
Chưa bao giờ sản phẩm xi măng lại xuất hiện trên thị trường đa dạng như hiện nay. Các công ty liên doanh xi măng xin phép mở rộng các dự án sản xuất, nhiều địa phương trong cả nước vẫn tiếp tục xin triển khai các dự án sản xuất, trong khi đó sản phẩm này được dự báo thừa vào năm 2009…
Mất cân đối đầu tư vùng miền
Tổng công suất các nhà máy xi măng hiện nay của cả nước ta vào khoảng 33 - 34 triệu tấn/năm. Hiện các địa phương đang triển khai 40 dự án xi măng lò quay với tổng công suất 42 triệu tấn/năm, chủ yếu tập trung ở trung du miền núi phía Bắc và miền Trung. Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng đến năm 2010 bằng Quyết định 108/2005/QĐ-TTg ngày 16-5-2005.
Theo đó, ngành công nghiệp xi măng từng bước xóa công nghệ xi măng lò đứng, cân đối cung cầu và rà soát tất cả dự án xi măng trong cả nước. Tuy nhiên trong thực tế, các dự án xi măng vẫn triển khai tràn lan.

Một loạt các liên doanh xi măng vừa được Chính phủ cho phép mở rộng công suất như: Holcim, Phú Sơn, Nghi Sơn, Chinfon, Luckvaxi… Mới đây, thêm một dự án xi măng Đông Thanh vừa được khởi công tại KCN Nhơn Trạch - Đồng Nai với công suất 1 triệu tấn/năm. Trước đó, cũng tại Nhơn Trạch, Tập đoàn Lafarge vừa cho ra đời sản phẩm xi măng Lavilla với công suất ban đầu 500.000 tấn/năm.
Chỉ tính riêng KCN Hiệp Phước - Nhà Bè, hiện có 6 dự án xi măng đang triển khai: Cotec, Thăng Long, Nghi Sơn, Chinfon, Phương Nam, Hạ Long. Dự án xi măng Tây Ninh công suất 1,5 triệu tấn/năm và Nhà máy Xi măng Bình Phước, với tổng vốn đầu tư trên 308 triệu USD cũng đang được gấp rút triển khai.
Song song với việc đầu tư các nhà máy xi măng hợp nhất từ nguyên liệu đến nung luyện clinker và nghiền xi măng, hàng loạt trạm nghiền riêng biệt với tổng công suất khoảng 4 triệu tấn/năm cũng ra đời.
Bên cạnh các dự án này, các nhà máy xi măng hiện có cũng không ngừng nâng cao công suất, cải thiện chất lượng làm cho thị trường xi măng trong nước bước vào cuộc cạnh tranh hết sức gay gắt.
Sản phẩm xi măng trong nước hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội và các dự án xi măng được đầu tư mất cân đối vùng miền. Bình quân mỗi năm khu vực phía Nam thiếu khoảng 3 - 4 triệu tấn xi măng. Điều tiết sản phẩm xi măng bằng các phương tiện vận chuyển là rất tốn kém và vì vậy, các nhà đầu tư nhắm vào thị trường tại chỗ phía Nam.
Rất khó cạnh tranh xuất khẩu
Theo tính toán, phát triển ngành công nghiệp xi măng từ nay đến năm 2010 cần khoảng 4,2 tỷ USD vốn huy động từ nhiều nguồn. Tuy nhiên, chỉ cần vài năm nữa thôi, xi măng của nước ta sẽ dư thừa. Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Văn Thiện nhìn nhận: “Hiện nay, về cơ bản chúng ta đã đáp ứng gần đủ nhu cầu. Mỗi năm, công nghiệp xi măng phải nhập khẩu thêm khoảng 4 -5 triệu tấn clinker bằng 12% tổng sản lượng. Đến năm 2010, sản phẩm xi măng cung sẽ lớn hơn cầu…”.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hạn chế cấp phép cho các dự án mới sản xuất xi măng và khuyến cáo các địa phương cần phải có tầm nhìn về loại vật liệu xây dựng này. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, xi măng không được các nước chú trọng đầu tư thành ngành hàng xuất khẩu, bởi lẽ, sản xuất xi măng đồng nghĩa với việc tàn phá môi trường.
Một số tỉnh phía Bắc như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đã và đang triển khai nhiều dự án xi măng, khai thác cạn kiệt các mỏ đá vôi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. “Chỉ một thời gian rất ngắn nữa thôi, cung cầu sẽ được cân đối, chúng ta không phải nhập khẩu clinker và xi măng nữa, nhưng đã xuất hiện xu hướng chạy đua đầu tư xi măng ở các địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào như đá vôi, đất sét… và gần nguồn than để sản xuất xi măng” - ông Thiện lo ngại.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã khảo sát và tính toán rằng: “Đến năm 2010, theo cân đối cung - cầu, vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng sẽ thừa 5 triệu tấn xi măng, vùng Bắc Trung bộ sẽ thừa khoảng 8 triệu tấn, vùng Đông Bắc trên 5 triệu tấn… Và nếu cân đối cả nước thì lượng xi măng sẽ dư thừa khoảng 5 - 8 triệu tấn/năm!”. Vẫn còn đó bài học sâu sắc về việc đầu tư các dự án mía đường.
Đầu tư vào xi măng tốn kém nhiều, nhưng liệu sản phẩm này có trở thành ngành hàng xuất khẩu? Đại diện một tập đoàn xi măng liên doanh nói: “Xi măng có thể xuất khẩu được hay không phụ thuộc vào chất lượng và giá thành. Điều này, xi măng sản xuất trong nước hiện chưa đáp ứng được…”.
Trong gần 10 năm qua, giá thành xi măng trong nước vẫn ở mức “bình ổn” khá cao trong khu vực. Giá xi măng các nước Đông Nam Á dao động 55 - 65 USD/tấn, còn giá xi măng của Trung Quốc lại rẻ hơn bất cứ một chủng loại xi măng nào hiện có.
Suốt nhiều tháng qua, xi măng Trung Quốc đã tràn qua Việt Nam mỗi tháng khoảng 3.000 – 4.000 tấn đã làm cho ngành công nghiệp xi măng trong nước hết sức lúng túng. Chống chọi với sản phẩm nhập khẩu đã khó, đưa hàng đi xuất khẩu chắc chắn lại càng khó khăn hơn. Điều này đã báo trước những khó khăn của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam trong chặng đường sắp tới.
LÊ PHONG