Hồ sơ điều tra thu thập được của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Trị bước đầu cho thấy, 100% hài cốt liệt sĩ do “cậu Thủy” (tức Nguyễn Thanh Thúy) trú tại thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tìm kiếm, cất bốc là không trùng khớp với hồ sơ lưu trữ của cơ quan quân sự về thời gian chiến đấu, hy sinh và địa điểm mai táng các liệt sĩ...
Ngày 6-11, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cho biết, đã đối chiếu với trích lục hồ sơ liệt sĩ do Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) cung cấp và cho thấy, liệt sĩ Tạ Văn Tín (1 trong 3 liệt sĩ mà đối tượng “cậu Thủy”, tự xưng là nhà tâm linh tìm hài cốt liệt sĩ khẳng định được tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh và đơn vị chiến đấu khi tổ chức cất bốc hài cốt tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào tối 25-7-2013 như Báo SGGP ngày 29-10 thông tin) hy sinh tại cao điểm 420 thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chứ không phải tại vị trí cất bốc. Riêng chiếc bi-đông khắc tên liệt sĩ này tìm thấy tại hố cất bốc hài cốt được cho là của những liệt sĩ đã hy sinh cách đây hơn 40 năm, phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Trị xác định, nét chữ khắc trên bi-đông còn mới.
Trở lại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị lần này, ông Trương Hữu Bình, Bí thư Đảng ủy xã Gio Mai, là người trực tiếp chỉ đạo dân quân địa phương bảo vệ và tham gia cất bốc 9 hài cốt mà “cậu Thủy” khẳng định là liệt sĩ vào tối 25-7, cho biết về những điều bất thường liên quan đến vụ việc trên. Trong đó, ngoài những rễ cây to bằng nửa ngón tay bị đứt từ trước hay lá tràm tươi lẫn xương cốt được cho là đã an táng hơn 40 năm, tại 3 hố đào sâu xuống mặt đất từ 0,6-0,8m để khai quật hài cốt còn cho thấy, các xương cốt được tìm thấy đều nguyên vẹn từng ống và chắc cứng. Trong khi, hài cốt liệt sĩ hy sinh hơn 40 năm về trước lúc đưa lên khỏi mặt đất, cầm và vo nhẹ, xương sẽ vỡ vụn và có bột màu trắng. Mặt khác, các hài cốt được tìm thấy ở 3 hố đào cất bốc lên không nằm theo tư thế tự nhiên. Lớp đất đen ở dưới hố này không phải là lớp đất nguyên thủy có ở đây mấy mươi năm mà đó là lớp đất sét được mang từ nơi khác đến... Ông Trương Hữu Bình đã kiểm chứng và cung cấp thông tin, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thôn Lâm Xuân nằm trên đoạn đường mòn dẫn ra sông Cánh Hòm, bộ đội ta thường vận chuyển vũ khí đạn dược từ bến sông này lên chi viện cho khu Quản Ngang (Đông Hà) để đánh giặc nhưng ở đây chưa bao giờ xảy ra trận đánh giữa ta và địch. 9 liệt sĩ hy sinh trong 2 năm (1968, 1969) chôn cùng một vị trí như “cậu Thủy” khẳng định hoàn toàn không có cơ sở.
Trao đổi về những việc làm bất thường mà đối tượng “cậu Thủy” thực hiện trong việc tìm kiếm và cất bốc hàng trăm hài cốt liệt sĩ tại Đắk Lắk, Bình Phước mà Báo SGGP đăng tải những ngày qua, ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Quảng Trị nhìn nhận, để xảy ra việc ngờ vực này có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do tâm lý của gia đình, thứ hai có thể do “cậu Thủy” quá tinh vi và cơ quan chức năng trên địa bàn chưa hoàn thành nhiệm vụ khi gia đình đến khai báo sẽ quy tập hài cốt. Riêng Quảng Trị được xem là “điểm nóng” trong việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp ngoại cảm nên Sở LĐTB-XH luôn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng liên quan để ngăn chặn những điều đáng tiếc có thể xảy ra từ việc công nhận hài cốt liệt sĩ.
| |
VĂN THẮNG - BÌNH THANH
- Mất cả trăm triệu đồng để “cậu Thủy” tìm hài cốt liệt sĩ