Nhớ nhà thơ nhà báo Nguyễn Lâm

“…Và nếu là lần cuối”

VŨ ÂN THY
“…Và nếu là lần cuối”

Chính Nguyễn Trọng Tạo từ Hà Nội, chứ không phải Lê Điệp. Nguyễn Nguyên Bảy, Lê Xuân Đố… ở TPHCM hay Nguyễn Khắc Phục ở Nha Trang, Cảnh Trà ở Tây Ninh… báo tin Lâm qua đời. Nguyễn Trọng Tạo nhắn tin “Lâm chết buồn quá”. Gặp anh Dũng, Thái, Lân, Dương, Văn… tại 25 Lê Quý Đôn… ai cũng ngỡ ngàng, bất ngờ và im lặng. Bắt tay nhau mà nhìn đi đâu và chả nói được gì.

“…Và nếu là lần cuối” ảnh 1

Nguyễn Lâm qua nét vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Chúng tôi quen nhau và làm việc cùng nhau tại Đài Phát thanh Giải Phóng, sau đó là Đài Tiếng nói Việt Nam cơ sở 2 tại TPHCM. Hơn nhiều lần như thế là trong cuộc sống hàng ngày, kham khó. Lâm là người ít nói chỉ im lặng cười nhẹ và lâu lâu mới “chích” một câu như kiến đỏ đốt.

Bạn thân Lưu Quang Vũ đã ra đi, Nguyễn Khắc Phục yếu nhiều và… thường tắt máy điện thoại. Lâm cô độc dù còn nhiều bạn. Làm cặp bài trùng với anh Phan Vũ có hạnh phúc mới; Hoài Anh nghe kém và cũng yếu không chuyện trò nhiều. Lâm càng buồn. Lâm làm thơ như một kẻ cuồng chữ. Cũng giống như nhà thơ Hoàng Trung Thông những năm cuối đời, Nguyễn Lâm cứ bò ra sàn nhà mà… làm thơ. Có bao nhiều câu thơ xuất thần của Lâm viết trên gạch, trên giấy báo, trên bất cứ cái gì có thể viết được chẳng ai nhớ.

Lâm Râu, chúng tôi gọi anh cái tên đó vì anh nhiều râu, và rầu. Anh Hà Nội một cách đặc biệt. Một Lâm Hà Nội mở lòng. Trên khuôn mặt anh, nhất là trong thẳm sâu đôi mắt nâu của anh luôn chất chứa một nỗi cảm thông, chia sẻ, một nỗi buồn.

Cũng như những thanh niên Hà thành (Nguyễn Lâm sinh ngày 10-8-1943 tại Hà Nội) anh mang phong cách hào hoa, tao nhã. Anh thích vẻ đẹp thiếu nữ tranh sơn dầu Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, anh lại thích chất sần sùi tranh sơn dầu Nguyễn Sáng… Anh mê văn Thạch Lam và mê văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam. Nguyên Hùng… Ở Nguyễn Lâm có một khối mâu thuẫn. Cái khách khí Bắc kỳ chộn lẫn với tính phóng khoáng Nam bộ và ít nhiều là chất châm chọc hài hước miền Trung…

Nguyễn Lâm là gương tự học tự tiến thân của một lớp thanh niên Hà Nội. Anh sớm tự học tiếng Nga để dịch cuốn truyện thiếu nhi nổi tiếng “Vichia Malêep ở nhà và ở trường” (được tái bản nhiều lần) mà có thời là sách gối đầu giường của học sinh, thiếu nhi. Nguyễn Lâm còn dịch nhiều nữa. Sau giải phóng, bằng sự kiên trì và sự nhạy cảm, anh lao vào học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Hoa…

Nguyễn Lâm có tư chất là một nghệ sĩ trong lòng bạn hữu. Anh yêu cái đẹp và suốt đời lận đận đi tìm cái đẹp thuần khiết. Hạnh phúc không mỉm cười với anh, thành công cũng chưa đến với anh… Nguyễn Lâm buồn càng buồn hơn. Vốn ít nói… ít ai biết Lâm nghĩ gì, buồn gì… Chỉ biết anh là một người lao động hết mình, yêu hết mình và làm thơ cũng hết mình, man dại.

Năm ngoái, khi anh Hà Cận chết Nguyễn Lâm tủm tỉm cười: “Tạm biệt nhé và nếu là lần cuối”...

Và lần cuối của Nguyễn Lâm đã đến thật rồi! 

VŨ ÂN THY

Tin cùng chuyên mục