Ngày 27-10, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì cuộc làm việc với Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, Phòng Cảnh sát môi trường TP Đà Nẵng và các bên liên quan để chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm trong vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Mâu thuẫn trong số liệu
Tại buổi làm việc, ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cho biết: Trạm Cà Nhông được thành lập năm 1988 và 26 năm qua hoạt động rất có hiệu quả (?!). Đối với vụ phát hiện gần 45m³ gỗ nhóm 2A tại khu vực giáp ranh với lâm phận huyện Đông Giang (như Báo SGGP đã phản ánh), ông Sự nhận trách nhiệm trước tiên thuộc về BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và hứa kiên quyết xử lý đối với cán bộ tại Trạm Cà Nhông vì thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kiểm tra giám sát.
Nói về việc tổ liên ngành huyện Đông Giang (Quảng Nam) hay BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa phát hiện gỗ trước, ông Sự khẳng định là Trạm Cà Nhông phát hiện trước. Cụ thể, vào chiều ngày 6-10, BQL đi kiểm tra và phát hiện 17 phách gỗ giấu tại khoảnh 5, tiểu khu 37 nhưng do trời tối nên chưa kiểm đếm cụ thể chủng loại và khối lượng. Sự việc được báo cáo về lãnh đạo BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa, Chi cục Kiểm lâm và Sở NN-PTNT. Đến sáng 7-10, Trạm Cà Nhông phát hiện thêm 49 phách gỗ cũng tại khoảnh 5, tiểu khu 37. Đến 14 giờ ngày 7-10, tổ liên ngành Đông Giang vào hiện trường nhưng đến 15 giờ mới phát hiện điểm cất giấu gỗ với tổng cộng 66 phách, tương đương 15,5m³.
Tổ liên ngành huyện Đông Giang (Quảng Nam) phát hiện 66 phách gỗ cất giấu trong rừng được cho có nguồn gốc từ rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.
Trong khi đó, trong các cuộc làm việc với PV Báo SGGP, ông Đinh Văn Hươm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang khẳng định, tổ liên ngành huyện Đông Giang phát hiện số gỗ giấu tại khoảnh 5, tiểu khu 37 trước. Ông Hươm cũng cho rằng, số lượng gỗ mà Trạm Cà Nhông lập biên bản là không đúng về khối lượng và cả về số phách ở mỗi đống. Trạm Cà Nhông lập biên bản phát hiện ngày 6-10 là 17 phách gỗ; ngày 7-10 là 49 phách gỗ, trong khi thực tế tổ liên ngành kiểm tra tại hiện trường có hai đống gỗ, cũng tổng cộng 66 phách nhưng một đống là 30 phách và một đống 36 phách.
Riêng vụ phát hiện 9 điểm cất giấu gỗ kiền kiền vào ngày 11-10 thì số liệu hai bên tương đối trùng khớp.
Chính vì việc các cán bộ quản lý rừng và kiểm lâm địa bàn đóng tại Trạm Cà Nhông lập biên bản với số liệu khác với thực tế nên dư luận cho rằng các cán bộ trạm này có dấu hiệu “tiếp tay cho lâm tặc” nên đã lập “khống” biên bản sau khi vụ việc bị tổ liên ngành Đông Giang phát hiện (?!).
Khó xác minh vị trí khai thác?
Tại cuộc họp, ông Đặng Phương Trung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa cho rằng, kiểm lâm địa bàn đóng tại Trạm Cà Nhông phát hiện trước nhưng sau đó tổ liên ngành Đông Giang lên tiếp quản (?!). Theo ông Trung, sau 20 ngày kể từ khi phát hiện vụ việc, lực lượng kiểm lâm vẫn chưa xác định được vị trí khai thác. Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện một số gốc kiền kiền thuộc lâm phận Đà Nẵng nhưng không thể xác định đó là nguồn gốc số gỗ cất giấu bị phát hiện nói trên vì… muốn biết thì phải trưng cầu dấu vết trên phách gỗ có trùng khớp với gốc cây hay không. Theo quy định, nếu không xác định được nguồn gốc gỗ mà chỉ phát hiện nơi cất giấu thì gỗ nhóm 1A mới khởi tố còn gỗ nhóm 2A như vụ này chưa khởi tố được.
Khi ông Trung vòng vo, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, truy: “Ông thấy mình có trách nhiệm trong vụ phá rừng này hay không?”, lúc đó ông Trung mới thừa nhận mình “có trách nhiệm một phần”.
Kiên quyết xử lý
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thẳng thắn: Vụ việc nói trên đã đủ yếu tố để đề nghị khởi tố vụ án và yêu cầu Sở NN-PTNT Đà Nẵng chỉ đạo phải xử lý kỷ luật, đình chỉ, kiểm điểm và luân chuyển ngay các cán bộ quản lý rừng và cán bộ kiểm lâm địa bàn đóng tại Trạm Cà Nhông.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho rằng, vụ việc phát hiện đã 20 ngày trôi qua nhưng đến nay chưa có kết quả điều tra; chưa xử lý cán bộ trạm Cà Nhông và kiểm lâm địa bàn là chậm. Xác định đây là vụ phá rừng rất nghiêm trọng, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với kiểm lâm, công an, UBND huyện Hòa Vang và các đơn vị liên quan phải hoàn tất việc kiểm điểm cán bộ quản lý rừng và kiểm lâm tại trạm Cà Nhông trong tháng 10 và tháng 11 phải hoàn thành việc điều tra địa điểm, nguồn gốc gỗ và đối tượng phá rừng.
|
NGUYÊN KHÔI