Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc… và đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên qui mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay. Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, qua Hội nghị này, các nghị sĩ sẽ chia sẻ kinh nghiệm, những bài học quan trọng rút ra từ mỗi nước và hơn cả là sáng kiến về sự phối hợp giữa các nước nhằm tối ưu hóa và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia và nghị viện thành viên ASEAN, qua đó nâng cao vai trò vị thế của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với Covid-19, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Đề cập cụ thể đến vấn đề vaccine ngừa dịch bệnh Covid-19, bà Nin Saphon, đại diện đoàn Campuchia cho rằng, phải coi đây sản phẩm hàng hoá mà mọi người đều có thể tiếp cận được một khi được khẳng định tính hiệu quả và sản xuất đại trà. “Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, các quốc gia đơn lẻ không thể tự mình chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội nhanh chóng”, bà nói.
Trong khi đó, ông Ichsan Firdaus, đại diện đoàn Indonesia nhấn mạnh đến cơ hội nâng cao sức chống chịu và tự cường đối với ASEAN, trong đó thúc đẩy, quảng bá du lịch an toàn trong ASEAN là một giải pháp. Ông Ichsan Firdaus phát biểu: “Đây cũng là thời cơ chúng ta cân nhắc lại sự tăng trưởng của mình, xây dựng lại nền kinh tế. Chúng ta không được quyền chối bỏ các cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nếu không khu vực sẽ tụt lại phía sau so với toàn thế giới”.
Đại diện đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, với việc quán triệt nguyên tắc“chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh”.
“Trong thành công chung đó, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò đảm bảo hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19 (giãn cách xã hội, cách ly người bệnh, người nhập cảnh 14 ngày, …) ; thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Cơ quan lập pháp cũng đã thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ Điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai nêu rõ.
Sau khi thảo luận, góp ý, các đại biểu đã thông qua dự thảo Nghị quyết chung của Hội nghị. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình ra Phiên họp toàn thể thứ 2 của Đại hội đồng AIPA 41.