
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở cán bộ-CNV tại phường An Phú (quận 2, TPHCM) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thu hồi, giao đất ngày 15-3-2001. Theo phản ánh của người dân, quá trình thực hiện dự án có nhiều điều khuất tất từ khâu lập dự án, đền bù giải tỏa, đến xét duyệt, chuyển nhượng cho các đối tượng được thụ hưởng-những cán bộ-CNV tại quận 2. PV Báo SGGP đã tiến hành điều tra và phát hiện có quá nhiều sai phạm trong thực hiện dự án này.
- Giải tỏa trước, lập phương án đền bù sau (!?)

Lô đất C1 cấp cho Giám đốc Công ty Quản lý và phát triển nhà quận 2 Nguyễn Văn Đồng, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Ảnh: HOÀI NAM
Với chủ trương tạo điều kiện cho cán bộ-CNV các ban ngành trong quận có chỗ ở nhằm yên tâm công tác, ngay sau ngày thành lập quận (1-4-1997), lãnh đạo quận 2 đã triển khai thực hiện dự án và giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2 làm chủ đầu tư.
Quyết định số 1553/QĐ-UB ngày 5-9-1998 của UBND quận 2 xác định quy mô của dự án là 4ha với mục tiêu quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phân lô bán nền cho cán bộ-CNV không tính lãi.
Ngay sau khi có quyết định giao làm chủ đầu tư, Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2 đã tiến hành lập hồ sơ đền bù cho 16 hộ dân với mức giá thống nhất cho tất cả các loại đất là 80.000 đồng/m². Hộ nhận tiền đền bù thấp nhất là 7.017.712 đồng (87,58m² – hộ bà Huỳnh Thị Liên) và hộ nhận cao nhất là 652.405.600 đồng (8.155,07m² – hộ ông Phan Văn Phương). Các hộ dân này đã ký nhận tiền và giao đất cho chủ đầu tư vào các tháng 1, 4, 7, 8 và 9-1999.
Thực hiện đền bù, giải tỏa xong, ngày 23-11-1999, UBND quận 2 mới ký văn bản số 1015/CV-UB gửi Sở Tài chính – Vật giá TP đề nghị phương án đền bù thiệt hại và tái định cư cho các hộ bị thu hồi đất thực hiện dự án. Trong phương án đền bù mà chủ đầu tư - có sự chấp thuận của UBND quận 2 đưa ra có 3 phương án: đền bù 80.000 đồng/m² cho tất cả các loại đất (bao gồm hệ số K và hỗ trợ di dời, bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, hoa màu), hoán đổi đất trong dự án và cho người dân được tham gia vào dự án.
Chỉ 6 ngày sau, tức ngày 29-11-1999, Phó Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá TP Lâm Triều ký Công văn số 3423/TCVG-BVG chấp thuận phương án mà UBND quận 2 đưa ra. Tại văn bản này đã không đề cập đến việc đền bù cho dân theo phương án nào, mà chỉ nói chung chung: “Thống nhất với phương án đền bù mà Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2 (chủ đầu tư) lập…”.
Văn bản này còn được xác định làm cơ sở để tổ chức thực hiện công tác đền bù, tái định cư sau khi có quyết định thu hồi giao đất của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế thì 16 hộ dân phải giải tỏa di dời đã nhận tiền đền bù và giao đất cho chủ đầu tư-có nhiều hộ từ đầu tháng 1-1999 (9 hộ), mà không hề được thông báo về phương án đền bù và tái định cư. Hầu hết các hộ dân này nhận tiền xong là… ra đi, chấp nhận việc tự lo chỗ ở mới để bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án.
- Cấp đất khi dự án chưa được phê duyệt
Mặc dù chưa được Sở Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấp thuận dự án đầu tư và công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, song ngay từ giữa năm 1999, UBND quận 2 đã thành lập Hội đồng giải quyết đất ở cho cán bộ-CNV (do bà Thái Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận làm chủ tịch HĐ), xây dựng tiêu chuẩn cấp đất và giao cho phía chủ đầu tư xúc tiến việc san lấp mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án.
Ngày 31-7-1999, UBND quận 2 ra Thông báo 217/TB-UB giải quyết bán nền nhà đợt 1 với số lượng là 112 nền nhà, diện tích mỗi nền 100 đến 200m². Giá dự kiến 590.000 đồng/m². Đối tượng được mua là cán bộ, công chức, cán bộ hợp đồng lao động trong định biên công tác tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang và Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2.
Ngoài những tiêu chuẩn về năm công tác, quá trình cống hiến, điều kiện đi lại…, tiêu chuẩn hàng đầu được xét giải quyết bán nền nhà đợt 1-1999 phải là người có hoàn cảnh hết sức khó khăn về nhà ở như: ở nhà thuê, ở chung với cha mẹ, nhân khẩu đông…
Thực tế lại hoàn toàn khác, trong danh sách xét bán nền nhà đợt đầu có 87 cán bộ-CNV được “trúng tiêu chuẩn”, có đến hơn một nửa là sai đối tượng, sai tiêu chuẩn và vượt diện tích đất theo quy định.
Đơn cử như các trường hợp cán bộ công tác tại Ngân hàng NN-PTNT, QLTT… không phải là đối tượng đang công tác tại các ban ngành của quận 2, cũng được xét bán nền nhà. Có 15 cán bộ được xét mua vượt diện tích (từ 200 đến hơn 400m²), trong đó Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2 Nguyễn Văn Đồng được mua tới 407,5m² (cao nhất). Kế đến là các trường hợp: Đội trưởng Đội Thi hành án Nguyễn Văn Ấn (390,6m²); Nguyễn Việt Thắng, cán bộ Phòng Tổ chức chính quyền (306,1m²); Hoàng Văn Toàn, cán bộ UBKT Đảng, Quận ủy quận 2 (365,6m²)...
Những cán bộ được cấp vượt tiêu chuẩn và cả sai đối tượng này, theo phản ánh của cán bộ-CNV quận 2 – đều đã có nhà ở khang trang và thậm chí có người còn có tới 2-3 căn nhà - chỉ cách chỗ làm việc vài bước chân.
PHẠM HOÀI NAM