Ứng dụng hỗ trợ công tác phòng chống dịch

Với tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, TPHCM khuyến khích người dân cài 2 ứng dụng Y tế và Tổng đài 1022 để cùng chính quyền chung tay đẩy lùi dịch bệnh. 2 ứng dụng này được Sở TT-TT xây dựng và phát triển, liên tục được cập nhật, dễ cài đặt, sử dụng trên smartphone với hệ điều hành Android hay iOS.

Ứng dụng Y tế nhiều tiện ích

Đến nay, hệ thống khai báo y tế điện tử TPHCM đã triển khai cho 9.694 đơn vị, trong đó khối Y tế là 6.272 đơn vị; khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn là 3.422 đơn vị… Riêng với người dân, app Y Tế HCM đưa ra nhiều tiện ích nổi bật, thiết thực nhằm góp phần phòng chống dịch Covid-19. Chị Hạnh Loan, nhà ở quận 6 cho biết: “Ứng dụng Y Tế HCM là app khai báo y tế điện tử trên toàn TPHCM với nhiều ưu điểm, tôi đã tải ứng dụng về máy, cũng là cách bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng”.

Ứng dụng hỗ trợ công tác phòng chống dịch ảnh 1 Giao diện tại app Cổng thông tin 1022 (Tổng đài 1022) dễ sử dụng giúp người dân nhanh chóng gửi phản ánh, góp ý đến cơ quan chức năng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Với ứng dụng Y Tế HCM, người dân chỉ cần mở ứng dụng và quét mã QR dán sẵn tại các cơ sở y tế, cơ quan, đơn vị để khai báo y tế điện tử thay cho việc khai báo bằng giấy. Đối với những người không rành công nghệ, việc chụp màn hình mã QR sau khi khai báo y tế sẽ gặp khó khăn, song với app này, khi khai báo y tế xong, sẽ có một nút chụp màn hình để người dùng chỉ cần click vào chụp lại, không cần thêm thao tác nào khác.

Tính năng check-in tích hợp trên ứng dụng để ra vào nơi cần khai báo nhanh chóng cũng là điểm nổi bật. Thông thường, khi check-in tại các địa điểm, người dùng sẽ cần nhân viên kiểm soát đối chiếu mã và thời gian chờ đợi khá lâu nhưng với ứng dụng Y Tế HCM, người dùng chỉ cần dùng tính năng check-in có sẵn trên ứng dụng và quét vào mã QR đặt tại nơi cần khai báo là sẽ được hệ thống ghi nhận nhanh chóng.

Nếu người dân di chuyển nhiều nơi, không nhớ hết những nơi mình đã đến trong trường hợp cần truy vết thì hãy dùng ứng dụng Y tế HCM, ứng dụng sẽ ghi lại lịch sử khai báo y tế và lịch sử các địa điểm đã từng đến để phòng trường hợp cần truy vết sau này. Hơn nữa, nếu vì tính chất công việc bắt buộc, người dân phải di chuyển nhiều nơi, liên hệ nhiều cơ quan thì chỉ cần khai báo y tế một lần và mẫu khai báo y tế có hiệu lực trong 24 giờ.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, thành phố đang nhanh chóng phối hợp với các cơ quan của Bộ TT-TT nhằm liên thông dữ liệu từ hệ thống của Bộ Y tế, hệ thống của TPHCM về Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Trung tâm Dữ liệu TPHCM. Từ đó giúp đơn vị y tế, địa phương quản lý thông tin của tất cả người ra, vào các địa điểm; tra cứu, thống kê thông tin check-in theo thời gian, địa điểm; hỗ trợ công tác truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện có trường hợp nghi mắc Covid-19.

Phản ánh nhanh chóng với Tổng đài 1022

Cổng thông tin 1022 được Sở TT-TT TPHCM xây dựng nhằm tiếp nhận 24/7 các phản ánh của người dân; giúp người dân theo dõi được quá trình xử lý; nhận thông báo về kết quả xử lý sau khi hoàn tất giải quyết xử lý sự cố ở 12 lĩnh vực như hạ tầng giao thông, cây xanh, viễn thông, chiếu sáng… Gần đây, khi tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM diễn biến phức tạp, Cổng thông tin 1022 với ứng dụng trên thiết bị di động là Tổng đài 1022 đã thêm tính năng phản ánh các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch.

Cụ thể, ứng dụng Tổng đài 1022 sẵn sàng tiếp nhận thông tin phản ánh các hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch; báo cáo những hoạt động kinh doanh, mua bán trái quy định trong phòng chống dịch; phát hiện người lạ mặt, nghi vấn, phản ánh trường hợp nghi mắc Covid-19 trong cộng đồng; kế sách từ người dân liên quan đến các quy định trong công tác phòng chống dịch của thành phố.

Trên ứng dụng Tổng đài 1022 còn có bản đồ số Covid-19 với những tính năng hữu ích như xác định khu vực phong tỏa, vùng cách ly, ca nhiễm Covid-19… nhằm giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, bảo vệ sức khỏe tốt hơn; hay những mục tra cứu thông tin về địa điểm bán khẩu trang, cơ sở y tế, nơi cung cấp nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của người dân.

Đại diện Sở TT-TT TPHCM cho biết, tất cả thông tin phản ánh sẽ được ghi nhận và chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý như tình huống khẩn cấp. Tổng đài 1022 đã nhận được nhiều phản ánh trường hợp không khai báo y tế từ những người đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc gần, đến vùng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; những trường hợp này nhanh chóng được liên hệ và xử lý theo quy định hiện hành. Từ ngày 28-5 đến 24-6, Tổng đài 1022 đã nhận được hơn 7.800 tin báo từ người dân. Việc sử dụng cảm biến hết sức đơn giản, chỉ cần mở ứng dụng Tổng đài 1022, chọn mục Góp ý, phản ánh rồi gõ một số thông tin cần phản ánh và chụp 1 bức ảnh sau đó gởi đi. Tất cả góp ý, phản ánh của người dân sẽ được Tổng đài 1022 tiếp nhận và chuyển ngay đến cơ quan chức năng tại địa phương.

“Kiểm soát tình hình dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mỗi nguời dân đều là một nút thắt quan trọng trong việc đẩy lùi dịch Covid-19. Hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta là một cảm biến khi dùng ứng dụng Tổng đài 1022 để góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, nói.

Việc Sở TT-TT nhanh chóng đưa 2 ứng dụng Y Tế HCM và Tổng đài 1022 vào vận hành đã thể hiện sự nhạy bén trong ứng dụng công nghệ vào đời sống. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay tại TPHCM, thành phố đã kêu gọi, khuyến khích người dân cài đặt 2 ứng dụng nói trên, để cùng chung tay với thành phố góp phần phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục