Có mặt tại tỉnh Đắc Lắc đúng vào thời điểm Đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) kiểm tra tình hình xâm hại rừng Vườn quốc gia Yok Đôn báo chí phản ánh thời gian qua, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Trưởng đoàn công tác, về kết quả của đợt kiểm tra này. Ông Nguyễn Hữu Dũng nói:
Các vụ phá rừng báo chí đưa tin thời gian qua cơ bản là đúng và có tính chất nghiêm trọng. Nhiều vụ phá rừng diễn ra nhiều năm qua với phương thức và thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có nhiều đối tượng tham gia nhưng đã không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Qua kiểm tra thực địa, chúng tôi ghi nhận nhiều khu vực có các loại gỗ quý như hương, trắc, cẩm lai… có cây đường kính hơn 1m bị đốn hạ mang ra khỏi rừng, chỉ còn trơ lại gốc và cành lá. Số lượng gỗ quý bị chặt có thể hàng chục cây, nhưng ở nhiều thời điểm khác nhau.
* PV: Trách nhiệm này trước tiên thuộc về cơ quan, cá nhân nào thưa ông?
* Ông NGUYỄN HỮU DŨNG: Trách nhiệm trước tiên thuộc về Vườn quốc gia Yok Đôn – đơn vị chủ rừng và người đứng đầu cơ quan này đã không có các biện pháp bảo vệ được rừng, để cho nhiều đối tượng xâm phạm, chặt phá rừng trong một thời gian dài. Chúng tôi đã chỉ đạo kiểm điểm và kiện toàn lại tổ chức, nhân sự của Vườn quốc gia này. Tuy nhiên, cũng phải nói đến một phần nguyên nhân khách quan do trong địa bàn rừng thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn quản lý hiện có 7 xã với hơn 40.000 dân sinh sống, nên không thể tránh khỏi tình trạng xâm hại rừng.
* Thưa ông, người dân tố cáo rằng có sự tiếp tay của kiểm lâm và cán bộ quản lý Vườn quốc gia. Cụ thể là trong nhiều cây gỗ hương bị đốn hạ vừa qua có nhiều cây bị đốt gốc để phi tang?
* Chúng tôi chưa phát hiện được trường hợp cán bộ quản lý Vườn quốc gia và kiểm lâm nào móc nối với lâm tặc chặt phá rừng. Còn trường hợp một số cây gỗ hương có đường kính lớn sau khi đốn hạ đã bị đốt gốc nhằm phi tang thì chưa xác định được có chủ mưu ở đây hay không.
Vừa qua lãnh đạo Vườn quốc gia cũng kỷ luật, điều chuyển công tác khác một số cán bộ Trạm Kiểm lâm số 6. Qua đó cho thấy có tiêu cực ngay trong đội ngũ những cán bộ được giao nhiệm vụ giữ rừng. Còn mức độ ra sao phải điều tra mới làm rõ được.
* Còn một nguyên nhân khác là chính quyền địa phương hiện đứng ngoài cuộc, giao hết trách nhiệm giữ rừng cho chủ rừng?
* Từ nhiều năm qua, chính quyền địa phương có sự phối hợp rất chặt với lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia. Cụ thể, UBND huyện Buôn Đôn đã cử một phó chủ tịch UBND huyện phụ trách Đoàn kiểm tra liên ngành 1208 (thành lập tháng 12-2008 – PV). Kết thúc đợt kiểm tra, chúng tôi cũng đã làm việc với chính quyền địa phương để tìm các biện pháp tăng cường công tác quản lý rừng trong thời gian tới.
* Thực tế thời gian qua các chốt chặn do Đoàn kiểm tra liên ngành 1208 có năm không bắt được vụ nào, trong khi đó mỗi tháng theo phản ánh có hàng trăm mét khối gỗ quý lìa khỏi rừng.
* Vấn đề này tôi chưa nắm kỹ. Tuy nhiên, tình trạng rừng ở Vườn quốc gia đang hàng ngày “chảy máu” có trách nhiệm của nhiều ngành, nhiều cấp. Tới đây chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng trên địa bàn, trong đó không chỉ có chính quyền địa phương, mà còn có công an, quân đội, hạt kiểm lâm các huyện trên địa bàn cùng vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác giữ rừng.
HOÀI NAM (thực hiện)
- Thông tin liên quan:
>> Ra quân tấn công tội phạm xâm hại Vườn quốc gia Yok Đôn
>> Vườn quốc gia Yok Đôn đang chết