Theo tờ Financial Times, Cindy, một chuyên gia hóa chất công nghiệp Mỹ, đã rời bang Pennsylvania đến Đức làm việc cách đây hơn 30 năm. Do thành thật khai báo với cơ quan thuế của Mỹ là bà chưa khai nộp thuế ở Mỹ, chỉ nộp thuế ở Đức, cơ quan thuế của Mỹ đã buộc bà phải nộp phạt 42.000USD, tương đương 8 tháng thu nhập sau thuế. Điều này đã khiến bà tức giận và đi đến quyết định từ bỏ quốc tịch Mỹ. “Tôi đã mất quyền lợi khi là người Mỹ”, bà nói sau 3 tháng từ bỏ quốc tịch.
Số lượng người Mỹ bỏ quốc tịch đã tăng mạnh trong những quý vừa qua. Theo tờ New York Times, trong quý 1-2011, đã có 499 người Mỹ bỏ quốc tịch. Thật ra, so với dân số hơn 300 triệu, con số 499 người Mỹ bỏ quốc tịch chỉ như muối bỏ biển nhưng xu hướng này đang tăng rất nhanh.
Tính trung bình trong 7 năm qua, mỗi quý đầu năm có 115 người Mỹ bỏ quê. Trung bình số người từ bỏ quốc tịch Mỹ hiện nay cao gấp 9 lần so với năm 2008. Đó là hệ quả chính sách tăng thuế của Nhà Trắng trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, còn do luật từ bỏ quốc tịch của Mỹ được sửa đổi năm 2008. Theo luật mới, mỗi người từ bỏ quốc tịch được cho phép miễn thuế phần thu nhập lên đến 636.000USD (vào năm 2011, mỗi năm sẽ cộng trượt giá). Đối với những người không phải là công dân Mỹ, không có thẻ xanh, giờ đây có thể thăm Mỹ trong vòng 120 ngày hoặc hơn mà không bị tính thuế như công dân Mỹ. Luật từ trước năm 2008 quy định rằng những công dân Mỹ sau khi bỏ quốc tịch khi lưu trú tại Mỹ hơn 30 ngày trong khoảng thời gian 10 năm sau khi bỏ quốc tịch vẫn bị thuế như cư dân Mỹ.
Chính sách thuế của Mỹ hiện được xem là một trong những chính sách phức tạp nhất trên thế giới. Mỹ là nước duy nhất trên thế giới yêu cầu công dân của mình sống lâu dài ở một nước khác phải nộp thuế.
Gần đây, do ngày càng có nhiều công dân Mỹ thu nhập ở nước ngoài trốn thuế nên Mỹ đã siết chặt chính sách thuế thông qua các tài khoản ngân hàng. Những trường hợp trốn thuế nặng có thể ghép vào tội hình sự. Điều này càng khiến công dân Mỹ cảm thấy gánh nặng về thuế nhiều hơn nên đã từ bỏ quốc tịch.
Theo Điều luật chấp hành thuế tài khoản nước ngoài (FATCA) được Quốc hội Mỹ thông qua tháng 3-2010 và dự kiến có hiệu lực trong năm 2013, các ngân hàng nước ngoài có nhiệm vụ phải báo cáo Cơ quan thu nhập nội bộ Mỹ biết số tiền của các khách hàng người Mỹ có trong tài khoản từ trên 50.000USD. Nhiều nước đã chỉ trích Mỹ không tham khảo ý kiến của họ trước khi thông qua luật này.
Các ngân hàng nước ngoài giờ đây lo ngại thông tin tài khoản khách hàng của họ không được bảo đảm an toàn như trước. Mỹ đã đe dọa tăng thuế 30% với các ngân hàng nước ngoài giao dịch với các ngân hàng Mỹ nếu họ không chấp hành FATCA.
Có thể hiểu rằng, Chính phủ Mỹ siết chặt những quy định trên nhằm tránh thất thoát 8 tỷ USD tiền trốn thuế từ công dân Mỹ ở nước ngoài. Song, nhiều công dân Mỹ không biết họ đang phạm luật hoặc cũng có người vì nhiều lý do, chẳng hạn thủ tục rắc rối, chỉ riêng bộ khai thuế kèm hướng dẫn cũng đã tốn 2.000USD. Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ sớm khắc phục tình trạng này.
KHÁNH MINH