Trận sóng thần ở Ấn Độ Dương ngày 26-12-2004 đã cướp đi sinh mạng của hơn 230.000 người tại 14 quốc gia; phá hủy cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD, trong đó đất nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Indonesia với hơn 130.000 người chết và hơn nửa triệu người mất nhà cửa. Tuy nhiên, mười năm sau thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử loài người, một hình hài mới đã được dựng lên từ đống tro tàn ở đất nước này.
Tỉnh Aceh là vùng bị thiệt hại nặng nhất của Indonesia với 4 người có 1 người chết hoặc mất tích. Aceh nằm ngay mũi phía Bắc của đảo Sumatra, hứng chịu những ngọn sóng lớn đầu tiên đánh vào. Sau khi những cơn sóng thần rút đi, nhiều chính phủ, cá nhân và các tổ chức cam kết viện trợ 14 tỷ USD, trong đó một nửa dành cho tỉnh Aceh để giải quyết các nhu cầu cấp bách cho hơn nửa triệu người mất nhà cửa, xây dựng lại đường cao tốc ven biển, cầu, bến cảng đã trở thành những đống đổ nát.
Tuy nhiên, không ít người lo ngại rằng nạn quan liêu và tham nhũng của Indonesia sẽ cản trở lòng hảo tâm của các nhà tài trợ. Thế giới sẽ mất dần sự quan tâm, bỏ rơi người Aceh và mảnh đất tàn lụi của họ. Và liệu có thực tế không khi xây dựng lại thành phố duyên hải dễ bị thiên tai?...
Tuy nhiên, đến thăm Banda Aceh ngày nay là đến thăm một thành phố không phải được chắp vá lại với nhau mà phần lớn đã được xây mới hoàn toàn với 130.000 ngôi nhà mới, 1.700 trường học và gần 1.000 tòa nhà chính phủ... Tỉnh Aceh giờ đây có nhiều sân bay mới, hệ thống hải cảng, hệ thống thoát nước, hệ thống nước sinh hoạt... Có cả 2.300 dặm đường mới làm lại và một mạng lưới điện được xây lên...
Tiến bộ hơn là dọc theo bờ biển ngày nay có nhiều trạm cảnh báo và nhiều tháp di tản sẵn sàng ứng phó với những đợt sóng thần tương lai. Một cơ quan tái thiết đặc biệt, do một chính trị gia có tư tưởng cải cách quản lý, đã đảm bảo với Tổng thống Indonesia 6,7 tỷ USD tiền viện trợ trong nước và quốc tế đã được rót đến đúng nơi cần.
Phần lớn các chi tiêu đều tập trung vào việc tạo ra công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Chỉ sau 4 năm, cơ quan này tự giải thể vì xét thấy mọi việc đã đi vào guồng máy. Sau khi cử phóng viên theo dõi cuộc sống của nhiều gia đình từng mất mát nhiều nhất trong thảm họa này trong nhiều năm liền, tờ Christian Science Monitor nhận định “sự thành công của họ và của những đối tác tham gia nỗ lực tái thiết có thể giúp Aceh trở thành một mẫu hình hợp tác giải quyết hậu quả của thảm kịch thiên nhiên mà chưa một quốc gia nào có thể vượt qua.
Đó chính là bước ngoặt làm im tiếng súng, bước ngoặt trong tư duy của người lãnh đạo, bước ngoặt của nhân dân Indonesia nói chung và Aceh nói riêng. Chỉ sau một buổi sáng thiên tai, tư duy chiến tranh chết chóc đã biến đổi hoàn toàn. Tỉnh Aceh hưởng sự bình yên đã được 10 năm, thành quả bằng quốc gia khác nỗ lực trong mấy chục năm.
Biến thảm họa sóng thần thành vận hội mới cho hòa bình và phát triển là “cơn sóng thần” trong tư duy mới của những con người miền đất này. Một chương mới ở Aceh đã được mở ra. Bài học xây dựng lại Aceh từ sau thảm họa tàn khốc của thiên nhiên để lại nhiều điều đáng phải trân trọng và suy ngẫm... Đất nước Indonesia đang hồi sinh ngoạn mục.
Hạnh Chi