Nhắc đến cái tên Lâm Quang Nới, người trong giới điêu khắc không thấy xa lạ. Kết quả bỏ phiếu kín từ 32 mẫu phác thảo chọn 10 mẫu, rồi từ 10 mẫu chọn ra 3 mẫu tượng Bác, trong ba tác giả, vẫn có Lâm Quang Nới. Sau khi ba tác giả hoàn thiện tác phẩm, vòng cuối cùng, mẫu tượng Bác Hồ do nhà điêu khắc Lâm Quang Nới thực hiện đã nhận được sự đánh giá cao nhất và được chọn làm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội tụ lòng dân
Từng tham gia nhiều cuộc thi thiết kế tượng đài và đã có tượng đài xây dựng trên khắp cả nước, ông Lâm Quang Nới chia sẻ, chưa cuộc thi nào ông tham gia, chưa tượng đài nào ông làm lại nhận được nhiều góp ý của các ban ngành, giới chuyên môn và các tầng lớp nhân dân như lần này. Có thể nói, lòng dân hội tụ. Tất cả các ý kiến đều đồng thuận làm tượng Bác Hồ và ai cũng muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho Bác. Ông Lâm Quang Nới lắng nghe, đón nhận hết hơn 3.200 lượt ý kiến và rút tỉa cho mình những góp ý quý báu để hoàn thiện tác phẩm.
Ban đầu, phác thảo tượng Bác giơ tay cao ngang mí mắt, vẫy chào người dân. Nhận được góp ý, ông Nới đã chỉnh sửa, nâng cánh tay Bác cao lên hơn đầu một xíu. Về ý tưởng cánh tay Bác giơ tay vẫy chào mọi người, ông Nới chia sẻ, dân tộc ta và nhân dân miền Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước với niềm mong ước sẽ được đón Người vào miền Nam. Sinh thời, Người cũng luôn dành cho miền Nam tình cảm thiêng liêng và mong ước vào thăm đồng bào miền Nam. Người ra đi giữa lúc chiến tranh còn ác liệt, mong ước vào Nam chưa thực hiện được. Giờ đây, Bác đã trở về, mỉm cười và giơ tay vẫy chào người dân TP.
Ý tưởng Bác “trở về” miền Nam cũng được ông Lâm Quang Nới thể hiện trọn vẹn ở nhịp chân dừng. Hai bàn chân Bác bước chậm lại, gần nhau. Không sải bước, Người đứng và vẫy chào như muốn ôm tất cả người dân vào lòng. Thật xúc động, sau bao nhiêu năm chờ đợi, Bác đã trở về TPHCM.
Từ sự góp ý của nhân dân, ông Nới đã điều chỉnh, tạo được dáng đứng Bác thanh cao, khoan thai nhẹ nhàng. Quá trình làm tượng, ông Nới cho biết, khó nhất là thể hiện gương mặt Bác. Làm sao phải khắc họa được chân thực thần thái, trí tuệ, toát lên vẻ đẹp tinh thần, nhân cách cao cả của Người.
![]() |
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chỉ đạo việc chuẩn bị cung thỉnh Tượng Bác Hồ với thiếu nhi về Nhà Thiếu nhi TP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Vinh dự to lớn
Để khắc họa được chân thực vẻ đẹp của Người, ngay sau chuyến nghiên cứu thực tế tại Hà Nội (viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn Bác Hồ, Khu di tích K9…), vào 22 giờ tối, ông Nới đã bắt tay nhào đất nặn gương mặt Bác. “Trước đó, tôi và các đồng nghiệp vừa được tạo điều kiện ở bên linh cữu Người, được trực tiếp ngắm nhìn Bác. Cảm xúc dâng trào và tôi lao vào làm liên tục 2 ngày đêm là cơ bản xong”, ông Nới chia sẻ.
Cũng được sự góp ý của đông đảo nhân dân, điêu khắc gia Lâm Quang Nới đã khắc họa được vầng trán cao rộng, đôi mắt bao trùm, chứa chan tình thương yêu của Người. Gương mặt Bác toát lên vẻ đẹp trí tuệ và nét tươi vui, gần gũi, thân thiện. Tổng thể chân dung đã cho thấy được thần thái của Người.
Ông Nới tâm sự, ý tưởng thể hiện sự “trở về” của Bác đã có từ trong lòng ông từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là một người làm báo, một người nghiên cứu trong các bảo tàng và là một nghệ sĩ, gần 40 năm qua, ông Nới luôn cảm thấy TPHCM thiếu một điều gì đó. Đó là được đón Bác vào thăm, là sự “trở về” của Người. Cảm nhận được điều đó song nhiều năm qua, ông Nới cũng chưa mường tượng được chân dung Bác sẽ đặt ở đâu của TPHCM.
Canh cánh suy tư ấy, bằng tình cảm của mình, 4 năm trước, ông Nới đã tạo một bức tượng Bác. Bức tượng cao 60cm được ông để trang trọng trong ngôi nhà ở quận 1. Tình cảm của người nghệ sĩ 64 tuổi đã dành gần 40 năm ước mong đón Bác trở về đã được chắp cánh khi TP phát động cuộc thi sáng tác mẫu tượng Bác Hồ vào năm 2013. Ông Nới liền mang bức tượng với niềm mong mỏi đó tham dự cuộc thi.
Kết quả, mẫu phác thảo của ông đã được chấm cao nhất. Về địa điểm đặt tượng Bác, ông Nới chia sẻ, nơi đây có vị trí tuyệt đẹp, hướng ánh sáng 25 độ, bóng của Người đổ nhẹ. Sự tác động của ánh sáng diễn tả trọn vẹn vẻ đẹp của Người, ở mọi góc nhìn. “Sau khi làm tượng Bác Hồ - Bác Tôn nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (đặt tại Công viên Lênin, Hà Nội), thật vinh dự là giờ đây tôi lại được làm tượng Bác Hồ nhân dịp 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 125 năm ngày sinh của Người”, ông Nới thổ lộ.
|
MẠNH HÒA - HỒNG HIỆP