Đả tự viên và cái máy đánh chữ

Khoảng đầu thập niên 1980, mỗi khi đi vào tòa soạn thường nghe tiếng máy đánh chữ chạy rào rào, thỉnh thoảng nghe tiếng teng.

Khoảng đầu thập niên 1980, mỗi khi đi vào tòa soạn thường nghe tiếng máy đánh chữ chạy rào rào, thỉnh thoảng nghe tiếng teng.

Từng trang giấy chạy ra khỏi máy đánh chữ là những tin, bài cho số báo ngày mai, ngày kia. Thật thích mắt khi  những bản thảo viết tay đầy kinh hãi trở nên chỉn chu, ngay hàng thẳng lối, chữ hoa chữ thường đúng điệu. Có nhiều nhà thơ chưa in được tác phẩm bèn tự đánh máy tập thơ của mình thành vài bản tặng cho bạn bè đọc chơi.

Thời ấy, bài của phóng viên có thể đánh máy hoặc viết tay. Bởi vậy, trong tòa soạn báo tôi có nhiều nữ thư ký đánh máy cho tòa soạn trước khi đưa bài qua nhà in sắp chữ. Trong những cô thư ký đánh máy đó, có cô đánh bằng mười ngón, có cô thì chỉ đánh bằng hai ngón nhưng tốc độ đánh cũng khá nhanh. Thậm chí, ở những cơ quan công quyền khác, có cô còn mổ cò từng ngón. Đến một số phường, xã sẽ thấy hình ảnh những cô thư ký uể oải dùng hai cây bút chì thọt xuống từng chữ vì sợ hư móng tay hay than phiền rằng đánh máy chữ nhiều sẽ bị bệnh đau tim. Các cô gái này được gọi một cách “văn huê” là “đả tự viên” thay cho nhân viên đánh máy chữ.

Minh họa: P.S

Bây giờ, cái máy đánh chữ đã trở thành một thứ đồ cổ thường được dùng để chưng diện cho những quán cà phê hoài niệm quá khứ. Nhiều người trẻ tuổi nhìn cái máy chữ chẳng biết là cái máy gì và sử dụng ra sao? Một số nhà văn, nhà báo chúng tôi, nhờ máy đánh chữ đã tạo ra biết bao nhiêu bài báo và truyện dài, truyện ngắn. Nhờ máy đánh chữ, tốc độ viết của chúng tôi khá nhanh và không bị mỏi tay. Có người sử dụng được 10 ngón như lướt trên phím đàn piano, còn đa số nhà văn, nhà báo cũng chỉ biết mổ cò bằng hai ngón. Điều này cũng có cái lợi vì họ còn phải suy nghĩ nữa mà.

Như đã nói ở trên, các công ty doanh nghiệp, các công sở đều cần thư ký đánh máy văn thư, hợp đồng giao dịch, thưa kiện… nên thư ký chuyên đánh máy chữ cũng được coi là một nghề. Những ai ôm mộng làm thư ký đánh máy thường đi học ở những trường dạy đánh máy, tốc ký tư nhân mọc đầy khắp thành phố (đến năm 1979-1980 tôi vẫn còn thấy những trường dạy đánh máy như vậy). Mỗi khóa học chừng 3 tháng, sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ biết tất tần tật về cách đánh máy bằng 10 ngón tay, trình bày văn thư sao cho đẹp và đúng cách. Tuy nhiên, việc đánh máy nhanh hay chậm, có lỗi hay không lỗi là do sự siêng năng và luyện tập của mỗi người.

Các công ty chỉ thuê những thư ký đánh nhanh và ít bị lỗi - tất nhiên chỉ trừ những cô thư ký quá đẹp hay những người thân quen dù có mổ cò vẫn được làm đả tự viên. Lúc đó, các ông giám đốc thường tuyển nhân viên thư ký biết đánh máy chữ phải bằng mười ngón tay, rào rào trên bàn phím. Mà muốn có mười ngón tay thiện nghệ như vậy, các cô và một số ít các chàng đều phải theo học một khóa đánh máy chữ tại các trường chuyên dạy đánh  máy chữ và tốc ký. Bởi vậy, đã có những chuyện vui nước ngoài về trường dạy đánh máy và tốc ký:

Một trường dạy đánh máy và tốc ký có rất nhiều nữ học viên nhờ mẩu quảng cáo hấp dẫn như sau: “Các bạn gái hãy đến học ở trường chúng tôi. Về mục tốc độ, chúng tôi bao giờ cũng vô địch: Hầu như tất cả những học viên nữ khi ra trường đều lấy được ông chủ của họ sau 3 tháng làm việc”.

Một phóng viên phỏng vấn hiệu trưởng trường dạy nghề:

- Các ngài đào tạo nghề gì vậy?

- Chúng tôi dạy tốc ký, đánh máy, vi tính...

- Kết quả đào tạo thế nào ạ?

- Khóa vừa rồi đã lấy chồng hết. Em học lực kém nhất cũng lấy được một phó giám đốc.

Để thúc đẩy sự nghiệp “đả tự viên”, Hội Tốc ký và đánh máy được thành lập từ năm 1950. Hội tổ chức một cuộc thi đánh máy lần đầu tiên vào năm 1956 tại Học viện Quốc gia Hành chánh. Những người dự thi đánh máy thật mau chưa đủ mà còn phải đẹp và không sai lỗi. Ông Đỗ Mạnh Sử giải nhất với tốc độ đánh 69 tiếng Pháp/phút. Trong cuộc thi đánh máy năm 1959, Nguyễn Kim Bảng với tốc độ 605 tiếng Việt trong 10 phút và Đỗ Mạnh Sử có tốc độ đánh 591 tiếng Việt trong 10 phút. Từ đó, mỗi năm đều có tổ chức tranh giải quán quân đánh máy chữ Việt, Anh, Pháp.

Ngoài những quán quân có vẻ cá biệt ra, có lẽ tốc độ đánh máy chữ của những thư ký đánh máy vẫn thường thường bậc trung nên các nhà sản xuất máy đánh chữ đã sản xuất ra máy đánh chữ điện. Chỉ cần cắm điện vào thì tốc độ gõ phím sẽ nhạy hơn vì chỉ cần nhấn nhẹ vào phím chữ - chứ không cần phải gõ - thì đã in chữ trên giấy, cũng như không phải mắc công dùng tay gạt cần để lăn ru lô đưa giấy lên. Thời đại @, kỹ thuật số thì máy đánh chữ đã tiêu đời nhà ma vì không tiện dụng. Hiện nay, rất nhiều người sử dụng máy vi tính trong công việc chung cũng như cá nhân và ai ai cũng múa ngón trên những con chữ bàn tính rào rào, nghe cũng đã tai. Những nhà báo, nhà văn ngày xưa dùng máy đánh chữ hoặc viết tay đều sử dụng máy tính bàn hay máy tính xách tay, vừa lưu được vừa chuyển bài đi được. Ai sưu tầm thủ bút nhà văn từ tác phẩm thời này thì coi như “móc bọc”.

Cứ những tưởng ngành công nghiệp sản xuất máy đánh chữ đã chết ngắc. Thật ra máy đánh chữ không còn được sản xuất và bán đại trà trên thị trường, điều đó không có nghĩa là máy đánh chữ đã khuất núi. Hiện nay, máy đánh chữ còn được sử dụng lai rai trong các cơ quan chính phủ Nga, Mỹ và Đức vì tính bảo mật của nó. Một tài liệu nước ngoài cho biết các cơ quan chính phủ, hội đồng thành phố, cơ quan pháp luật, bệnh viện, nhà tang lễ, lực lượng cảnh sát của Mỹ vẫn sử dụng máy đánh chữ cho các mẫu văn bản chính thức, nhãn địa chỉ và bản sao carbon. Công ty bán máy đánh chữ Swintec, New Jersy, còn chế tạo các máy đánh chữ vỏ trong suốt để dùng trong nhà tù Hoa Kỳ. Một tài liệu tối quan trọng, nếu được đánh và lưu vào máy vi tính thì sẽ dễ bị lộ dưới tài nghệ siêu đẳng của những hacker. Nếu tài liệu được đánh bằng máy đánh chữ, sau khi đốt bỏ những tờ giấy than (lót giữa hai tờ giấy đánh máy cho ra bản sao) thì yên tâm ngủ yên chứ dính vào cái máy tính dù đã xóa cỡ nào thì gián điệp - hacker vẫn moi ra được.

Ngoài lý do bảo mật, máy đánh chữ vẫn còn thu hút được những người mê đồ cổ và những người chỉ muốn sử dụng máy đánh chữ với mục đích là đánh ra chữ. Ngồi trước cái computer, chưa đánh được chữ nào đã lo vào Facebook hay chát chít, còn ngồi trước máy đánh chữ thì tập trung toàn tập, khỏi có mà thả hồn theo mây ngàn bay.

Nói một cách an ủi và hơi ba phải là cái gì tồn tại là do nó có sứ mệnh phải tồn tại. So với máy tính thì máy đánh chữ quá sức lạc hậu nhưng người ta vẫn không quên nó. Hình ảnh chiếc máy đánh chữ trông thật hết sức văn nghệ và đáng yêu. Nếu để trong những tủ kính trưng bày trong các quán cà phê thì rất đầy chất “nghệ”, nhưng chỉ trừ các cơ quan cần sự bảo mật nghiêm nhặt chứ người phàm như chúng ta sử dụng thì… vô cùng “khốt ta bít”.

LÊ VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục