
Việc 371 nhạc sĩ và các bà quả phụ của các nhạc sĩ quá cố vừa ký vào đơn kiến nghị khẩn thiết gửi tới VTV, VOV, VTC và các đài truyền hình cáp trong cả nước yêu cầu sớm thực hiện nghĩa vụ của mình về quyền tác giả với các ca khúc đã sử dụng được coi là một trong những động thái quyết liệt đối với tình trạng xâm hại quyền tác giả. Song liệu sự kiện này có tiếp tục rơi vào cảnh “đá ném ao bèo”?
Hồi chuông cảnh tỉnh

Có lẽ đây là lần đầu tiên một lá đơn kiến nghị được nhiều nhạc sĩ ký tên đến vậy. Bên cạnh các chữ ký của những nhạc sĩ và người đại diện của các nhạc sĩ được xếp vào hàng “cây đa, cây đề” của nền âm nhạc Việt Nam như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Đoàn Chuẩn, Phạm Tuyên, Nguyễn Tài Tuệ, Doãn Nho, Nguyễn Đức Toàn, Phan Huỳnh Điểu… là rất nhiều chữ ký thể hiện sự chung sức, đồng lòng của các thế hệ nhạc sĩ trẻ đang trong thời kỳ sung sức như Quốc Trung, Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh, Anh Quân…
Nội dung đơn, các nhạc sĩ khẳng định, thời gian qua có nhiều cơ quan, tập thể, cá nhân thực hiện chế độ quyền tác giả và trả tiền sử dụng tác phẩm, tuy chưa thật đầy đủ với tỷ lệ Nhà nước quy định nhưng đó là nguồn động viên, khích lệ giới nhạc sĩ.
Song một số đơn vị đang sử dụng nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và nhiều đơn vị truyền hình cáp, mặc dù đã được yêu cầu nhiều lần nhưng vẫn không chịu thực hiện nghĩa vụ bản quyền với các tác giả âm nhạc. Điều này không chỉ gây tâm lý bức xúc cho các nhạc sĩ mà còn chưa thực hiện đúng nghĩa vụ mà pháp luật quy định.
Đại diện cho thế hệ nhạc sĩ có tuổi, nhạc sĩ Phạm Tuyên bày tỏ: Chúng tôi cũng chẳng đòi hỏi to lớn gì. Một tác phẩm được phổ biến, được sống trong đời sống đã là niềm vui của mỗi nhạc sĩ. Tuy vậy, sự tồn tại của nó cũng phải được ghi nhận thông qua việc các đơn vị xin phép sử dụng và trả tác quyền. Có như vậy thì nhạc sĩ mới sống được với nghề. |
Theo các nhạc sĩ, quyền lợi của họ đã bị các đơn vị này vi phạm trong nhiều năm nay. Tuy Đài Tiếng nói Việt Nam đã có thực hiện chế độ nhuận bút do đài đề ra với các tác phẩm âm nhạc nhưng đó chỉ là số tiền nhuận bút ban đầu, không thể coi là tiền “mua đứt” tác phẩm để tùy ý sử dụng.
Tương tự Đài Truyền hình Việt Nam, mặc dù đã thực hiện nghĩa vụ bản quyền từ năm 2004 nhưng mức độ chi trả còn quá thấp, chưa hợp lý. Riêng Đài truyền hình kỹ thuật số VTC và các đài truyền hình cáp trong cả nước là những đơn vị sử dụng rất nhiều tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ nhưng không hề có ý thức về vấn đề tác quyền dù đã được nhắc nhở nhiều lần.
Câu trả lời vẫn đang là ẩn số
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (TTBVQTGAN), đơn vị được ủy thác việc gửi lá đơn tới các đơn vị chức năng thổ lộ: “Nhiều người hỏi tôi rằng TT BVQTGAN đã vận hành được 6 năm rồi mà giờ đây các nhạc sĩ vẫn phải làm đơn kiến nghị tập thể như thế này liệu có phải là tín hiệu tồi? Song thực tế, việc thỏa thuận và thương thảo về tác quyền với các đơn vị có sử dụng các tác phẩm âm nhạc đã được TT tiến hành rất kiên trì. Với Đài tiếng nói Việt Nam, thời gian bàn thảo về bản quyền kéo dài 5 năm; với VTC, thời gian này là 4 năm song vẫn không đạt được thỏa thuận”.
Được biết, cho tới thời điểm này, lá đơn kiến nghị của các nhạc sĩ đã được chuyển tới đúng địa chỉ các nhạc sĩ mong muốn. Song kiến nghị của gần 400 nhạc sĩ và đại diện gia đình của họ có thực sự tạo nên sự chuyển biến trong việc thực thi bản quyền tác giả âm nhạc hay không vẫn đang là một dấu hỏi lớn .
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân Trước khi xảy ra sự kiện này, Trung tâm và Hội cũng đã có bàn bạc với nhau nhiều lần. Xét khía cạnh cá nhân, là một nhạc sĩ và là con trai của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, tôi ủng hộ và chia sẻ những khó khăn của Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc gặp phải. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhạc sĩ. Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ đang bàn bạc, có thể trong thời gian tới, Hội sẽ có văn bản gửi trực tiếp tới các đơn vị vi phạm tác quyền để các bên có thể cùng nhau bàn bạc đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho vấn đề này |
Vĩnh Xuân
(Báo SGGP 12 Giờ)