Tưởng nhớ Trung tướng Nguyễn Thới Bưng: Thước đo người lính là ở chiến trường

Tưởng nhớ Trung tướng Nguyễn Thới Bưng: Thước đo người lính là ở chiến trường

Một ngày hạ tuần tháng 8-2013, tôi được Trung tướng Trần Đơn, Tư lệnh Quân khu 7 (QK7) chỉ thị giúp Trung tướng Nguyễn Thới Bưng viết hồi ký.

Phiếu ghi chỉ thị của Tư lệnh có kèm theo bức thư của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - chúng tôi vẫn thường gọi một cách thân kính là chú Út - gửi Tư lệnh và Chính ủy QK7. Thư viết: “Kính gửi đồng chí Trần Đơn Tư lệnh QK7, đồng chí Phạm Văn Dỹ Bí thư - Chính ủy QK7. Đề nghị hỗ trợ viết hồi ký. Tuổi đã lớn, khi dưỡng nghỉ phải viết hồi ức, hồi ký gặp quá nhiều khó khăn. Bạn bè đồng chí cùng đơn vị đều mong muốn mình viết về cuộc đời binh nghiệp của mình. 52 tuổi quân, khi chiến đấu từ là một chiến sĩ đến mức cao nhất của đời binh nghiệp là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã 67 tuổi. Từ khi về hưu chỉ theo đuổi một việc duy nhất là ham chỉ đạo nhiều lịch sử cách mạng ở địa phương, trí tuệ tập trung cho nghiên cứu đến năm 2011. Đến ngày tháng cuối năm 2012 mới nghĩ viết cho mình. Trời ơi đã quá muộn…”.

Việc viết hồi ký của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng bắt đầu như thế. Thực ra, ông đã có sẵn một bản sơ thảo ghi lại các sự kiện từ khởi thủy cho đến năm 1972, nhưng ông chưa hài lòng và muốn viết lại từ đầu. Chúng tôi bắt tay ngay vào việc. Từ tháng 9-2013, cứ mỗi sáng thứ ba, tư, năm hàng tuần, xe của Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu đưa ông vào cơ quan tôi. Ông ngồi kể, còn chúng tôi tranh thủ chen ngang hỏi dặm, vừa chép tay vừa ghi âm.

Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (bên phải) năm 2012.

Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (bên phải) năm 2012.

Tôi thuyết phục ông viết đầy đủ trong cuốn hồi ký của mình từ đầu cho đến khi ông thực sự hưu trí. Tức là từ những câu chuyện thuở ấu thơ ở làng quê An Tịnh tỉnh Tây Ninh, hội thề Rừng Rong, rồi gia nhập bộ đội địa phương huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, làm Trưởng ban Tác huấn của tỉnh Gia Định Ninh trong kháng chiến chống Pháp; tập kết ra Bắc làm Tiểu đoàn trưởng Sư đoàn 330, học ở Học viện Nam Kinh, Trung Quốc, Trưởng ban Tác huấn Sư đoàn 338, rồi trở về Nam chiến đấu, lần lượt chỉ huy trung đoàn, Sư đoàn 5, Sư đoàn 9 chủ lực Miền, rồi Trưởng phòng Tác chiến Quân Giải phóng miền Nam, Trưởng phòng Tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ; Phó Tư lệnh lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh, Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh Quân khu 7, Phó Tổng Tham mưu trưởng, đến Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông không còn nhớ nhiều, nhưng những gì ông còn nhớ được thì kể chi tiết, rất hăng say. Ông không kể chuyện đời tư, chuyện gia đình, dù bị hỏi vặn vẹo nhiều lần, chỉ kể chuyện chiến đấu. Làm như cuộc đời của ông chỉ có chuyện chiến đấu. Thậm chí, ông chỉ muốn giới hạn phạm vi cuốn hồi ký đến hết năm 1972, khi ông không còn trực tiếp chỉ huy chiến đấu nữa, dù rằng sau đó ông còn chịu trách nhiệm về hoạt động chiến đấu của bộ đội ở cương vị cao hơn.

Với ông, điều đáng kể nhất của một quân nhân là trực tiếp cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận. Ở đó, phẩm chất người lính, bản lĩnh, trí tuệ, sự gan dạ và tinh thần đồng đội được thể hiện một cách trực diện, rõ ràng nhất. Ở đó, anh chính là anh, không thể khác. Thước đo trung thực nhất đối với một quân nhân là ở chiến trường.

Có thể vì thế mà lâu nay trong những bài viết, lời kể, tham luận khoa học lịch sử, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng thường chỉ đề cập đến đề tài liên quan đến các cuộc chiến đấu mà ông là chứng nhân trực tiếp. Chiều tôi, ông mới nói đôi nét về quãng thời gian giữ trách nhiệm ở Phòng Tác chiến Miền. Và trong bài viết này, tôi muốn ghi ra đây như là một cảm nhận mới của ông về trách nhiệm của những người không trực tiếp cầm súng ở chiến trường:

Tháng 1-1973, tôi nhận được quyết định điều về Phòng Tác chiến - Cục Tham mưu Miền. Lúc này Sư đoàn 9 vẫn đang làm nhiệm vụ bao vây quân địch ở phía Nam thị xã An Lộc và một phần đường 13, vị trí tiền đồn phía Bắc Sài Gòn. Trận chiến tại An Lộc diễn ra trong thế giằng co trong nhiều tháng. Sư đoàn 9 đang hứng chịu nhiều khó khăn, tổn thất. Tôi ở lại sở chỉ huy Sư đoàn hơn mười ngày để bàn giao công việc cho anh Võ Văn Dần, sau đó về căn cứ Bộ Tư lệnh Miền tại Chàng Riệc, Tây Ninh.

Những ngày đầu về Phòng Tác chiến, vì đang là cán bộ trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu nay về công tác tại cơ quan cấp chiến dịch, tổng hợp toàn bộ hoạt động tác chiến trên địa bàn B2 gồm Quân khu 6, Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, Quân khu Sài Gòn - Gia Định; Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và các đơn vị binh chủng (pháo binh, thiết giáp, đặc công), tôi gặp rất nhiều khó khăn. Hàng ngày Phòng Tác chiến nhận trên 30 bức điện từ các chiến trường gửi về, từ trên gửi xuống, nên việc đọc điện để tổng hợp xử lý cũng đã rất vất vả. Tôi và anh em trong cơ quan gần có mặt 100% tại hầm giao ban Sở chỉ huy, ăn và ngủ tại chỗ. Công việc của cơ quan tác chiến phải tỉ mỉ, chính xác và tổng hợp tình hình nhanh. Tôi dần dần quen được với công việc. Vậy mà có một lần, anh Trần Độ giao tổng hợp tình hình chiến trường. Tôi viết xong, cầm bản báo cáo lên trình anh. Một lúc sau, tôi nhận được bản báo cáo chuyển về trên đó có phê con số 0 to tướng của anh Trần Độ.

Tôi giật mình hiểu rằng, làm cán bộ cơ quan thật khó.

Việc kể và ghi chép mới diễn ra được vài tuần thì Trung tướng Nguyễn Thới Bưng gọi điện thoại báo hoãn ít hôm. Ông bị mệt, nhập viện sau ngày kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Bộ Tham mưu Miền. Ngờ đâu, từ đó, ông đi luôn vào cõi vĩnh hằng! Sẽ có rất nhiều bài viết, nhiều công trình nói về ông - một cán bộ quân sự mưu lược, can trường, quyết đoán và nhân ái. Sẽ có rất nhiều  người lính, ở thế hệ của ông và thế hệ sau ông, nghiêng mình trước phần mộ của ông với tấm lòng thương kính vô bờ.

Những ngày hưu trí, ông đã dốc nhiều tâm sức để chỉ đạo thực hiện nhiều đề tài tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử, như: Nam Kỳ khởi nghĩa, Đảng bộ miền Đông Nam bộ thời kỳ 1945-1975, Nam bộ kháng chiến, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam...

Ông đã để lại cho hậu thế không chỉ một phần máu và mồ hôi trong cuộc chiến tranh vệ quốc, mà cả những công trình sử học ghi lại cuộc chiến tranh ấy. Riêng cho ông thì không còn kịp nữa. Than ôi, đời người như bóng câu qua cửa. Lịch sử rồi sẽ trôi đi, nhưng tôi tin rằng lịch sử không trôi về quá khứ mà trôi về phía trước. Những giá trị từng làm nên hình hài và cốt cách Việt Nam trong gần hai phần ba thế kỷ qua, mà Trung tướng Nguyễn Thới Bưng có góp một phần nhỏ trong đó, sẽ luôn hiện hữu ở phía trước!

HỒ SƠN ĐÀI

Thông tin liên quan

 Tin buồn Đồng chí Trung tướng Nguyễn Thới Bưng

Tin cùng chuyên mục