Vốn rẻ vẫn chưa đến tay doanh nghiệp

Đến nay, hơn 2/3 gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của các ngân hàng trên địa bàn TP với vốn vay dưới 13%/năm đã được các ngân hàng giải ngân trong vòng 1 tháng. Nhưng trên thực tế, đại đa số các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN vừa và nhỏ cho rằng hiện nay để “tìm đường” tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đã rất nan giải, chứ đừng nói chuyện hưởng lãi suất thấp.
Vốn rẻ vẫn chưa đến tay doanh nghiệp

Đến nay, hơn 2/3 gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của các ngân hàng trên địa bàn TP với vốn vay dưới 13%/năm đã được các ngân hàng giải ngân trong vòng 1 tháng. Nhưng trên thực tế, đại đa số các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN vừa và nhỏ cho rằng hiện nay để “tìm đường” tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đã rất nan giải, chứ đừng nói chuyện hưởng lãi suất thấp.

Vẫn gian nan tiếp cận vốn

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những phản ứng liên tục, kịp thời về điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ DN. Nổi bật là 4 lần điều chỉnh hạ trần lãi suất huy động từ đầu năm đến nay (3 lần giảm 1% và 1 lần 2%). Đồng thời, 4 lĩnh vực ưu tiên được hưởng lãi suất trần cho vay 13%/năm từ trung tuần tháng 6-2012.

Chị T.H., chủ một DN tư nhân (đề nghị giấu tên) chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, có trụ sở tại quận 11 cho biết từ trước đến nay DN đã thiết lập được mối quan hệ khá tốt với một chi nhánh ngân hàng có trụ sở chính tại tỉnh Kiên Giang. Gần đây, do kinh doanh giảm sút, nhiều chủ đầu tư không có tiền thanh toán nên DN bị liệt vào danh sách nợ xấu. Cách đây không lâu, khi nhân viên ngân hàng nói rằng nếu đảo nợ được DN sẽ tiếp tục được vay vốn. Chị T.H. buộc phải vay nóng để đảo nợ. Nhưng khi thủ tục xong xuôi, ngân hàng trả lời chị không được vay nữa vì đã dính vào nợ xấu. “Tôi cứ tưởng mối quan hệ với ngân hàng trong bấy lâu nay tốt đẹp nên họ có thể bỏ qua tình trạng nợ xấu và khi đảo nợ xong, họ sẽ tiếp tục cho vay. Nay vốn để quay vòng không có, phải ôm thêm một khoản nợ mới với lãi suất cắt cổ nên DN buộc phải ngưng kinh doanh”, chị T.H. nói.

Bà Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Tân Nhất Hương cũng than rằng, hiện nay nhiều ngân hàng đều đưa ra các gói hỗ trợ với lãi suất thấp nhưng khi tiếp xúc, các ngân hàng đều yêu cầu DN phải có tài sản thế chấp và đưa ra mức lãi suất cao ngất ngưởng với câu trả lời không đủ điều kiện đáp ứng để được vay vốn giá rẻ này. “Tôi nghĩ công ty mình thuộc 4 nhóm được vay ưu đãi vì DN vừa và nhỏ chuyên sản xuất kem làm bánh để xuất khẩu. Tôi có nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh nên tiếp cận với Quỹ bảo lãnh tín dụng DN TPHCM để nhờ hỗ trợ vay vốn thì bị từ chối vì quỹ này cho biết công ty không thuộc nhóm hàng được vay ưu đãi. Thực tế để tiếp cận vốn vay, DN hết sức khổ sở” - bà Sơn bộc bạch.

Gỡ nút thắt tồn kho

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM thừa nhận rằng quá trình điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thuộc 4 nhóm lĩnh vực này còn chậm, một số ngân hàng chưa giảm lãi suất nhiều và nợ xấu gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù vốn huy động trên địa bàn TP đạt hơn 941.000 tỷ đồng nhưng tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đạt 763.700 tỷ đồng, giảm 0,04% so với cuối năm 2011. Đây là mức giảm thấp nhất từ trước đến nay.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó vay được vốn giá rẻ của ngân hàng. Ảnh: C.Thăng

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó vay được vốn giá rẻ của ngân hàng. Ảnh: C.Thăng

Các ngân hàng thương mại cho rằng hiện nay DN và đặc biệt rất ít DN vừa và nhỏ đáp ứng được điều kiện cho vay. Tuy nhiên, theo các DN, hiện mỗi ngân hàng hiện nay đều có một hàng rào kỹ thuật riêng nên DN dù thuộc diện ưu tiên nhưng không đủ “điều kiện” thì cũng không thể nào tiếp cận được mức lãi suất thấp. Một DN vừa và nhỏ sản xuất các loại văn phòng phẩm tại quận 3 cho biết hiện DN này vẫn đang chịu các khoản vay cũ với lãi suất quá cao, các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn, trong khi đó DN lại không có nhu cầu vay mới khi đầu ra yếu.

“Lẽ ra các ngân hàng phải thực hiện giảm lãi suất vay đối với các hợp đồng vay cũ nhưng hiện ngân hàng lại chạy đua... với rùa trong việc này với lý do chưa đến thời hạn để điều chỉnh lại lãi suất. Khi lãi suất tăng, các ngân hàng rất tranh thủ làm việc với DN để tăng lãi suất ngay nhưng nay lãi suất giảm thì chậm điều chỉnh là không hợp lý” - DN này bức xúc cho biết.
 
Mặc dù DN cần một dòng vốn rẻ để đảm bảo sản xuất, kinh doanh trong thời gian khó khăn vẫn là vấn đề đặt ra, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, lãi suất không phải khó khăn cơ bản của DN vì nhiều ngân hàng thương mại khẳng định có thể cho DN vay với lãi suất 10,5% - 11%/năm nhưng các DN không đủ điều kiện để đáp ứng mức lãi suất này. “Vấn đề hiện nay phải giải quyết khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho DN và giải quyết khó khăn từ thị trường hàng hóa, bất động sản, tiêu dùng… Phải khơi thông dòng thứ hai là tiêu thụ sản xuất, giảm tồn kho, tạo sức mua mới. Bởi lẽ, khi giảm hàng tồn kho, các DN mới có điều kiện vay vốn lãi suất rẻ” - ông Thắng nói.

Thúy Hải - Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục