
Trung Quốc đã hoàn thành đập thủy điện Tam Hiệp (Three Gorges Dam), công trình thủy điện lớn nhất thế giới, được người Trung Quốc gọi là “Vạn lý Trường thành trên sông Dương Tử”. Đập Tam Hiệp được xây dựng xong sau 13 năm thi công, cao 185m, dài 2.309m. Để xây dựng đập Tam Hiệp, hơn 1 triệu dân đã phải sơ tán. Hồ chứa nước dài 660km, tổng diện tích 632km2 có sức chứa gần 40 tỷ m3 nước. Đập Tam Hiệp sẽ tạo thêm nguồn cung cấp điện, chống lũ lụt, điều tiết thủy lợi, nâng cấp giao thông trên sông và cải thiện môi trường, trong đó tác dụng chống lũ lụt được đặc biệt nhấn mạnh.

Ông Li Yong An, Tổng công trình sư đập thủy điện Tam Hiệp, cho biết ước mơ ngàn đời của nhân dân Trung Quốc trị thủy con sông Dương Tử, con sông từng gây bao tai họa tang thương đã được thực hiện. Kể từ năm 2003, nước đã bắt đầu chảy vào lòng hồ. Mỗi ngày mực nước tăng lên từ 1m đến 2m. Hiện nay, mực nước trong hồ cao 135m, ước tính 39 tỷ m3.
Dự kiến vào năm 2008, với 26 tổ máy phát điện, công suất mỗi tổ 700.000kW, Nhà máy thủy điện Tam Hiệp sẽ có tổng công suất 18.200 megawatt, có thể cung cấp mỗi năm 84,7 tỷ kWh điện. Thủy điện Tam Hiệp có công suất lớn hơn cả thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay của Brazil là Itaipu với 12.600 megawatt, 26 tổ máy.
Xây dựng đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Đó là: một, quyết đoán. Trước, trong và ngay cả sau khi hoàn công, công trình này bị không ít chuyên gia trong và ngoài nước chỉ trích như là tốn kém, thảm họa môi trường, dễ bị tấn công quân sự…
Một số người cho rằng công trình đã phá hủy nhiều kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ và di chỉ khảo cổ quan trọng cũng như tác động xấu đến môi trường sinh thái. Nhưng Chính phủ Trung Quốc đã cân nhắc lợi hại và quyết tâm đầu tư xây dựng.
Năm 1992, Quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua dự án xây dựng đập sau nhiều năm tranh luận và nghiên cứu. Thực tế đã chứng tỏ, việc xây dựng con đập không làm cản trở hoàn toàn các phương tiện vận tải qua lại trên sông. Tàu có trọng tải vừa và nhỏ sẽ được chuyển qua đập bằng thang máy trong khi tàu lớn hơn đi qua 5 đường cống khác nhau.
Hai: Công trình này mở ra hướng tư duy phát triển mới, mạnh dạn huy động mọi nguồn vốn của nhà nước, tư nhân và nước ngoài. Chính phủ Trung Quốc cho biết toàn bộ chi phí dự án là 203,9 tỷ Nhân dân tệ (25,2 tỷ USD, nhưng một số nước châu Âu cho rằng phải từ 40 đến 50 tỷ USD), trong đó 50% là vốn nhà nước, còn lại là vốn vay của nước ngoài và vốn tư nhân.
Ba: thủy điện là hướng phát triển đúng của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu nhiều thứ hai thế giới. Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chiến lược thay thế nguồn năng lượng để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng, tiếp tục duy trì nền kinh tế phát triển với tốc độ cao.
DÂN TRÍ (Theo ChinaDaily, BBC, THX)