Thí sinh có sự chuyển hướng vào các ngành kinh tế, dịch vụ và né ngành sư phạm
Đến thời điểm này, các trường đã hoàn tất tập hợp, thống kê dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành sư phạm (viết tắt là ĐH-CĐ) trong năm 2018. Với nhiều quy định thay đổi như bỏ điểm sàn, giảm điểm ưu tiên khu vực, giảm chỉ tiêu và tăng điều kiện đầu vào… đã khiến cho hồ sơ đăng ký vào các trường có sự biến động lớn.
Nguyện vọng đăng ký tăng kỷ lục
Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: “Nhiều ngành ở một số trường tăng đột biến và cũng có những ngành giảm đột biến. Tổng số nguyện vọng (NV) đăng ký là 150.000 NV (từ NV1 đến NV38) của 95.000 thí sinh. Đây là con số kỷ lục của ĐH Quốc gia TPHCM tính từ năm 2015”. Cũng theo ông Vũ, thống kê ở NV1, 2 và 3 thì toàn ĐH Quốc gia TPHCM có tỷ lệ chọi là 1/16. Trong số các trường thành viên thì Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có tỷ lệ chọi ở NV1 cao nhất 1/5; trường thấp nhất là 1/2.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM, cho biết số NV đăng ký vào trường năm nay là 51.282 NV (năm 2017 chỉ có 39.500 NV), trong đó số NV1, 2, 3 có đến 33.759 NV. Với 38.320 thí sinh (năm 2017 là 30.100 thí sinh) đăng ký xét tuyển, đây là con số kỷ lục từ trước đến nay của Trường ĐH Công nghệ TPHCM. Bên cạnh đó, số NV vào các ngành ngôn ngữ và xã hội cũng tăng ngoài dự đoán, như ngành Đông phương học tăng 200%, Tâm lý học tăng 145% so với năm 2017.
Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM năm nay tuyển 4.200 chỉ tiêu nhưng thống kê cho thấy tổng số NV đăng ký vào trường lên đến 44.498 NV. Riêng NV1, 2, 3 có đến 28.949 NV. Trong đó, tổ hợp A, A1 và D1 chiếm tới 42.494 NV đăng ký. Các ngành như Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn có số NV cao gấp 6 - 7 lần so với chỉ tiêu.
Trong khi đó, năm nay tổng số thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Nông Lâm TPHCM giảm khoảng 2.000 thí sinh. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết: Thí sinh dành nhiều quan tâm đến nhóm ngành chất lượng cao. Những ngành thu hút nhiều thí sinh như Công nghệ thực phẩm, Quản trị kinh doanh, Thú y, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Ngôn ngữ Anh.
Riêng 2 phân hiệu tại Gia Lai và Ninh Thuận lại bất ngờ khi số lượng thí sinh đăng ký nhiều hơn năm 2017. Ở đây, thí sinh quan tâm đến nhóm ngành Lâm nghiệp, Công nghệ chế biến lâm sản, Bản đồ học, Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, ghi nhận ở những trường sư phạm và những trường ĐH, CĐ có đào tạo nhóm ngành sư phạm cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi số NV lẫn số thí sinh đăng ký đều giảm nhiều so với năm 2017.
Đâu là nguyên nhân?
Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân khiến việc đăng ký xét tuyển có xáo trộn là số thí sinh tăng và chính sách tuyển sinh thay đổi. Cụ thể, thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2018 có 925.964 thí sinh đăng ký dự thi, tăng gần 60.000 thí sinh so với năm 2017. Trong đó, tăng nhiều nhất vẫn là học sinh lớp 12, số thí sinh tự do tăng gần 24.000. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh đến các nguyên nhân từ chính sách, gồm: giảm 50% điểm ưu tiên khu vực, giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, bỏ điểm sàn (trừ khối ngành sư phạm)… đã khiến NV và lượng thí sinh tăng hoặc giảm đột biến ở nhiều ngành, nhiều trường.
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Tổng số NV đăng ký vào trường tương đương năm 2017, khoảng 90.000. Trong khi các ngành Luật, Kinh tế, Công nghệ… thu hút nhiều NV đăng ký của thí sinh, thì nhóm ngành sư phạm có sự sụt giảm hồ sơ vì chỉ tiêu có điều chỉnh giảm theo chủ trương chung.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM năm 2018 có 18.000 thí sinh đăng ký với số NV tương đương năm 2017. Trong đó, nguyện NV1, 2, 3 chiếm 68%. Các ngành truyền thống của trường thuộc nhóm thực phẩm thu hút thí sinh nhiều nhất. Ghi nhận chung, cùng với nhóm ngành công nghệ, nhóm ngành kinh tế, dịch vụ thu hút rất lớn thí sinh. Những ngành như Quản trị kinh doanh, Quản trị nhà hàng, Kinh doanh quốc tế ở nhiều trường số NV đăng ký luôn cao hơn ít nhất 7 - 8 lần so với những ngành còn lại.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, số lượng NV đăng ký vào các trường hiện nay dù có trường tăng đột biến nhưng họ chỉ chọn từ NV1 đến NV3 để cân đo đong đếm khi xác định điểm chuẩn. Những con số hiện nay chỉ là lý thuyết và phải đợi kết quả ở đợt điều chỉnh NV sau khi thí sinh có kết quả thi THPT quốc gia. Nhiều trường hiện nay không dám công bố NV vì sợ thí sinh tháo chạy và gây náo loạn cho đợt điều chỉnh NV.
Thống kê trên cả nước cho thấy, khối ngành kinh doanh, quản lý được thí sinh lựa chọn nhiều nhất với hơn 832.000 NV/121.183 chỉ tiêu. Tiếp theo là khối dịch vụ, an ninh quốc phòng với 783.703 NV/99.439 chỉ tiêu. Khối công nghệ, kỹ thuật, sản xuất cơ bản được thí sinh lựa chọn nhiều thứ ba, với 722.511 NV/147.692 chỉ tiêu. Đặc biệt, khối ngành sư phạm giảm chỉ tiêu 38% so với năm 2017. Trong khi đó, lượng NV đăng ký vào khối ngành sư phạm trên toàn quốc giảm 125.261 NV, giảm 29% so với năm 2017.