Nỗ lực tìm giải pháp cải tiến tuyển sinh ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT là một hướng mở cần thiết cho ngành giáo dục. Sau 9 năm thực hiện phương thức tuyển sinh “3 chung” (chung đợt, chung đề và chung kết quả), đã đem lại một số kết quả khả quan. Vì vậy, dù tiếp tục đổi mới tuyển sinh cũng phải đảm bảo tính kế thừa chứ không thể phủ nhận những việc đã làm được. Đề án đổi mới tuyển sinh cần được nghiên cứu thận trọng, có lộ trình và mang tính bao quát.
Mổ xẻ “3 chung”
Mong muốn thoát “chiếc áo” 3 chung không chỉ riêng Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo mà của toàn xã hội. Để tìm một phương thức tối ưu nhằm thay thế 3 chung, trước hết Bộ GD-ĐT cần tiến hành tổng kết tất cả mọi khía cạnh, từ quy chế, đề thi, điểm thi… của phương thức thi tuyển sinh ĐH-CĐ “3 chung”. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: Để cải tiến tuyển sinh phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam, việc đầu tiên là đánh giá những thành tựu cũng như bất cập của kỳ thi 3 chung, để từ đó có cái nhìn toàn diện hơn. Suốt 9 năm qua, Bộ GD-ĐT đã chủ trì kỳ thi tuyển sinh “3 chung”. So với thời kỳ các trường ĐH-CĐ tự tổ chức tuyển sinh (trước năm 2002), phương thức này khá ổn định, góp phần tránh được tiêu cực, bất cập trong khâu tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi và xét tuyển.
Dưới góc nhìn của một ngôi trường luôn có lượng thí sinh dự thi cao trong cả nước, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM phân tích: Cái được của 3 chung chắc ai cũng có thể nhìn thấy. Ngược lại, hạn chế rõ nhất của phương thức này là ở điểm chung thứ ba - “chung kết quả”. 10 năm qua, các trường đã rất đau đầu với tình trạng thí sinh ảo nhưng không thể nào giải quyết được. Cái ảo trong “3 chung” được xem là nhược điểm lớn nhất không chỉ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường mà còn gây tốn kém của toàn xã hội.
Nếu có một cuộc tổng kết nghiêm túc, chắc chắn những nhược điểm của “3 chung” sẽ được khắc phục, những ưu điểm sẽ tiếp tục được kế thừa trong việc xây dựng một phương án tuyển sinh mới đúng như kỳ vọng của toàn xã hội.
Phương thức nào thay thế “3 chung”?
Để thực hiện đổi mới tuyển sinh, có thể sẽ bỏ “3 chung” và thay bằng một phương thức tuyển sinh mới. Vậy Bộ GD-ĐT sẽ chọn phương thức mới kế thừa những ưu điểm của phương thức “3 chung” hay quay lại với việc để các trường tự chủ như trước đây?
Nói về phương thức tuyển sinh mới, TS Nguyễn Đức Nghĩa nhìn nhận: “Với những cái được của 3 chung, tôi tin chắc rằng xã hội không chấp nhận quay lại tình trạng bát nháo trong tuyển sinh như trước năm 2002. Nếu lật lại lịch sử tuyển sinh trước năm 2002, chúng ta sẽ thấy hàng loạt vụ bê bối trong khâu ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển. Điều quan trọng hơn là không có sự liên thông trong nguyện vọng của thí sinh, dẫn đến việc có những trường, điểm chuẩn trúng tuyển rất cao nhưng do biệt lập trong khâu đề thi và xét tuyển nên thí sinh trúng tuyển chưa chắc giỏi hơn những thí sinh trúng tuyển ở các trường lớn mà đề thi khó nên điểm thi sẽ thấp hơn. Do vậy, phương thức tuyển sinh mới nhất thiết phải kế thừa tính chính xác, công bằng, nghiêm túc của kỳ tuyển sinh 3 chung”.
Nhìn vào thực tế tuyển sinh hiện nay, các trường ĐH-CĐ chỉ có khả năng tuyển được tối đa khoảng 40% số lượng thí sinh dự thi và điểm thi gần như là yếu tố duy nhất làm căn cứ xét trúng tuyển. Do đó, đề thi là một khâu trọng yếu, nếu không muốn nói là quyết định của một kỳ tuyển sinh. Trong những năm tuyển sinh 3 chung, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT đã làm tốt vai trò này. Chính vì vậy, nếu có sự phân cấp tuyển sinh cho các cơ sở được chọn làm thí điểm, việc phối hợp giữa các cơ sở này trong khâu đề thi với vai trò chủ đạo của cục là điều hết sức cần thiết. Suốt chiều dài của “3 chung”, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã dày công xây dựng ngân hàng đề thi cho các môn trắc nghiệm và đối với các môn tự luận, quy trình ra đề thi hàng năm cũng rất chặt chẽ. Phương thức tuyển sinh mới cần phải sử dụng và kế thừa nguồn tài nguyên đó.
Bàn về phương thức tuyển sinh mới, TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho biết: Các trường không thể không tuyển sinh nhưng việc phủ nhận “3 chung” là cực đoan. Hơn nữa, việc thi theo phương thức mới, có thể thi nhiều đợt trong một năm sẽ phù hợp với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Tuy nhiên, cách tuyển sinh mới cần có một đánh giá chung trình độ của thí sinh. Có nghĩa là kỳ thi tốt nghiệp ở bậc phổ thông phải đánh giá đúng thực lực, trình độ của thí sinh và phải do cấp quốc gia thực hiện.
Đổi mới tuyển sinh là hướng đi đúng. Tuy nhiên, để đổi mới việc tuyển sinh ĐH-CĐ, không chỉ do Bộ GD-ĐT hay vài cơ sở đào tạo tự quyết mà cần sự chung tay của toàn xã hội.
Thanh Hùng
“Với năng lực và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ giảng dạy tại các cơ sở được Bộ GD-ĐT tín nhiệm dự kiến phân cấp tự chủ tuyển sinh, việc tự ra đề thi chính xác là hoàn toàn nằm trong khả năng. Tuy nhiên, rõ ràng kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ liên quan đến hàng triệu thí sinh, những tác động xã hội của kỳ thi này rất lớn, do vậy trong dự thảo đề án mà ĐH Quốc gia TPHCM trình Bộ GD-ĐT xem xét, chúng tôi cũng phải có sự phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo khác để những đổi mới đó mang tính khả thi, đặc biệt là vẫn tạo được cơ hội vào ĐH – CĐ cho những thí sinh giỏi nhất”. TS Nguyễn Đức Nghĩa,
Liên quan đến những thông tin gần đây về thay đổi phương án tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, phương án tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2011 vẫn giữ ổn định như các năm trước. Ông Bùi Văn Ga cho biết, việc đổi mới tuyển sinh được triển khai đồng thời với việc nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học tập trong nhà trường phổ thông và ĐH-CĐ. Bộ cũng giao cho 2 ĐH Quốc gia và 4 trường ĐH trọng điểm của bộ cùng nghiên cứu giải pháp này. Theo ông Bùi Văn Ga, những năm vừa qua, phương thức “3 chung” đã có nhiều tiến bộ và nhận được sự đồng tình của xã hội. Kỳ tuyển sinh năm 2011 sắp tới chỉ thay đổi một số ít về kỹ thuật, còn cơ bản về phương thức không có gì thay đổi. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng, thông tin bộ giao quyền tự chủ cho 6 trường là một sự hiểu nhầm. Bộ chỉ giao cho 2 ĐHQG và 4 ĐH trọng điểm cùng bộ nghiên cứu phương thức tuyển sinh chứ không phải giao quyền tự chủ cho các trường. Bộ sẽ chọn phương án tối ưu nhất, tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn trước khi công bố chính thức. L.Nguyên |