Tuyên dương hơn 4.000 học sinh giỏi thành phố, quốc gia và quốc tế

Sáng 21-7, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lễ tuyên dương và khen thưởng học sinh giỏi năm học 2014 - 2015. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện nhiều cơ quan, ban ngành, hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn TPHCM.
Tuyên dương hơn 4.000 học sinh giỏi thành phố, quốc gia và quốc tế

Sáng 21-7, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lễ tuyên dương và khen thưởng học sinh giỏi năm học 2014 - 2015. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng đại diện nhiều cơ quan, ban ngành, hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn TPHCM.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nhân tài

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết năm học vừa qua, toàn TP có 164.674 học sinh giỏi cấp trường, quận, huyện; 3.984 học sinh giỏi cấp thành phố và 114 học sinh giỏi cấp quốc gia. Trong đó, em Nguyễn Huy Hoàng, học sinh lớp 12, Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TPHCM) đã xuất sắc giành huy chương bạc kỳ thi Olympic toán học quốc tế. Ngoài ra còn có 21 học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay Casio, 192 giải Olympic tiếng Anh trên Internet, 45 em đoạt giải Violympic ở các cấp học, 3 giải cuộc thi Tin học văn phòng thế giới và 6 giải Hội thi tài năng tiếng Anh. Theo ông Lê Hồng Sơn, đây chính là quả ngọt kết trái từ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, cộng với sự phấn đấu, nỗ lực không mệt mỏi của chính các em.

Thành tích ngày hôm nay sẽ là động lực, hành trang để các em tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa, rèn luyện thể chất, tinh thần và ý chí thật mạnh mẽ để phát triển toàn diện về nhân cách, xứng đáng với vai trò nguồn nhân lực chất lượng cao gánh vác trọng trách xây dựng, phát triển TPHCM nói riêng và cả nước nói chung ngày càng lớn mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải tặng bằng khen cho em Nguyễn Huy Hoàng đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 2015. Ảnh: MAI HẢI

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, bày tỏ niềm phấn khởi đối với những thành tích ngành GD-ĐT TPHCM đã đạt được trong năm học 2014-2015. Cũng theo đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Nghị quyết số 29-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được UBND TPHCM triển khai từ nhiều năm qua, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền thành phố đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo. Bên cạnh sự chăm lo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, tạo thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo, TP cũng đánh giá cao sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của đội ngũ quản lý giáo dục.

Chuẩn bị cho năm học 2015 - 2016, đồng chí Hứa Ngọc Thuận giao cho ngành GD-ĐT nhiệm vụ tiếp tục nhân rộng, bồi dưỡng nhân tài, rèn luyện năng khiếu gắn với phát triển năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống của học sinh TPHCM. Các đơn vị cần xem hoạt động phát hiện, bồi dưỡng nhân tài là nhiệm vụ quan trọng của mỗi trường, không phân biệt trường chuyên, trường tiên tiến hay trường ở vùng ven, ngoại thành. Thay vào đó, công tác bồi dưỡng, phát triển học sinh giỏi cần được nhân rộng tất cả trường trên địa bàn, trở thành nguồn nhân lực đầy triển vọng của TPHCM.

Thành công nhờ đam mê và ý chí

Bên lề buổi lễ, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với em Đỗ Phước Tiến, học sinh lớp 11, Trường THPT Gia Định với thành tích giải ba quốc gia môn Tiếng Anh năm học 2014 - 2015. Tiến cho biết, giải thưởng ngày hôm nay là kết quả của cả quá trình đam mê theo đuổi môn học em yêu thích. “Hiện nay có rất nhiều bạn chọn ngành học theo sở thích của ba mẹ hoặc từ một nguồn động viên khác. Tuy nhiên, dù với lựa chọn nào các bạn cũng phải giữ được cho mình tinh thần học tập thoải mái, đừng ép bản thân vào những môn học không phù hợp, bởi chỉ khi có niềm yêu thích, việc học tập mới đem lại hiệu quả”, Tiến chia sẻ.

Đồng quan điểm, bạn Phạm Nguyễn Thành Trung, học sinh lớp 12, Trường THPT Quốc văn Sài Gòn, giải khuyến khích cấp quốc gia môn Hóa học năm học 2014 - 2015, cho biết với một học sinh tỉnh lẻ như em (cả gia đình hiện đang cư ngụ ở Đồng Nai - PV), một mình lên TPHCM ăn học, nếu không có sự cố gắng, cộng với ý chí theo đuổi đến cùng môn học mình yêu thích thì không thể đạt được thành công. Trung bật mí, bí quyết giúp em chinh phục môn Hóa học vốn được mệnh danh là “khó, khô” chính là nhờ niềm say mê nghiên cứu, cộng với việc không ngừng tìm tòi, học hỏi.

Ngoài ra, khi chúng tôi đặt câu hỏi có hay không sự đóng góp của việc học thêm vào thành tích học tập này, phần đông các bạn đều cho biết chưa từng hoặc rất ít đến lớp học thêm. Cô Lê Thị Huệ, mẹ của học sinh Trần Huệ Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, giải khuyến khích cấp quốc gia môn Sinh học, cho biết gia đình không có chủ trương cho con “chạy sô” ở các lớp học thêm. Toàn bộ những thành tích Huệ Anh đạt được từ bậc tiểu học đến nay đều là kết quả của quá trình mua sách tự học ở nhà. Dù từng chinh phục hàng loạt kỳ thi lớn, nhỏ nhưng những thành công tính đến thời điểm hiện tại đối với cô bé có mái tóc suông dài, đen nhánh này chỉ là một phần trên con đường em chinh phục niềm đam mê, bởi nếu không có đam mê, mọi cố gắng chỉ là vay mượn…

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục