Việt Nam của tôi

Có vài lần đón tết cổ truyền Việt Nam ở một xóm nhỏ thuộc miền Tây sông nước, bà Claude Coudert, tác giả cuốn sách Việt Nam của tôi - Những câu chuyện nhận con nuôi, đã được tưới tẩm niềm hạnh phúc đoàn viên trong thời khắc thiêng liêng giao mùa. “Trải nghiệm này thật sự mới mẻ đối với tôi, bởi ở Pháp, mọi người đón chào năm mới theo một cách khác”, bà Claude Coudert nói.

Việt Nam của tôi

Bà Claude Coudert không thể nào quên cái tết đầu tiên ở Việt Nam, cảm thấy “vô cùng ấn tượng và ngạc nhiên” với một gia đình 23 người ở bên nhau vui vẻ, ngập tràn tiếng cười từ sáng đến đêm. Bọn trẻ nô đùa với nhau, quây quần bên ba mẹ và mọi người cùng ăn, cùng ngủ ở một hành lang dài trong một chiếc mùng lớn. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng cho đến khi tất cả chìm vào giấc ngủ. Thế rồi, đến nửa đêm (thời điểm chuẩn bị đến giao thừa), mọi người thức giấc, cùng nhau ra ngồi ở một chiếc bàn lớn gần bàn thờ tổ tiên, cùng uống nước và ăn chiếc bánh tét đầu tiên trong năm mới. Tất cả đều cầu chúc một năm mới bình an, hạnh phúc và sức khỏe dồi dào. Trực tiếp sống và được đón tết ở Việt Nam, bà Claude Coudert nhận ra rằng, các thế hệ trong gia đình sum vầy, quây quần bên nhau vào những ngày đầu năm mới là một điều gì đó thật sự thiêng liêng trong văn hóa của người Việt.

56-vietnam-cua-toi-9937.gif
Bà Claude Coudert (thứ hai từ phải sang) hạnh phúc trong đám cưới con trai. Ảnh: NVCC

Trải nghiệm về tết cổ truyền Việt Nam là một trong rất nhiều kỷ niệm đẹp của cựu thư ký y tế Pháp Claude Coudert với dải đất hình chữ S, nơi bà gọi là “đất nước mà tôi yêu” và coi như quê hương thứ hai. Tình yêu của bà với Việt Nam bắt đầu từ thời điểm bà nhận nuôi cậu bé người Việt Rémi-Vinh (Đỗ Trần Vinh) hơn 30 năm trước (năm 1992). Cũng vào thời khắc chuẩn bị đón giao thừa năm 2015, trong ngôi nhà của những người bạn xem bà như là người thân tại tỉnh Bến Tre, bà đã quyết định đặt bút viết cuốn sách Việt Nam của tôi, chia sẻ câu chuyện về tình yêu đối với đất nước đã đem đến cho bà “một món quà đẹp nhất” là người con trai Rémi-Vinh. Không chỉ kể chuyện nhận nuôi con trai mình, bà còn viết về câu chuyện nhận những đứa trẻ khác làm con nuôi và được các con đón nhận. Tuôn trào trên những trang sách là chuyện nhận một đất nước làm quê hương và được một đất nước yêu thương. Thế nên, bà đã đặt thêm tiêu đề phụ của cuốn sách là Những câu chuyện nhận con nuôi. Cuốn sách đầy tâm huyết được bà Claude Coudert hoàn thành sau 2 năm.

Bà Claude Coudert còn được biết đến là người sáng lập Hội Hoa lúa (năm 2006) với mục đích lan tỏa văn hóa Việt tại Pháp và kết nối nhiều gia đình nhận con nuôi tại Việt Nam. Đến đầu năm 2018, sau 12 năm làm việc miệt mài, không ngừng nghỉ, bà thôi giữ chức Chủ tịch Hội Hoa lúa, nhưng vẫn tiếp tục một mình đến Việt Nam giúp đỡ những trẻ em khuyết tật ở cơ sở chăm sóc trẻ mồ côi, nơi trước đây con trai bà đã sống. Bà luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến những người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật và chăm sóc họ bằng cả tấm lòng. Kể từ khi nghỉ hưu (năm 2013), mỗi năm, bà đều dành 2,5 tháng ở Việt Nam để giúp đỡ những trẻ em thiếu cha mẹ.

Claude Coudert vẫn là vậy, luôn dành hết tình cảm cho Việt Nam đất nước mà bà tự hào đã “nhận nuôi” bà!

Tin cùng chuyên mục