Ngồi nói chuyện tâm tình với nhau, người bạn tôi khoe: “Thủ trưởng của em tuyệt vời lắm!”.
- Tuyệt vời thế nào? Tôi hỏi.
- Em kể chị nghe một chuyện nhỏ thôi nhưng rất ấn tượng với em: vào một ngày giáp tết năm…, ông gọi em lên phòng và nói: “Tớ muốn nhờ cậu một việc”.
- …
- Hôm qua về nhà, bà xã tớ nói: “Hôm kia có một người mang đến nhà một đôi gà và chúc tết gia đình. Ông nói là bố đẻ của cháu N.T.P mới được tuyển vào công ty ta để học nghề”. Bà xã tớ không nhận nhưng ông ấy cứ để lại, cậu có biết cháu này không?
- Dạ có.
Ông nói tiếp: vừa qua kiểm tra lại cháu này không đạt yêu cầu, nhưng ban lãnh đạo thấy cháu khỏe mạnh và đã tốt nghiệp THPT, nên đã chuyển cháu sang đào tạo việc khác rồi. Có lẽ gia đình không biết nên lo cho cháu. Chúc nhau trong ngày tết là một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người dân ta. Họ đến chúc tết gia đình, mình rất trân trọng.
Song ở nông thôn, bà con nuôi được đôi gà như vậy mất rất nhiều công sức và cũng trông vào nó để giải quyết nhiều việc lắm, ăn chẳng dám ăn, nhưng vì con nên thân già phải đạp xe mấy chục cây số lên chúc tết một người mà bản thân chưa thân quen thì quả là chuyện không bình thường! Cũng thông cảm với họ, “cá chuối đắm đuối vì con”. Việc đã rồi, trả lại họ thì không nên.
Ông rút ngăn kéo lấy ra một phong bì và nói: “Tớ đã bỏ vào trong này mấy trăm đồng rồi, cậu mang đến gia đình cháu này cảm ơn ông bà và nói giúp, tớ có chút quà mừng tuổi ông bà. Còn việc của cháu thì ông bà cứ yên tâm, cháu đã được cơ quan sắp xếp học một công việc khác thích hợp rồi”.
Em đã đến gia đình cháu này và làm đúng như những điều ông đã dặn, gia đình rất cảm động… Việc tuy nhỏ và không mới, nhưng lúc nào em cũng nhớ như in. Và, không chỉ em mà ở cơ quan ai cũng kính trọng và yêu quý ông.
Đồng tình với sự nhìn nhận và tình cảm của bạn đối với người lãnh đạo của mình, tôi nói thêm: “Đối với người lãnh đạo, ngoài bản lĩnh chính trị, tài năng, thì lòng vị tha và tình thương yêu con người là những yếu tố làm nên uy tín”!
Trương Thị Hạnh