Vẫn phải chờ thiết bị giám sát nguồn phóng xạ

Vẫn phải chờ thiết bị giám sát nguồn phóng xạ

Theo Sở KH-CN TPHCM, những năm gần đây, việc đưa các thiết bị chứa nguồn phóng xạ vào sử dụng trong các lĩnh vực tại Việt Nam ngày càng nhiều: công nghiệp, y tế, nghiên cứu đào tạo, ứng dụng bức xạ trong kinh doanh vàng bạc. Bên cạnh đó là các cơ sở dịch vụ năng lượng nguyên tử, cơ sở hạt nhân và riêng tại TPHCM có hơn 200 cơ sở sử dụng thiết bị chứa nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, việc sử dụng ngày càng nhiều thiết bị chứa nguồn phóng xạ vào hoạt động vẫn còn nhiều thiếu sót trong quản lý, có thể dẫn đến nguy hiểm cho xã hội.

Thiết bị giám sát nguồn phóng xạ do ICDREC thiết kế và chế tạo.

Năm 2012, trong Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Seoul (Hàn Quốc), Việt Nam, Hàn Quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xem xét và thống nhất triển khai dự án RADLOT - Dự án thí điểm thiết lập hệ thống định vị nguồn phóng xạ. Năm 2014, Việt Nam, Hàn Quốc và IAEA đã ký văn kiện hợp tác nhằm triển khai chính thức tại Việt Nam dự án RADLOT. Đây là hệ thống giám sát các thiết bị chiếu xạ NDT sử dụng nguồn phóng xạ theo thời gian thực dựa trên các thông tin định vị thu thập từ GPS. Hệ thống này với mục tiêu: Giám sát, theo dõi vị trí, sự di chuyển của các nguồn bức xạ; xác nhận mức phóng xạ, điều kiện của các thiết bị đầu cuối một cách chính xác; truy tìm và thu hồi các nguồn bức xạ nhanh chóng trong trường hợp thất lạc hoặc bị đánh cắp. Hệ thống này phát triển từ năm 2004 - 2005 và được đưa vào hoạt động năm 2006 ở nhiều nơi… 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong những năm gần đây, quản lý các thiết bị phóng xạ trong nước đã xảy ra một số sự cố liên quan như: báo động nguồn giả; phát hiện nguồn phóng xạ nằm ngoài tầm kiểm soát; kẹt nguồn, rơi nguồn; bị đánh cắp nguồn phóng xạ…Với việc thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng càng nhiều trong các lĩnh vực như công nghiệp,  y tế, hải quan... thì công tác quản lý các thiết bị này trở nên quan trọng. Đặc biệt sau sự cố mất nguồn phóng xạ tại Công ty APAVE vào tháng 9-2014 đã cho thấy những khác biệt trong hệ thống, thiết bị  giám sát nguồn phóng xạ.

Trước vấn đề cấp bách này, tại Thông báo số 110/TB-VP ngày 30-1-2015 của Văn phòng UBND TPHCM từ cuộc họp về việc thực hiện gắn thiết bị giám sát nguồn phóng xạ đã giao Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch  (ICDREC) phối hợp Sở KH-CN khảo sát và gắn thiết bị định vị phóng xạ (loại không đo liều phóng xạ). Đến nay ICDREC đã hoàn thành thiết kế và chế tạo mẫu 2 phiên bản thiết bị đảm bảo các điều kiện kỹ thuật do Bộ KH-CN quy định. Trong đó, phiên bản 1 định vị và giám sát vị trí, hành trình nguồn phóng xạ và phiên bản 2 có bổ sung khả năng giám sát suất liều phóng xạ. Trung tâm đã hoàn thành phần mềm phục vụ thử nghiệm hệ thống. Thiết bị có các đặc tính giám sát vị trí nguồn phóng xạ theo cả 2 công nghệ GPS + Cell ID; giám sát hành trình khi nguồn phóng xạ di chuyển; giám sát suất liều nguồn phóng xạ tại nơi lắp đặt thiết bị; cảnh báo khi thiết bị giám sát bị tháo gỡ khỏi nơi lắp đặt; cảnh báo khi không còn tồn tại nguồn phóng xạ…

Đây là  hệ thống hoàn toàn do trong nước phát triển, làm chủ sản phẩm từ phần cứng cho đến phần mềm và đặc biệt là sử dụng chính chip do Việt Nam thiết kế và phát triển - Chip SG8V1. Hiện Sở TT-TT, Sở KH-CN cùng ICDREC đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý và giám sát nguồn phóng xạ để sớm đưa thiết bị - hệ thống vào vận hành với kỳ vọng ứng dụng cho tất cả các thiết bị nguồn phóng xạ trên cả nước, thay thế thiết bị ngoại nhập từ phần cứng đến phần mềm.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục