
Có một nghịch lý đang tồn tại ở TPHCM: trong khi các luật sư (LS), LS tập sự lo thiếu việc thì tại các tòa án cấp quận, huyện, tỷ lệ LS tham gia bào chữa trong các vụ án hình sự - theo thống kê - chỉ xấp xỉ 5%. Con số này phản ánh một thực tế là có hàng ngàn vụ án đã và đang được “xử chay” - nghĩa là chỉ có đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố “độc diễn” thay vì có thêm phần tranh tụng giữa công tố viên với LS. Vì sao lại có nghịch lý này?
- Không thiếu luật sư

Theo Phó chủ nhiệm Đoàn LS TPHCM Nguyễn Văn Trung, Đoàn LS TPHCM hiện có 1.160 LS, trong đó có 570 LS tập sự. Thống kê cho thấy hàng năm các tòa quận, huyện thụ lý, đưa ra xét xử trên 4.500 vụ án hình sự. Nếu tính bình quân số việc trên mỗi luật sư thì khoảng 4 phiên tòa/năm. “Như vậy không thể nói TPHCM thiếu LS mà chúng tôi đang lo là LS không có việc để làm”- LS Nguyễn Văn Trung nói. Vậy đâu là nguyên nhân khiến tòa án cấp quận, huyện “vắng bóng” các LS? Theo LS Trung, một trong những “rào cản” là cách áp dụng các quy định trong việc cấp giới thiệu bào chữa đối với LS tập sự.
Trong khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định, LS tập sự được phép tham gia bào chữa tại các phiên tòa cấp quận, huyện, thì TAND tối cao lại có hướng dẫn LS tham gia bào chữa tại các phiên tòa phải có chứng chỉ hành nghề LS. Vì thế, có nhiều tòa dù biết là LS tập sự nhưng vẫn đòi chứng chỉ hành nghề LS mới cấp giấy giới thiệu bào chữa. Một nguyên nhân khác, đó là việc TAND tối cao hướng dẫn tòa án các cấp về việc LS muốn được cấp giấy giới thiệu bào chữa phải có ý kiến đồng ý của bị can, bị cáo.
Để có ý kiến của bị can, bị cáo, LS phải vào trại tạm giam tiếp xúc với bị can, bị cáo, thế nhưng tréo ngoe ở chỗ nếu không có giấy giới thiệu bào chữa của tòa án thì cán bộ trại tạm giam không cho phép LS vào gặp bị can, bị cáo. Theo LS Nguyễn Văn Trung thì chuyện này chẳng khác gì “con kiến mà leo cành đa…”.
- Có luật sư, vẫn tốt hơn!
Lãnh đạo phần lớn các tòa án cấp quận, huyện tại TPHCM đều thừa nhận thực tế có quá ít LS tham gia các phiên tòa hình sự cấp quận, huyện. Chánh án TAND quận Gò Vấp Nguyễn Thị Ninh cho biết, ngoài các phiên tòa có bị cáo trong độ tuổi vị thành niên, theo quy định phải có LS chỉ định tham gia bào chữa, số còn lại tại tòa này phần lớn đều trong tình trạng “xử chay” vì không có LS tham gia. “Việc có quá ít LS tham gia các phiên tòa, theo tôi, có thể do tâm lý, nhu cầu của bị cáo cảm thấy không cần thiết hoặc do họ không có điều kiện để mời LS. Riêng tại Gò Vấp, chúng tôi luôn tạo điều kiện tối đa để các LS tham gia tố tụng, kể cả LS tập sự”, bà Nguyễn Thị Ninh nói.
Vậy việc “xử chay” phổ biến như hiện nay liệu có đảm bảo tranh tụng, đảm bảo tính đúng đắn của bản án theo tinh thần cải cách tư pháp? Về việc này, Chánh án TAND quận 8 Ngô Thị Thuận, cho rằng: “Việc tỷ lệ LS tham gia phiên tòa nhiều hay ít không do tòa án quyết định mà phụ thuộc vào bị can, bị cáo và gia đình của họ có nhu cầu hay không cũng như LS có đồng ý tham gia bào chữa cho họ hay không. Quan điểm của chúng tôi trong các phiên tòa không có LS bào chữa, HĐXX vẫn phải công tâm, xử đúng người đúng tội và không phải lúc nào HĐXX cũng nhất nhất đồng ý với quan điểm truy tố của VKS.
Thực tế tại TAND quận 8, đã có một số vụ án sau khi bị cáo có lời khai, chúng tôi phải hoãn phiên tòa để yêu cầu điều tra bổ sung sau khi bị cáo cung cấp lời khai, chứng cứ có thể ảnh hưởng đến kết quả vụ án”. Cùng quan điểm này, Chánh án TAND quận 5 Trần Ba, nói: “Đâu phải bị cáo nào cũng có tiền để nhờ LS bào chữa nhưng dĩ nhiên có LS tham gia thì phiên tòa sẽ tốt hơn vì họ sẽ góp phần làm sáng tỏ vụ án…”.
NGUYỄN VINH
Theo luật sư Nguyễn Văn Trung, tại Điều 13 dự án Luật về luật sư quy định người tập sự hành nghề luật sư (tức luật sư tập sự hiện nay) sẽ không được tham tại các phiên tòa. Như vậy, với lượng luật sư tham gia bào chữa tại các phiên tòa cấp quận, huyện (chủ yếu là luật sư tập sự) đã “hẻo” như hiện nay sẽ còn “hẻo” hơn nữa nếu Luật về luật sư được ban hành kèm quy định trên. “Chúng tôi đã có ý kiến góp ý về vấn đề này”, luật sư Nguyễn Văn Trung nói. |