Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Thầy trò cùng hướng nghiệp

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 đang cận kề, các em học sinh lớp 12 ở các trường trung học phổ thông (THPT) đang đứng trước nhiều băn khoăn làm sao chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích cũng như điều kiện kinh tế của gia đình. Trước thực tế này, nhiều trường THPT đã chủ động phối hợp các trường ĐH-CĐ để cùng hướng nghiệp cho học sinh từ nay đến tháng 3.
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Thầy trò cùng hướng nghiệp

Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 đang cận kề, các em học sinh lớp 12 ở các trường trung học phổ thông (THPT) đang đứng trước nhiều băn khoăn làm sao chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích cũng như điều kiện kinh tế của gia đình. Trước thực tế này, nhiều trường THPT đã chủ động phối hợp các trường ĐH-CĐ để cùng hướng nghiệp cho học sinh từ nay đến tháng 3.

  • Nét mới

Từ đầu tháng 1 đến nay, phòng đào tạo và phòng công tác chính trị sinh viên nhiều trường ĐH-CĐ tại TPHCM đã liên tiếp nhận được nhiều “đơn đặt hàng” cho học sinh tham quan, tìm hiểu ngành nghề đào tạo từ các trường THPT ở các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL.

Các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… cũng rộng cửa đón tiếp hàng chục lượt trường THPT muốn đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu ngành nghề, điều kiện cơ sở vật chất.

Giáo viên các Trường THPT tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: T.HÙNG

Giáo viên các Trường THPT tìm hiểu ngành nghề đào tạo tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: T.HÙNG

Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã đón gần 5.000 học sinh và khoảng 100 thầy cô giáo tham gia “Ngày hội mở 2012” để thầy và trò cùng tìm hiểu ngành nghề, môi trường học tập, sinh hoạt của một trường đại học. Nét mới của năm nay là ban giám hiệu, lãnh đạo các khoa, các chuyên gia sẽ trao đổi với các em về mục tiêu đào tạo, khả năng và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của ngành nghề đào tạo.

Không dừng lại ở những lời hỏi đáp, tham quan các phòng thí nghiệm, những thiết bị thực hành mà nhiều khoa đã tổ chức giao lưu để học sinh tận mắt thấy được người thật, việc thật những ngành nghề đào tạo của nhà trường.

Sau khi trực tiếp tìm hiểu tại khoa Điện – Điện tử nhiều học sinh Trường THPT Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) phấn khởi: “Hóa ra học những ngành cơ khí, tự động hóa không quá cực nhọc như chúng em từng nghĩ. Chuyến tham quan thực tế này khiến chúng em sẽ càng tự tin hơn khi quyết định chọn ngành điện, điện công nghiệp cho tương lai…”.

Trong khi trò thích thú tham quan các phòng thí nghiệm, hàng trăm thầy, cô giáo của 150 trường THPT đến từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Phú Yên, Tây Ninh, Long An… đã tập trung tại giảng đường lớn của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM để tìm hiểu những quy định đào tạo, cách học cũng như triển vọng nghề nghiệp của nhiều ngành nghề.

Ông Trần Duy Luật, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Pha (TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) chia sẻ: “Chúng tôi cũng cần tìm hiểu ngành nghề đào tạo để về tư vấn cho học sinh của mình. Những gì mắt thấy tai nghe sẽ giúp chúng tôi tư vấn hiệu quả cho học sinh khi lựa chọn ngành nghề tại kỳ tuyển sinh năm 2012”.

  • Nội dung thiết thực

Sau nhiều lần đưa học sinh đi thực tế tìm hiểu ngành học tại các trường ĐH-CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, thầy Đinh Luân Minh Đức, Trường THTP Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TPHCM) nhận xét: Cách đưa học sinh tiếp cận trực tiếp với từng ngành nghề đào tạo ở các trường thật sự có hiệu quả và đáp ứng đúng nhu cầu của học sinh.

Từ thực tế tìm hiểu, cùng với tư vấn của các thầy cô, những học sinh có học lực khá giỏi mới đăng ký vào các trường ĐH. Các em có sức học thấp hơn sẽ tập trung tìm hiểu và đăng ký vào các trường CĐ, trung cấp.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, cho biết: “Việc chủ động đưa học sinh đến với trường ĐH-CĐ tham quan, tìm hiểu như hiện nay của các trường THPT thật sự có ích cho học sinh. Từ lý thuyết đến thực tế là một khoảng cách rất lớn, do đó so với cách hướng nghiệp qua sách vở, nói miệng thì cách đưa học sinh đi thực tế, nghe tận tai, thấy tận mắt bao giờ cũng có hiệu quả rất thiết thực với các em học sinh”.

Tuy nhiên, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cũng gợi mở thêm rằng cần đưa học sinh đến tham quan ở các doanh nghiệp, nhà máy, công trường để học sinh nắm bắt đầy đủ hơn.

Dưới cái nhìn của một người làm quản lý đào tạo lâu năm, TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), chia sẻ: “Đưa học sinh tham quan tìm hiểu thực tế quy mô cơ sở vật chất, điều kiện học tập tại các trường ĐH là rất hiệu quả. Từ thực tế tham quan những điều kiện học và hành, các em sẽ mạnh dạn quyết định chọn ngành nghề cho tương lai của mình. Ngoài ra, bản thân các trường ĐH-CĐ cũng giới thiệu hình ảnh, uy tín của mình với người học”.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Kim Quang cũng lưu ý, để giúp các em thật sự chọn đúng ngành, học đúng trường, ban giám hiệu và bộ phận hướng nghiệp ở các trường THPT cần chú trọng đưa các em tiếp cận sâu hơn với nhiều ngành nghề, nhiều loại hình trường ĐH-CĐ để các em có cái nhìn toàn diện và có lựa chọn hợp lý hơn là chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: “Nhu cầu tham của học sinh THPT đối với các trường ĐH-CĐ hiện nay là rất lớn. Để công tác hướng nghiệp hiệu quả và phủ sóng rộng hơn, các trường ĐH và các trường THPT cần liên kết để tổ chức nhiều ngày hội mở quy mô lớn để hướng nghiệp cho học sinh lẫn thầy, cô giáo các trường THPT.

Vào ngày 17-2 tới, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức tập huấn hướng nghiệp với nhiều nội dung thiết thực như thông tin về tuyển sinh, dự báo triển vọng nghề nghiệp trong tương lai, cách chọn nghề, chọn trường… cho 200 giáo viên ở các trường THPT”. 

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục