đồng sung túc và tri ân, báo hiếu tổ tiên gia tộc thì lễ cầu rùa lại mang sắc thái tín ngưỡng thờ thần đậm nét của người Bích La xưa. Cầu rùa, tức là cầu thần linh để mong mưa thuận gió hòa, mong mùa màng bội thu cho cuộc sống dân làng được no đủ.

NHÓM PV


Vui tết Kỷ Sửu

TPHCM: Đông người du xuân

Đó là nhận xét của những người làm công tác dịch vụ ngày tết như nhân viên các khu vui chơi, tài xế taxi… Đến tận tối 30 tết (25-1-2009), khu vực trung tâm TPHCM vẫn đông nghẹt người, xe. Các khu vực dọc đường Lê Lợi, xung quanh Công viên 23-9 đã xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ.

Có hai lý do giải thích hiện tượng TP đón năm mới có phần đông đảo hơn mọi năm. Đầu tiên là các lễ hội được tổ chức với quy mô đa dạng ngay tại khu trung tâm. Ngoài Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút đông người dân đến chiêm ngưỡng thì sân khấu ca nhạc tại Công viên 23-9 đêm giao thừa cũng hút thêm một lượng lớn khán giả với phần biểu diễn của những ca sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước.

Trong đó, nổi bật có sự tham dự của Hoa hậu Thế giới năm 2009 đến chúc xuân và lì xì đầu năm cho trẻ em nghèo. Ngoài ra, cũng ở khu trung tâm còn có hàng loạt hoạt động văn hóa khác thu hút người dân đến tham dự như con đường ánh sáng ở đường Đồng Khởi và Lê Lợi rực rỡ với hàng ngàn bóng đèn nhỏ đủ màu, đủ sắc được thiết kế theo hình chim én vàng, hoa mai, hoa đào…

Lý do nữa là do dư âm của khủng hoảng kinh tế nên nhiều người lao động không về quê mà ở lại TP đón tết cũng như dân TP ít đi du lịch nước ngoài như tết năm rồi. Từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết, các sàn diễn: Nhà hát kịch TPHCM, Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Kịch IDECAF, Phú Nhuận, Sài Gòn, Nụ Cười Mới, Giấc Mơ Hồng, Nhà hát Bến Thành… đều đông kín khán giả.

Ở các quận ven, huyện ngoại thành đều tổ chức hội xuân phục vụ bà con vui đón năm mới. Đặc biệt, ở huyện Củ Chi, nét mới của hội xuân năm nay là cuộc triển lãm “Ký họa kháng chiến” của nhiều họa sĩ nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách tham quan. Các khu vui chơi lớn như Suối Tiên, Đầm Sen đều đông người tham quan, trong đó, Suối Tiên với tiết mục cá heo thu hút rất đông người dân TP đến thưởng lãm. Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương cũng thu hút khá nhiều người dân TP vì là một điểm du lịch mới lạ.

Trong đêm giao thừa, từ sau 0 giờ, bà con đi lễ chùa khá đông. Đây là một nét đẹp văn hóa đáng ghi nhận của người dân trong ngày đầu năm mới. Hầu hết những nẻo đường hướng về các chùa Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi, Tuyền Lâm, Giác Viên… đều đông kín dòng người đi lễ chùa.

Việc đông đảo người dân tham gia lễ hội đã khiến không khí đón Xuân Kỷ Sửu 2009 tại TPHCM mang đậm sự nồng nhiệt, vui tươi nhưng cũng nảy sinh một số hiện tượng đáng quan tâm. Tại nhiều đình chùa, nạn ăn xin vẫn còn nhiều, tạo hình ảnh chưa đẹp và gây phiền hà cho khách thập phương đi lễ chùa. Từ sáng sớm mùng 2 Tết, dọc theo nhiều con đường trong thành phố xuất hiện nhiều đống rác, chậu hoa héo… nhìn nhếch nhác, làm ô nhiễm môi trường. Đây là sự thiếu ý thức thực hiện nếp sống văn minh đô thị của một số người.

Đông khách tham quan đã làm tình trạng giữ xe 2 bánh xung quanh khu trung tâm thành phố trở nên căng thẳng. Có nhiều điểm giữ xe không nhận giữ xe tay ga vì xe này chiếm diện tích sân bãi. Tại bãi giữ xe số 106 Nguyễn Huệ, trong ngày mùng 1 Tết, giá giữ một chiếc xe gắn máy (không giữ xe tay ga) là 20.000 đồng/chiếc.

Trong 3 ngày tết, dọc theo nhiều tuyến đường, con hẻm ở các quận huyện đều có sự xuất hiện hiện của những sòng bài tứ sắc, tiến lên, đổ cá ngựa, bầu cua cá cọp… ăn tiền, chơi nhỏ thì vài chục ngàn, nhưng cũng có không ít sòng bài các con bạc cá cược đến vài triệu đồng...

Hà Nội: Đón xuân trong rét ngọt

Hà Nội đêm giao thừa, trời rét ngọt, mưa bụi lất phất, ngập tràn tiết xuân, dòng người nườm nượp đổ về Lăng Bác, Hồ Tây và trung tâm thành phố - Hồ Gươm, Tràng Tiền, Công viên Lênin... Đối với người dân Hà Nội, giao thừa năm nay có một ý nghĩa thật đặc biệt, khi Hà Tây được sáp nhập vào và thủ đô được mở rộng thêm. Xung quanh khu vực Hồ Gươm, đường phố được trang hoàng lộng lẫy, với đèn màu và hoa.

Tại vườn hoa Lý Thái Tổ gần đó, nhiều người đã thành kính thắp hương dưới chân tượng đài và chụp ảnh lưu niệm trước thời khắc chuyển giao sang năm mới. Lúc này, tại một số sân khấu ca nhạc ngoài trời như khu vực đền Bà Kiệu, Nhà hát lớn, vang lên những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi Tổ quốc thân yêu trong mùa xuân mới, trong sự cổ vũ nhiệt tình của hàng ngàn người.

Càng gần đến giờ giao thừa, dòng người tập trung về các điểm bắn pháo hoa ngày càng thêm đông hơn. Năm nay, ngoài điểm bắn chính tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội còn có 14 điểm bắn khác ở Hồ Tây, Mỹ Đình, huyện Đông Anh, Long Biên, huyện Sóc Sơn, Hà Đông, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín...

Ngay sau màn bắn pháo hoa bắn lung linh và rực rỡ sắc màu, rất nhiều người cùng với gia đình, bạn bè đã tới phủ Tây Hồ, chùa Trấn Vũ, Văn Miếu, Quán Sứ... để cầu xin một năm mới no ấm và bình an.

Bác Nguyễn Minh Bắc, một người dân ở phố cổ Hàng Gai, xúc động nói với chúng tôi, chỉ mong năm mới đất nước sẽ ngày càng phát triển, vượt qua được những khó khăn để cuộc sống người dân ở mọi miền đất nước khấm khá hơn.

Nha Trang: Đến Hoàng Hoa thôn xem hoa đào nở

Trong những ngày đầu xuân, Hoàng Hoa thôn, Nha Trang rực rỡ với cả trăm gốc đậu anh đào đã bung nở với một màu hồng nhạt khiến cho không gian nơi đây trở nên nên thơ, trở thành điểm tham quan của khách du xuân.

Mai anh đào ở Hoàng Hoa thôn được gọi là đậu anh đào, bởi giống hoa này thuộc họ đậu, được nghệ nhân Nguyễn Văn Phúng lặn lội đến các khu rừng tìm kiếm, tập hợp đem về trong 5 năm, đã tạo nên một sắc hoa độc đáo cho thành phố biển. Đậu anh đào hiện cũng đã được ông Phúng trồng ở Vinpearl Land và Công viên Ngô Gia Tự, Nha Trang.

* Trước đó, trong cơn mưa rây rây chiều 29 Tết, nhiều người dân Nha Trang cùng du khách trong và ngoài nước đã chờ đợi trước khách sạn Yasaka - Saigon - Nhatrang để đón chào sự kiện chiếc bánh tét dài 34m chính thức lập kỷ lục.

Để hoàn thành chiếc bánh tét kỷ lục, khách sạn Yasaka - Saigon - Nhatrang đã chuẩn bị 270kg nếp, 35kg đậu xanh, 10kg đậu đen, 10kg đậu phộng, 40kg thịt heo, 500 trái chuối, 20 trái gấc, 75kg dừa bào, 10kg lá cẩm, sử dụng 220kg lá chuối và 20 kg dây buộc. Sau khi nấu xong chiếc bánh sẽ nặng 950kg.

Chiều 30 tết, chiếc bánh tét kỷ lục 34m đã được cắt bán cho mọi người với giá 10.000 đồng/lát. Toàn bộ số tiền bán bánh được sung vào quỹ người nghèo ở TP Nha Trang.

ĐBSCL: Sáng rực đêm giao thừa

Tại TP Cần Thơ, hàng trăm ngàn người đã đổ về các nẻo đường chính như: đại lộ Hòa Bình, Trần Hưng Đạo, bến Ninh Kiều, vòng xoay Công viên nước… để đón mừng năm mới Kỷ Sửu. Ngay tại trung tâm vòng xoay Công viên nước, một sân khấu hoành tráng được dàn dựng với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm âm hưởng Nam bộ; nhiều ca khúc cách mạng bất hủ mừng Đảng, mừng xuân, mừng TP Cần Thơ tròn 5 năm trực thuộc Trung ương.

Cần Thơ có hai điểm bắn pháo hoa tại bến Ninh Kiều và khu Nam Cần Thơ. Ngay sau khi chuông đồng hồ điểm 0 giờ, từng tràng pháo hoa lộng lẫy, đủ sắc màu bắn lên bầu trời, trong tiếng hò reo phấn khích của hàng vạn người chiêm ngưỡng. Tại TP Sóc Trăng, đêm giao thừa cũng được chào mừng bằng nhiều tiết mục văn nghệ mang đậm nét văn hóa của ba dân tộc: Việt – Hoa – Khmer và màn bắn pháo hoa tại khu vực công viên Bạch Đằng.

Tại Vĩnh Long, công viên sông Tiền cũng rực sáng trong màn bắn pháo hoa hơn 15 phút. Các địa phương khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… đêm giao thừa cũng diễn ra hết sức sôi nổi, vui tươi.

Sau khi cầu Rạch Miễu trên tuyến quốc lộ 60 khánh thành, lượng hành khách lưu thông qua phà Hàm Luông trong và ngoài Tết Kỷ Sửu 2009 tăng cao hơn tết mọi năm.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục