Vĩnh biệt một nụ cười đôn hậu

Vĩnh biệt một nụ cười đôn hậu

* Kính dâng hương hồn anh Ba Huấn (Đồng chí Nguyễn Văn Huấn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM)

Tôi quá bàng hoàng qua cú điện thoại sáng sớm ngày 11-6-2010 báo tin về anh Ba Huấn rằng, các giáo sư bác sĩ đã chịu thua! Thật xót xa!

Suốt ngày 11-6 và mãi đến khi cầm bút viết những dòng này, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh anh Ba Huấn, với biết bao lần tận mặt nhau, khi thì đông người, nhiều bạn bè, lúc thì chỉ hai chúng tôi. Tối hôm đó, tôi ra tận sân bay đón anh, để rồi... 2 giờ chiều hôm qua (17-6-2010) anh đã trút hơi thở cuối cùng.

Hơn 60 năm, kể từ ngày anh Ba Huấn đi làm cách mạng, thì có hơn 30 năm tôi quen biết anh. Từ ấy đến nay, tôi với anh có nhiều kỷ niệm trong công việc, trong cuộc sống và lắm lúc cùng chia sẻ về sự đời. Tôi không dám viết gì nhiều về anh, vì biết tính anh không thích nói về thành tích của mình, chẳng ưa dài dòng văn tự. Nhiều chuyện hơn 30 năm, cả công và tư, không thể nào quên, nhưng cũng không thể nào không kể.

Tác giả (phải) và anh Ba Huấn. Ảnh: D.T.

Tác giả (phải) và anh Ba Huấn. Ảnh: D.T.

Tôi muốn kể một kỷ niệm vui hòng giảm bớt nỗi đau buồn. Hơn 3 tháng trước đây, chúng tôi đã thực hiện một chuyến du xuân mà anh hằng mơ ước. Theo hợp đồng, vào lúc 3 giờ 30 khuya mồng 4 Tết Canh Dần (2010), các anh Ba Huấn, Tư Triết, Hai Thái Hòa, Ba Hòa, Sáu Chí, Mười Rua, Hai Hoàng tập hợp tại nhà tôi để đúng 4 giờ khởi hành. Anh Ba Huấn là người đến đúng hẹn nhất. Tôi mời mỗi anh uống với tôi một ly rượu ngon, vừa là chúc rượu đầu xuân, vừa để ấm bụng trước khi lên đường. Anh Ba Huấn rất vui, uống rất ngọt ngào, điệu nghệ và cổ vũ mọi người “uống cạn cho Tư Dũng nó vui”. Nói là du xuân, nhưng mỗi chúng tôi đều coi đây là chuyến về nguồn - nơi mà cách nay 60 năm anh Ba Huấn rời khỏi đất Gia Định lặn lội đến đây làm cách mạng.

Xe lăn bánh - 4 giờ kém 5 phút, tiến qua đại lộ Đông Tây, chạy rào rào trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, ra quốc lộ, qua cầu Mỹ Thuận, lướt qua Sa Đéc, Long Xuyên, hướng đến Rạch Sỏi, quẹo xuống phà Tắc Cậu, rồi đến nhập vào đoàn của Chính phủ tại U Minh Thượng đúng giờ ngọ như đã hẹn. Chiều hôm đó mọi người xuống ghe vào rừng xem đánh cá, giở một mẻ hơn 100kg, có nhiều con cá lóc nặng hơn 1 - 2kg. Tối đến xúm xít lai rai với cá lóc nướng trui, lẩu..., ca hát vang lừng, kể cho nhau nghe biết bao chuyện hồi đó.

Rượu vào lời ra. Trong chúng tôi, anh Ba Huấn là người khá đặc biệt trong ăn mặc, nói năng rõ ràng, chậm rãi bằng những ngôn từ rất dân dã mà sâu lắng, ý vị. Trong cuộc tiệc này có món ăn sáp tàn ong mật đạm cao, rất ngon. Hai Hoàng ăn bị đau bụng, phải bỏ cuộc, nhờ đến bác sĩ. Nhiều người đoán chắc do ăn sáp ong không tiêu nổi, còn anh Ba Huấn thì kết luận ngắn gọn: “Thằng Hai Hoàng không có khả năng thu đạm”. Anh cười và mọi người đều cười, tuy có người chưa hiểu hết ý anh.

Ngày hôm sau “đoàn quân” xuống tàu, lênh đênh trên dòng sông Trẹm tiến thẳng về U Minh Hạ, chúng tôi thăm lại những nơi đã từng trú đóng, sống và chiến đấu trước đây, rồi ăn trưa. Chiều tối chúng tôi về nhà khách Minh Hải - Cà Mau. Tối đó, Tỉnh ủy Cà Mau “mở cuộc chiêu đãi” có mời các cụ lão thành cách mạng tại địa phương đến chung vui. Chuyến đi này anh Ba Huấn rất vui, lúc nào trên môi cũng nở nụ cười - một nụ cười đôn hậu. Anh tỏ ra rất thỏa mãn, nói rằng “tao đi chuyến này về chết cũng sướng”. Ai có ngờ, đó là kỷ niệm cuối cùng của chúng tôi với anh Ba Huấn.

Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng miền Nam vừa rồi chúng tôi không được sum họp, vì anh đi trị bệnh ở nước ngoài. Hai lần anh bạo bệnh trước đây, tôi đều tiễn anh ra sân bay đi trị bệnh, sau đó anh lành bệnh trở về tiếp tục làm việc. Còn nhớ, nhiều lần sum họp với nhiều bạn bè thân thiết, có anh Ba Huấn, tôi nói vui với mọi người: “Nè, số tôi lớn lắm, hồi đó người ta đào lỗ chôn tôi mà tôi hổng thèm chết, nhiều người, trong đó có ông (Ba Huấn) nói tôi là thằng chết đi sống lại, cho nên hai lần ông (Ba Huấn) lâm vào cảnh thập tử nhứt sinh, tôi tiễn ông đi rồi đón ông về mạnh khỏe, đàng hoàng; nhớ sau này có gì thì báo tôi hay”.

Vậy mà..., lần này anh ém nhẹm, thất hứa với tôi, đến khi anh Bảy Thanh nói tôi mới biết là anh đã đi nước ngoài trị bệnh hiểm nghèo, nhưng giấu không cho nhiều người biết. Trước ngày anh lên bàn mổ ở nước ngoài, tôi có nói chuyện với anh qua điện thoại. Tiếng nói anh Ba Huấn vẫn trong trẻo, rõ ràng... anh cho biết ngày mai “đánh giáp lá cà” (mổ), và nhờ tôi nói giùm là anh gởi lời thăm hết bạn bè thân thiết, chúc anh em mình ở nhà ăn mừng ngày độc lập vui vẻ... 3 ngày trước khi nhận hung tin, tôi còn nói chuyện với anh qua điện thoại (do anh Mười Rua đại diện cho bạn bè qua thăm anh nối thoại), trước khi nói chuyện, tôi nghe anh nói ở đầu dây bên kia “đỡ tao ngồi dậy để nói cho rõ ràng”. Anh cho biết “đã qua cơn đại hồng thủy rồi”. Biết vậy ai cũng mừng. Vậy mà..., đêm nay tôi ngồi một mình viết lời từ biệt anh! Nhớ anh, chúng tôi nhớ mãi nụ cười trên môi anh, nhớ chuyến đi đầu xuân Canh Dần và mấy lần đàm thoại với anh trên giường bệnh gần đây.

Thương quá, anh Ba Huấn ơi! Vĩnh biệt anh!

Đêm 17 tháng 6 năm 2010

Lê Tâm Dũng

Ngày 18-6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến viếng và đặt vòng hoa bên linh cữu đồng chí Nguyễn Văn Huấn. Trong cuốn sổ tang, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghi: “Anh Ba Huấn là một cán bộ tài năng, một đảng viên cộng sản kiên trung, một người Anh thân thương. Anh ra đi, để lại bao nỗi tiếc thương, biết bao kỷ niệm. Xin chia sẻ nỗi đau cùng gia đình”.

Cùng ngày, đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu, đến viếng đồng chí Nguyễn Văn Huấn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và Văn phòng Trung ương Đảng đã gửi vòng hoa và điện chia buồn tới gia đình đồng chí Nguyễn Văn Huấn.

T.Sơn

Tin cùng chuyên mục