Vĩnh Long rất cần những sáng tác văn học - nghệ thuật mới

LTS:

LTS: Trung tuần tháng 10 vừa qua, Hội Nhà văn TPHCM và tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức Trại sáng tác văn học 2011. Trong 10 ngày tham dự trại, 12 hội viên đã sáng tác được 39 bài thơ, 5 tác phẩm văn xuôi và 3 bài vọng cổ, 1 bài lý. Báo SGGP xin giới thiệu một số sáng tác của Trại sáng tác Vĩnh Long.

Vĩnh Long hiện nay tiền thân là Long Hồ Dinh được thành lập vào năm 1732 bao gồm Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và một phần của Cần Thơ hiện nay. Vĩnh Long đã qua bao lần biến đổi địa giới và tên gọi như: Hoàng Trấn Dinh (1779), Trấn Vĩnh Thanh (l780-1839), Vĩnh Long (l839-1950), Vĩnh Trà (l951-1954), Vĩnh Long (l954-1975), Cửu Long (1976-1992) và 1992 đến nay là Vĩnh Long.

Vĩnh Long hiện tại có 7 huyện và TP Vĩnh Long mới được thành lập năm 2009 từ thị xã Vĩnh Long, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Huyện Bình Minh sẽ trở thành thị xã trong năm 2012 với Khu công nghiệp Bình Minh, cảng Bình Minh đang hình thành là quê hương của bưởi Năm Roi nổi tiếng. Huyện Bình Tân mới được thành lập năm 2006 với sản phẩm nổi tiếng là khoai lang và rau màu các loại. Huyện Tam Bình là quê hương của cố Giáo sư - Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cũng là vùng đất của cam sành. Huyện Vũng Liêm là quê hương của Nam kỳ khởi nghĩa 1940 là nơi sinh ra cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Huyện Long Hồ là địa bàn trọng điểm của du lịch sinh thái và là quê hương của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Mang Thít là “thủ đô” của gốm sứ, gạch ngói Vĩnh Long. Trà Ôn với chợ nổi đặc sản của miền Tây...

Vĩnh Long không có rừng, không có biển, không có biên giới quốc gia. Diện tích thuộc loại nhỏ nhất và mật độ dân số cao nhất đồng bằng sông Cửu Long. Nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, từng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của miền Tây Nam bộ ở các thế kỷ 18, 19 và đầu thế kỷ 20 nên Vĩnh Long là vùng đất cũ của Tây Nam bộ - vùng đất địa linh nhân kiệt.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Vĩnh Long luôn là địa bàn trọng điểm đánh phá và bình định của quân xâm lược, nên đã bị bom đạn tàn phá ác liệt. Có 5/7 đơn vị huyện, thị xã và tỉnh được tuyên dương anh hùng, 39 địa phương anh hùng, 45 cá nhân anh hùng, 873 mẹ Việt Nam anh hùng…

Vĩnh Long trong giai đoạn xây dựng và phát triển với điều kiện giao thông thuận lợi là 5 quốc lộ và 4 thủy lộ quốc gia đi qua, với 2 chiếc cầu lớn là Mỹ Thuận và Cần Thơ. Kết thúc giai đoạn 2005-2010 tốc độ tăng trưởng bình quân 11,19%/năm, thu nhập bình quân đầu người 21 triệu đồng/năm vào năm 2010, tăng 2,5 lần so với năm 2005.

Đến Vĩnh Long còn là đến với 9 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh cùng các công trình di tích, tưởng niệm mới xây dựng trong những năm gần đây như Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, quảng trường TP Vĩnh Long, công viên tượng đài chiến thắng Mậu Thân, khu căn cứ cách mạng Cái Ngang, quần thể công viên, tượng đài Nam kỳ khởi nghĩa Lê Cẩn, Nguyễn Giao, gắn liền với Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang xây dựng…

Văn học Vĩnh Long cũng được biết đến với di tích Văn Xương Các - nơi hội tụ của các thi nhân thời mở đất, quê hương của các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ như Trương Vĩnh Ký, Trương Duy Toản, Nguyễn Hải Trừng, Truy Phong, Tống Hữu Định, Thành Tôn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy…

Bấy nhiêu yếu tố của quê hương Vĩnh Long đều rất cần đến sự sáng tác, phản ảnh của trại sáng tác văn học Hội Nhà văn TPHCM trên đất Vĩnh Long. Đặc biệt, Vĩnh Long đang tập trung cao độ cho xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng và mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết của Đảng đang được đi vào cuộc sống.

NGUYỄN TUẤN KIỆT
(Trưởng ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy Vĩnh Long)

Tin cùng chuyên mục