Mấy tháng qua, 219 cán bộ, giáo viên đang công tác tại xã biên giới Đắk Wil (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đột nhiên bị Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút cắt, truy thu các chế độ phụ cấp thu hút, ưu đãi. Dù họ đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị việc cắt, truy thu vô cớ này nhưng vẫn chưa được các sở, ngành có liên quan phúc đáp rõ ràng.
Cắt và truy thu…
Xã biên giới Đắk Wil được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào diện đầu tư của Chương trình 135 trong năm 2014 và 2015. Vì thế, trong 2 năm này, 50 cán bộ, giáo viên của Trường THCS Cao Bá Quát (ở xã Đắk Wil) và 169 công chức, viên chức xã Đắk Wil được hưởng chế độ phụ cấp thu hút, trợ cấp và các ưu đãi khác theo Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng từ tháng 7-2014 đến nay, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút đã ngừng chi trả chế độ này.
Ngày 5-8-2014, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút tiếp tục ra văn bản yêu cầu Phòng GD-ĐT huyện và UBND xã Đắk Wil thu hồi kinh phí đã chi trong 6 tháng đầu năm 2014. Việc truy thu lại số tiền này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của các cán bộ, công chức, giáo viên trên địa bàn xã.
Cô Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Cao Bá Quát, tâm sự: “Đa phần cán bộ, giáo viên trong trường từ nơi khác đến đây lập nghiệp, những ngày đầu còn khó khăn nên họ chủ yếu dựa vào nguồn phụ cấp thu hút của Nhà nước để sinh sống. Từ khi bị ngừng chi trả chế độ và truy thu số tiền phụ cấp trong 6 tháng đầu năm, lương của rất nhiều giáo viên trở về con số 0. Thậm chí có người rơi vào cảnh âm lương, phải đi vay lãi nóng ở ngoài để chi tiêu hàng ngày”.
Bà Lâm Thị Thuyến, Chủ tịch UBND xã Đắk Wil, cho biết: “Theo kế hoạch trong năm 2014, cả 219 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn xã vẫn được hưởng trợ cấp theo Nghị định 116/NĐ-CP. Mức tiền phụ cấp thu hút bằng 70% lương, riêng ngành giáo dục còn có hệ số phụ cấp thâm niên nên việc ngừng chi trả chế độ từ tháng 7-2014 và truy thu 6 tháng đầu năm đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cán bộ, công chức, viên chức trong xã. Cùng với đó, các tổ chức hội trên địa bàn xã cũng bị cắt giảm toàn bộ các khoản, gói hỗ trợ chi tiêu”.
Cũng theo bà Thuyến, từ tháng 8-2014, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút đã truy thu nhưng 2 tháng sau lại bất ngờ ngừng lại mà không hề có văn bản hoặc thông báo nào. Chính vì vậy, các cán bộ, công chức, viên chức trong xã rất bức xúc và liên tục có ý kiến, đơn thư vì cho rằng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tự ý cắt giảm chế độ của họ. “Đây là vấn đề nóng, thường xuyên được đưa ra bàn luận trong các buổi tiếp xúc cử tri, các cuộc họp từ xã, huyện đến tỉnh trong nhiều tháng nay. Chúng tôi chỉ mong các ngành chức năng sớm có ý kiến và chi trả đúng chế độ, quyền lợi theo quy định của Nhà nước để chúng tôi ổn định tinh thần, yên tâm công tác”, bà Thuyến chia sẻ.
Ban Giám hiệu Trường THCS Cao Bá Quát đã gửi đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng địa phương đề nghị giải đáp vướng mắc về chế độ ưu đãi đối với giáo viên công tác tại xã vùng đặc biệt khó khăn.
Dừng để… chờ ý kiến!
Theo ông Đỗ Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Jút, đối tượng được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP phải là cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong khi Quyết định số 477/QĐ-UBDT ngày 9-9-2013 của Ủy ban Dân tộc xác định xã Đắk Wil chỉ là xã biên giới, thuộc khu vực II, tức không phải xã đặc biệt khó khăn. Bởi thế, vào ngày 24-6-2014, Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông đã ra biên bản thẩm định điều chỉnh giảm kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp đối với xã Đắk Wil trong năm 2014, tăng cho xã Ea Pô (huyện Cư Jút, được công nhận là xã đặc biệt khó khăn từ tháng 1-2014).
Căn cứ vào đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện yêu cầu thu hồi kinh phí đã chi trong 6 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, trong công văn giải đáp vướng mắc về chế độ chính sách gửi Trường THCS Cao Bá Quát vào ngày 29-9-2014, Ủy ban Dân tộc lại khẳng định các giáo viên trường này vẫn được hưởng đầy đủ chế độ trợ phụ cấp thu hút và ưu đãi.
Còn việc truy thu trong tháng 8 và tháng 9-2014 nhưng sau đó đột nhiên ngừng lại mà không có thông báo nào, ông Đỗ Đăng Khoa cho hay: “Vấn đề này đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi của cá nhân nên dễ gây bức xúc và tâm lý không ổn định đối với các cán bộ, công chức, giáo viên. Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện Cư Jút đã có công văn đề nghị Sở Tài chính tỉnh Đắk Nông cho ý kiến giải đáp. Đến ngày 30-9-2014, Sở Tài chính đã có văn bản gửi lên Bộ Tài chính đề nghị xem xét và có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện. Hiện Bộ Tài chính vẫn chưa có văn bản chỉ đạo nên phòng đã tạm dừng việc truy thu từ tháng 10-2014, chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên”.
CÔNG HOAN