Vận tải đường sắt kinh doanh khởi sắc

Mặc dù đang rất chật vật trong việc cạnh tranh với vận tải đường bộ, hàng không nhưng với những nỗ lực nâng cấp chất lượng dịch vụ trong thời gian gần đây, ngành đường sắt đang dần xóa đi ấn tượng về một ngành vận tải cổ lỗ cả về công nghệ, hạ tầng, cơ chế, bộ máy...

Xe lửa di chuyển qua TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xe lửa di chuyển qua TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), trong khi chờ đầu tư đường sắt tốc độ cao với tổng vốn 64,9 tỷ USD, tuyến đường sắt hiện hữu vẫn cần được khai thác hiệu quả.

Những tín hiệu bất ngờ

Hai doanh nghiệp vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn vừa bất ngờ báo lãi hơn trăm tỷ trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn công bố đạt doanh thu hơn 1.358 tỷ, lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng, bằng 210% so với cùng kỳ. Tương tự, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng công bố, doanh thu đạt hơn 1.912 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 97 tỷ, tăng 177,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Những con số này là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp vận tải đường sắt. Bởi trong giai đoạn từ năm 2019-2021, vận tải đường sắt đã gần như rơi xuống đáy, thậm chí có thời điểm đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu do tình trạng “lỗ chồng lỗ”. Tình trạng bi đát khiến các công ty vận tải đường sắt đều thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt, trong đó Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội có vốn điều lệ là 801 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 421 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn có vốn điều lệ là 503 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 113 tỷ đồng.

Tổng hợp: MINH DUY
Tổng hợp: MINH DUY

Trong bối cảnh đó, ngành đường sắt đã rất nỗ lực để vượt khó, cải thiện hình ảnh của mình. Cùng với những đoàn tàu du lịch 5 sao đã được khai thác như tàu SE3/4 tuyến Hà Nội - TPHCM, tàu STN2 tuyến Sài Gòn - Nha Trang, tàu Victoria Express tuyến Hà Nội - Sa Pa… mới đây, đôi tàu chất lượng cao tuyến Hà Nội - Đà Nẵng mang số hiệu SE19, SE20 đã được ra mắt. Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN, cho biết, đường sắt Bắc - Nam được trang cẩm nang du lịch Lonely Planet xếp vị trí đứng đầu danh sách những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới, đó là một lợi thế cần được khai thác. Do đó, các đơn vị vận tải đã tập trung nâng cấp dịch vụ để thu hút khách khu lịch trên tuyến này.

Theo ghi nhận từ phía hành khách, việc cập nhật công nghệ mới đã giúp hành khách có thêm trải nghiệm, như có thể quét mã QR để truy cập vào trang web bán hàng tìm mua đặc sản vùng miền của 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Ngành đường sắt còn khiến nhiều hành khách bất ngờ khi mới đây, ga Hà Nội và một số ga lớn đã đưa vào khai thác phòng đợi VIP, có lối ra ga, lên tàu riêng. Cùng với đó, các dịch vụ xe đưa đón khách tại nhà cũng tiếp tục được triển khai. Nhiều hành khách cũng bày tỏ sự ngạc nhiên khi sự nhếch nhác, ô nhiễm dọc tuyến đường sắt đã giảm dần, thay bằng hình ảnh đẹp đường tàu, đường hoa, một phong trào mới được ngành đường sắt phát động và nhiều địa phương hưởng ứng từ đầu năm 2023.

Xe lửa di chuyển song song trên trục đường Kha Vạn Cân TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Xe lửa di chuyển song song trên trục đường Kha Vạn Cân TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cần giải pháp căn cơ

Mặc dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, ngành đường sắt vẫn chưa thể cạnh tranh được với các phương thức vận tải như đường bộ, hàng không. Trong khi chờ đầu tư đường sắt tốc độ cao, ngành đường sắt vẫn cần đứng vững để giữ vị thế là ngành vận tải trọng yếu của đất nước, và giải pháp căn cơ là cần đầu tư nâng cấp hạ tầng.

Hiện Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Nha Trang - Sài Gòn (tổng mức đầu tư 1.098 tỷ đồng) đang triển khai thi công 2 gói thầu xây lắp thay đá, tà vẹt, ray tại 8 khu gian, đã hoàn thành gần 80% khối lượng. Các gói thầu còn lại nâng cấp ga Sóng Thần, Dĩ An đang thực hiện bước thiết kế kỹ thuật. Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Hà Nội - Vinh (tổng mức đầu tư khoảng 811 tỷ đồng) đang thi công gói thầu xây lắp 1, gồm cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Hà Nội - Thanh Hóa; thay ray, tà vẹt, đá tại các khu gian Thường Tín - Chợ Tía, Ninh Bình - Cầu Yên, Đồng Giao - Bỉm Sơn và thi công cầu tại Hà Nam... Còn Dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Vinh - Nha Trang (tổng mức đầu tư 1.189 tỷ đồng) đang rốt ráo chuẩn bị để sớm khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành năm 2025.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, việc đầu tư nâng cấp về hạ tầng là cơ sở để ngành đường sắt nâng cấp chất lượng dịch vụ, cả về vận tải hành khách và vận tải hàng hóa. Nếu như vận tải hành khách đã ghi được nhiều dấu ấn trong thời gian gần đây thì vận tải hàng hóa đường sắt cũng đã có nhiều khởi sắc. Sắp tới, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa, tăng cường vận tải container, bước đầu vận chuyển container nông sản theo mùa phục vụ xuất khẩu như vải thiều và tích cực tham gia vào chuỗi logistics. Giá cước vận tải cũng được điều chỉnh linh hoạt theo tùy cự ly, thời điểm để thu hút khách hàng.

Đặc biệt, ngành đường sắt đặt mục tiêu là đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các địa phương trong vận chuyển hàng hóa. Dự kiến, hệ thống đường sắt Việt Nam sẽ có 8 ga khai thác liên vận quốc tế, gồm Đồng Đăng, Lào Cai, Yên Viên, Kép, Sóng Thần, Kim Liên (Đà Nẵng), Diêu Trì (Bình Định), Trảng Bom (Đồng Nai). Hiện ngành đường sắt và tỉnh Hải Dương cũng đang xúc tiến để tổ chức ga Cao Xá làm ga liên vận. Tại các ga này, hàng hóa sẽ được ngành hải quan kiểm tra, làm thủ tục thông quan, kẹp chì niêm phong và sau đó chỉ cần khai báo khi tới biên giới, giúp tiết kiệm 30% thời gian, 25% chi phí so với trước. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2025, tất cả các ga hoạt động liên vận quốc tế sẽ được đầu tư cải tạo các hạng mục đường đón gửi tàu, xếp dỡ, thông quan, đường bộ kết nối vào bãi hàng. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt trung bình 6%/năm. Dự báo khối lượng vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế đến năm 2030 đạt khoảng 4-5 triệu tấn/năm.

Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050, ngành đường sắt sẽ xây mới các tuyến nhằm kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay, đầu mối đường sắt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, các tuyến đường sắt hiện hữu vẫn sẽ tiếp tục được cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.

Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN giai đoạn 2021-2025, ngành đường sắt triển khai 8 dự án về hạ tầng với số vốn khoảng 9.580 tỷ đồng, trong đó 2 dự án sử dụng vốn ODA và 6 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Riêng trong quý 1-2023, đã có 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được khởi công, gồm dự cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - Sài Gòn giai đoạn 2.

Tin cùng chuyên mục