
Ngày 21-4, khoảng 2 đến 3 tấn vàng sẽ về đến VN. Đến cuối tháng 4-2006, lượng vàng nhập khẩu vào VN sẽ đạt 14 tấn. Đó là những thông tin chúng tôi nhận được từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại TPHCM vào chiều 20-4. Do 1 tấn vàng tương đương 26.600 lượng và với công suất dập ở mức 6.000 - 7.000 lượng vàng SJC/ngày của Công ty Vàng bạc đá quý TP thì chỉ 1-2 ngày nữa, vàng miếng sẽ vượt xa nhu cầu tiêu thụ tại TPHCM và trong cả nước.

Đến 18 giờ ngày 20-4, giá vàng niêm yết tại Công ty Thương mại kim hoàn Thanh Niên là 1,350 triệu đồng/chỉ. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, đại diện Hội đồng Vàng thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Ủy viên BCH Hiệp hội Kinh doanh vàng, với lượng vàng nhập về như trên, giá vàng trong nước thời gian tới sẽ chựng lại và có khả năng giảm xuống ngang với giá thế giới. Theo các nhà kinh doanh vàng, nếu giá vàng thế giới ở mức 645 USD/ounce thì giá vàng ngang bằng với giá trị thực được bán ra trong nước sẽ là 12,4-12,5 triệu đồng/lượng.
Cũng theo ông, mấy ngày qua, giá vàng Việt Nam tăng mạnh (1 triệu đồng/lượng/ngày) là do nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lo là yếu tố tâm lý của người tiêu dùng VN “bị đột biến” đã góp phần tạo ra cơn sốt không đáng có.
Cũng từ việc giá vàng lên cơn sốt, nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng ở TPHCM lại tái bức xúc vì những chuyện đã khá cũ! Theo tin chúng tôi nhận được, có nhiều doanh nghiệp có quota nhập vàng đã không thể nhập vàng từ chiều 19-4 vì các bạn hàng bán vàng của ta ở nước ngoài không kịp gia công chuyển vàng khối sang vàng hạt bán cho khách hàng Việt Nam theo yêu cầu!

18 giờ chiều 20-4, giá bán vàng ở tiệm vàng Kim Dung (quận 1, tphcm) là 1,36 triệu đồng/chỉ.Ảnh: Đ.TH.
Việc chỉ được nhập vàng hạt mà không được nhập vàng khối là một bất hợp lý mà các DN kinh doanh vàng đã kiến nghị thay đổi từ lâu nhưng chưa được giải quyết bởi việc gia công từ vàng khối sang vàng hạt khiến thời gian giao nhận hàng của các DN bị kéo dài, lại phải tốn thêm phí. Chưa kể hiện nay, khi các DN chỉ có quota nhập khẩu vàng hạt thì nhà nước lại giảm thuế cho vàng khối nhập khẩu còn vàng hạt thì giữ nguyên mức thuế cũ cao hơn!
Theo các chủ DN kinh doanh vàng, nếu không vướng quy định chỉ được nhập vàng hạt thì những ngày qua, việc cung ứng vàng cho thị trường đã không rơi vào tình trạng thiếu so với cầu và nhiều khả năng giá vàng đã không “sốt cao” như vậy. Cách nay 3 tháng, Hiệp hội Kinh doanh vàng làm văn bản kiến nghị gởi Thủ tướng Chính phủ đề nghị sửa đổi quy định này và mới đây, khi giá vàng “nhảy múa” tưng bừng và vàng “cung không đủ cầu”, các DN nhắc lại kiến nghị trên thì một vị đại diện Bộ Tài chính đã trả lời phải đến đầu tháng 6-2006 mới có văn bản cho phép thực hiện!
Trong khi giá vàng thế giới dự báo sẽ còn biến động và tất nhiên cũng sẽ kéo theo sự biến động của giá vàng trong nước thì việc chậm sửa đổi một qui định bất hợp lý đã tồn tại khá lâu và có ảnh hưởng nhất định đến sự bình ổn thị trường vàng trong nước liệu có chấp nhận được?
HÀM YÊN – ĐÀM THANH
Vàng từng vượt ngưỡng 14 triệu đồng/lượng Ngày hôm qua (20-4), giá vàng trong nước tiếp tục tăng - giảm thất thường. Tại Hà Nội, lúc 11 giờ sáng, giá vàng 999,9 được công bố tại Công ty Bảo Tín – Minh Châu là 1,415 triệu đồng/chỉ, tăng hơn cuối ngày hôm trước 120.000 đồng/chỉ (mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua). Cũng trong buổi sáng, giá vàng 999,9 trên thị trường tự do ở Hà Nội đều vượt qua mức 1,4 triệu đồng/chỉ. Trong khi đó, giá vàng tại Công ty Vàng bạc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam chỉ tăng đến mức 1,357 triệu đồng/chỉ. Giá vàng tăng chóng mặt nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua. Các công ty vàng bạc lớn tại Hà Nội đều áp dụng hình thức giao dịch qua giấy tờ, hóa đơn và hẹn khách hàng sau 1-2 ngày mới đến lấy vàng. Buổi chiều, lượng khách đến mua vàng tại các cửa hàng không còn nhiều. Đến cuối ngày, giá vàng đã giảm xuống. Lúc 17 giờ chiều 20-4, giá vàng 999,9 của Bảo Tín – Minh Châu là 1,390 triệu đồng/chỉ; trong khi giá của Công ty Vàng bạc Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam là 1,352 triệu đồng/chỉ. Trên thị trường tự do, giá vàng 999,9 dao động 1,370 - 1,390 triệu đồng/chỉ trước giờ đóng cửa. Tại TPHCM, giá vàng ở mức 14 triệu đồng/lượng SJC lúc đầu ngày. Cuối ngày, giá còn 13,60 triệu đồng/lượng song vẫn cao hơn giá ngày 19-4 đến 600.000 đồng/lượng. Khác với mức giá bị đẩy lên do cầu tăng mạnh và hàng khan hiếm của ngày hôm trước, giá ngày 20-4 tăng cao chủ yếu do giá vàng thế giới trong ngày tăng vọt thêm 22 USD/ounce, một mức tăng chưa từng có trước đây khiến giá vàng thế giới bị đẩy đến mức 648 USD/ounce. Thật ra, với mức giá hiện nay, vàng trong nước đã vượt xa giá trị thực so với giá vàng thế giới. Để lách tình trạng hiếm hàng, không ít doanh nghiệp đã chọn cách chốt giá, khách giao tiền trước, nhận hàng sau. Riêng Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đã bán đến 1.800 lượng vàng trong ngày 20-4 theo kiểu đăng ký này. M.G. -Đ.T. |
Lời khuyên của các chuyên gia kinh tế
Thời gian qua, giá vàng thế giới tăng rất nhanh đã kéo giá vàng trong nước tăng đột biến. Nguyên nhân giá vàng tăng là do sự bất ổn về chính trị, nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Chính sự bất ổn này làm giá dầu tăng, trong khi giá trị đồng USD sụt giảm. Vào lúc này, nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới tìm đến vàng, đẩy giá mặt hàng này lên cao. Giá vàng ở Việt Nam tăng theo giá thế giới là điều bình thường, nhưng tăng như mấy ngày qua là không bình thường. Người dân đổ xô đi mua vàng sẽ khiến giá vàng tăng không do yếu tố thực. Đây là điều rất nguy hiểm. Theo tôi, trong thời điểm này, mua vàng là rất mạo hiểm vì giá vàng sẽ vẫn diễn biến khó lường. Có thể trong thời gian ngắn sắp tới, giá vàng còn tăng, nhưng nếu vì lợi nhuận trước mắt mà đầu tư vào vàng thì sẽ khiến giá vàng trở thành giá “bong bóng”. Đến lúc đó, không chỉ nguy hiểm cho nền kinh tế, mà còn nguy hiểm cho những người tích trữ vàng.
Trong mấy ngày qua, giá vàng trong nước tăng là tăng theo giá vàng thế giới, hoàn toàn không có yếu tố đột biến nào từ vấn đề tăng trưởng kinh tế trong nước. Hiện nay, ở trong nước giao dịch đất đai đang chững lại, có tính chất “đóng băng”, nên người dân sẽ chuyển hướng sang tích trữ kiểu khác và có thể tích trữ vàng. Khi nhu cầu tăng lên đột ngột mà nguồn cung chưa đáp ứng thì giá tăng mạnh. Giá vàng tăng mấy ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý, không gây biến động về kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất tốt. Vì thế, theo tôi, người dân không nên đổ xô đi mua vàng vào lúc này, bởi theo dự báo, biến động giá vàng sẽ chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và cũng không nên dùng vàng để làm vật ngang giá chung nữa mà nên dùng tiền VND thì tốt hơn.
Trừ khi có nhu cầu thực sự, còn nếu không, người dân nên lựa chọn công cụ phòng chống rủi ro về vàng mà các ngân hàng thương mại đã được phép áp dụng. Đó là dịch vụ “Quyền lựa chọn (option) vàng”. Đây là một dịch vụ bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng. Người mua option có quyền mua hoặc bán một số lượng vàng cụ thể với một mức giá đã ấn định trước tại một thời điểm cụ thể trong tương lai, sau khi đã trả một khoản phí (gọi là premium) cho người bán option ngay từ lúc ký hợp đồng. Người bán option có nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng theo các điều khoản đã thỏa thuận trước đó bất luận giá vàng trên thị trường diễn biến như thế nào khi người mua option muốn thực hiện quyền của mình. Thông thường, các ngân hàng hoặc các doanh nghiệp kinh doanh vàng là người bán option, còn khách hàng là người mua option. Trong thời điểm giá vàng đang biến động bất thường như hiện nay, không nên ồ ạt bỏ tiền ra mua vàng, mà nên tìm đến dịch vụ option vàng, nhất là những người có nhu cầu thanh toán bằng vàng trong tương lai. Với một giao dịch tối thiểu là 100 lượng vàng, kỳ hạn tối thiểu là 2 tuần, khách hàng có thể ký hợp đồng option vàng với các ngân hàng cung cấp dịch vụ. Khi sử dụng sản phẩm option vàng, người có nhu cầu về vàng trong tương lai có thể bảo đảm khả năng chi trả và tránh thua lỗ trước những biến động tăng của giá vàng mà vẫn có lợi khi giá vàng xuống, còn người bán thì một mặt luôn đảm bảo lợi nhuận dự kiến khi giá vàng xuống, mặt khác sẽ có lãi nhiều hơn khi giá vàng tăng. Hiện nay, có 4 ngân hàng đã triển khai dịch vụ option vàng, là Eximbank, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Sài Gòn Thương tín và Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (AGRIBANK). M.G. |