Tàu Cần Giờ bị tạm giữ ở Tanzania

Vẫn chưa được giải quyết!

Vẫn chưa được giải quyết!

Vụ tàu Cần Giờ, trên đó có 12 thuyền viên bị tạm giữ tại cảng Dar Es Salaam, Tanzania từ ngày 27-7 đến nay ngày càng đi vào ngõ cụt. Đó là nhận định bi quan của thuyền trưởng tàu Cần Giờ email về Công ty Liên doanh vận tải thủy Sea Sài Gòn (Sea Saigon Shipping) ngày 6-12. Email trên có đoạn: “Không biết bao giờ vụ việc mới được giải quyết dứt điểm; chúng tôi còn phải chờ đợi thêm thời gian bao lâu nữa…”.

Vẫn chưa được giải quyết! ảnh 1

Các thuyền viên bị tạm giữ trên tàu Cần Giờ. Ảnh: C.T.V.

Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc Sea Saigon Shipping, sau khi Tổng thống Tanzania sang thăm Việt Nam (đầu tháng 12-2004), Đại sứ quán Đan Mạch tại VN báo cho biết, Chính phủ VN đã đặt vấn đề này và Tổng thống Tanzania có hứa khi về nước sẽ đề nghị ngành tư pháp nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ này. Tuy nhiên, hy vọng việc giải quyết tàu Cần Giờ bằng đường ngoại giao ngày càng xa vời. Vì ngay sau khi vụ việc xảy ra Đại sứ quán VN tại Tanzania đã có công hàm gửi Bộ Ngoại giao và Tòa án tối cao Tanzania, chuyển công hàm của Bộ Ngoại giao VN gửi Bộ Ngoại giao Tanzania, đồng thời chuyển thư của Bộ trưởng Bộ Thương mại (TM) VN cho Bộ trưởng Bộ TM Tanzania và gặp nhiều quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ TM và Cố vấn Tổng thống Tanzania. Phía Tanzania tỏ ý làm tiếc vì đã xảy ra vụ việc, nhưng cho rằng đây là phán quyết của tòa án, chính phủ không thể can thiệp.

Đại sứ quán Đan Mạch tại Tanzania cũng lên tiếng (Đan Mạch là 1 trong 10 nước viện trợ không hoàn lại nhiều nhất cho Tanzania, khoảng 70 triệu USD/năm)… Nhưng tất cả đều không hiệu quả. Tòa án tối cao Tanzania sau 12 lần trì hoãn, tại phiên thứ 13 ngày 8-10, tiếp tục ra phán quyết: giữ tàu Cần Giờ để chờ giải quyết việc Mohamed Enterprises Tanzania Limited (METL) mất 6.000 tấn gạo năm 1999 với Công ty Thanh Hòa.

Sau khi có phán quyết của Tòa án tối cao Tanzania, ngày 2-11, đại diện Sea Saigon Shipping tại Tanzania đưa đơn kiện lại METL tại Tòa án Thương mại, với hy vọng tòa này có thể khách quan hơn. Tòa TM Tanzania để METL 20 ngày chuẩn bị. Ngày 22-11, sau khi nghe trình bày, Tòa TM chấp nhận yêu cầu bị đơn (METL), theo đó, phía nguyên đơn (Sea Saigon Shipping) phải đóng 500.000 USD tiền thế chân. Lý do: nguyên đơn không cư ngụ, không là công dân Tanzania. Luật sư Sea Saigon Shipping tại Tanzania đã phản tố lên Tòa TM Tanzania, vì tàu Cần Giờ bị giữ (giá trị trên 1,05 triệu USD) đã là tài sản thế chấp. Theo thông tin mới nhất, Tòa TM yêu cầu Sea Saigon Shipping nộp 10.000 USD án phí và giải quyết trước ngày 15-12. Ngày 6-12, Sea Saigon Shipping đã chuyển số tiền trên vào tài khoản Tòa TM. Tòa TM thông báo sẽ giải quyết vào ngày 15-12. Nhưng sau đó dời lại ngày thứ sáu, 17-12 (lại ngày thứ sáu như những lần hẹn của Tòa tối cao). Trước tình hình này Sea Saigon Shipping nhận định không hy vọng điều tốt đẹp.

Trước đó, Sea Saigon Shipping nhờ Hội Bảo hiểm miền Tây nước Anh (WOE) đứng ra bảo lãnh tàu Cần Giờ bằng hình thức phát hành Thư bảo lãnh và Sea Saigon Shipping phải đóng tiền ký quỹ vài trăm ngàn USD. Đây là dạng bảo lãnh tín chấp trong quá trình xét xử, nhưng đến nay không thấy hồi âm. Trong khi đó, dư luận tại Tanzania khá bất lợi. Phía Sea Saigon Shipping muốn đưa số thủy thủ về nước do phải xa nhà quá lâu và đang bị áp lực, mệt mỏi, căng thẳng, nhưng không tuyển được thủy thủ VN khác sang thay thế. Lãnh đạo Sea Saigon Shipping cho rằng, khả năng bỏ tàu là điều có thể phải đặt ra trong thời gian tới. Thiệt hại từ vụ bắt giữ đã trên 600.000 USD.

Theo Tổng Giám đốc Sea Saigon Shipping, Henrik N. Andersen, vấn đề sẽ tiếp tục bế tắc nếu không có cách tiếp cận và hướng giải quyết khác. Đây là tranh chấp kinh tế, nên phải giải quyết bằng biện pháp kinh tế, không thể giải quyết bằng đường ngoại giao. Chính phủ VN nên tổ chức cuộc họp giữa Bộ Thương mại, Ngoại giao, Giao thông Vận tải, cùng với Công ty Thanh Hòa, Sea Saigon Shipping và những liên can khác để có phương án giải quyết lại vụ việc giữa Công ty Thanh Hòa với METL.

Những tranh chấp kiểu này trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Do vậy, cần chuẩn bị trước những vụ kiện, tranh chấp quốc tế để có biện pháp bảo vệ uy tín đất nước và quyền lợi công dân khi xảy ra tranh chấp ở các nước.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục