Văn hóa và nhân tính

Trong lần gặp gỡ gần 400 đảng viên trẻ vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thông điệp hệ trọng không chỉ cho những đảng viên trẻ mà cho toàn bộ đất nước: “Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc”.
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng tại TPHCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng tại TPHCM. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Nhân loại chỉ được xác lập để phân định với thế giới hoang thú là từ khi văn hóa xuất hiện. Văn hóa là thước đo duy nhất để xác định nhân tính. Thế giới đang thay đổi với những bước đi khổng lồ của công nghệ. Đến một ngày nào đó, một robot “trí tuệ nhân tạo” có thể thực thi nhiều công việc chính xác và hiệu quả hơn một con người. Nhưng cho dù “trí tuệ nhân tạo” có thông minh đến đâu, vẫn chỉ là sản phẩm kỹ thuật của con người mà thôi. Sản phẩm trí tuệ nhân tạo này chỉ có thể giúp con người thực thi những công việc mang tính kỹ thuật chứ không thể thay thế con người để rung cảm và suy tưởng về đời sống vũ trụ này, để hình thành những hành vi nhân tính của mình. Một hiện thực đầy thú vị cho thấy, các nhà sáng chế “trí tuệ nhân tạo” đang nỗ lực tìm cách làm cho những sản phẩm máy của mình có thể có được những cảm nhận nào đó của con người như: buồn, vui, yêu ghét… Điều đó cho thấy: Khát vọng lớn nhất của kỹ thuật, của công nghệ khoa học, cuối cùng vẫn là tìm đến những khả năng vô hình nhưng vô cùng kỳ diệu. Đó là tâm hồn hay nói cách khác đó là những hành vi nhân tính.

“Đức” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói đến là yếu tố duy nhất quyết định mọi hành vi của một cá nhân với một cá nhân khác và với cộng đồng của mình. Ước mơ lớn nhất của nhân loại là xây dựng một thế giới của tình yêu thương, sự chia sẻ, lòng vị tha và sự dâng hiến. Đó chính là một thế giới được bao phủ bởi toàn bộ không gian văn hóa. Trước những suy thoái trầm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên thì thông điệp về “Đức” quan trọng hơn bao giờ hết cho một tổ chức chính trị cao nhất và đặc biệt cho sự cân bằng và phát triển của đất nước. 

Người giữ vị trí quan trọng trong xã hội mà là kẻ bất hiếu, không tình yêu thương, không biết chia sẻ, vô cảm, tham lam, dối trá… thì người đó chỉ phục vụ cho chính anh ta mà thôi. Từ đó, anh ta sẽ trở thành một thứ virus dịch hạch gây nên bất hạnh cho xã hội. Và như thế, bộ máy quản lý của bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ bị suy yếu và dẫn tới sụp đổ.

Có một nguyên lý sống như một chân lý mà chúng ta phải thấu hiểu là: để vứt một cọng rác, chửi tục một câu nơi công cộng chỉ mất 10 giây. Nhưng để một người đi qua cúi xuống tự giác nhặt cọng rác bỏ vào thùng rác, để mỉm cười với một người qua đường, để nói lời cám ơn hay xin lỗi một ai đó nơi công cộng, để chìa tay giúp đỡ một người cơ nhỡ… phải mất 100 năm. 100 năm chính là thời gian để hình thành một hành vi văn hóa. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Nếu một quốc gia không trồng được Người thì quốc gia đó sẽ dần dần tàn lụi. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là một nghị quyết sống còn cho đất nước. Đặc biệt là trong thời điểm này, khi mà sự cảnh báo về nhân tính đã ở mức cao nhất.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những nghị quyết về tổ chức phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở. Điều đó cho thấy sự cấp bách của văn hóa như một nền tảng cho mọi hành vi của con người nói chung và của những người làm công tác quản lý đất nước nói riêng. Chúng ta có những chuyên gia làm luật, những nhà nghiên cứu văn hóa, những nhà tổ chức xã hội… đủ để soạn thảo ra một cách đầy đủ các bộ quy tắc và các chế tài đối với việc xây dựng đời sống văn hóa công sở. Nhưng những bộ quy tắc và các chế tài ấy sẽ không có hiệu quả khi ý thức văn hóa trong mỗi con người không có. Hai mươi năm trước, có một số phụ huynh nói với tôi, các nhà văn hãy viết cho con em họ một cuốn cẩm nang nói về các cạm bẫy trong cuộc đời để bước vào cuộc sống chúng có thể tránh được. Nếu các nhà văn viết một cuốn cẩm nang có 1.000 cạm bẫy thì khi ra đời, chúng gặp cái cạm bẫy thứ 1.001 chúng sẽ gục ngã. Chỉ khi trong con người chúng có một nền tảng mỹ học và chủ nghĩa nhân văn, chúng sẽ đủ khả năng xác định được đâu là Thiện, đâu là Ác thì chúng sẽ có thể vượt qua tất cả những cạm bẫy trong cuộc đời chúng. Để được như vậy, việc giáo dục mỹ học và chủ nghĩa nhân văn là điều duy nhất giúp con người ở mọi thời đại, mọi hoàn cảnh đi tới những hành vi nhân tính.

Khi con người biết rung cảm trước một vẻ đẹp thì sẽ tiến tới những hành động cho cái đẹp. Nếu trong tâm hồn ta nở một bông hoa, mặt đất sẽ nở những cánh đồng hoa. Nếu trong tâm hồn ta tàn phá hay vô cảm trước một cái cây, trên mặt đất những cánh rừng sẽ bị tàn phá. Cách đây mấy chục năm, người làng tôi đã dựng lại cổng làng xưa bị chiến tranh tàn phá. Những người già trong làng đã triệu tập cháu con mình và nói về khát vọng dựng lại cổng làng. Những người già của làng nói rằng, họ không dựng lại cái cổng làng bằng gạch bằng đá mà dựng lại những chữ khắc trên cổng có từ khi làng được thành lập. Dòng chữ đó là tinh thần sống, đạo lý sống của người làng. Dòng chữ đó là “Vọng tự nhập xuất” (nghĩa là Nhìn chữ mỗi khi ra vào). Chữ ở đây là văn hóa và việc ra vào là hành xử của con người đối với cuộc đời. Phải có văn hóa mới biết hành xử với con người, với thiên nhiên như thế nào. Dọc đường làng tôi có treo những tấm pano viết những câu nói của người làng về thơ ca và cuộc sống, một trong những câu nói đó là: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không nhìn thấy đường”. Khi không nhìn thấy đường thì chúng ta sẽ trở thành một kẻ mù lòa và lạc lối và rơi xuống vực sâu. Chữ ở đây là văn hóa. Không có văn hóa con người sẽ dần dần đánh mất nhân tính và thú tính sẽ xâm chiếm họ. Tôi đưa ra câu chuyện của một làng quê nhỏ bé như bao làng quê khác để muốn nói rằng, dù một cộng đồng nhỏ bé nhất là làng từ xa xưa thì văn hóa luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định mọi giá trị của đời sống con người.

Chưa bao giờ, chúng ta phải chứng kiến mức độ kinh hoàng của tội ác trong xã hội như bây giờ. Và chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến sự sa ngã đau đớn của không ít cán bộ đảng viên như những năm gần đây. Chúng ta không còn chiến tranh, không còn đói rét, nhưng văn hóa chúng ta đang bị phá vỡ. Chủ nghĩa vật chất và sự vô cảm đang từng ngày đe dọa và thách thức chúng ta. Nếu chúng ta không thiết lập lại một đời sống văn hóa thì chúng ta sẽ dần dần tàn lụi. Bởi thế, văn hóa - yếu tố duy nhất để sinh ra đức hạnh - lúc này là liều thuốc duy nhất để phục hồi lương tâm và cứu rỗi toàn bộ đời sống tinh thần của con người, và để ngăn chặn sự vô cảm, tham lam, dối trá đang hiện diện trong xã hội mà đôi khi nó xuất hiện một cách ngang nhiên thách thức lương tâm của con người.

Tin cùng chuyên mục