Ghi nhanh

Vùng rốn lũ không để mất con chữ

ảnh
Vùng rốn lũ không để mất con chữ

Cùng cả nước, 269.377 học sinh (HS) Quảng Bình, trong đó có hơn 12.000 HS vừa trải qua đợt lũ ghê rợn nhất trong lịch sử cũng cất bước đến trường. Từ mờ sáng, trong các ngôi nhà còn phủ bạc màu tan hoang ở các huyện vùng rốn lũ Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, các em đã sớm thức dậy, lựa cho mình bộ quần áo trắng nhất còn sót lại đi dự lễ khai giảng… Dọc bờ sông Gianh, bên những ngôi trường xiêu vẹo, có thể nghe thấy giọng hát Quốc ca trong trẻo như lời thề: Dù có mất mát mấy cũng không thể thất học, không thể để mất con chữ.

Vùng rốn lũ không để mất con chữ ảnh 1

Ghé trường cấp 1 Phong Hóa, nằm trên địa bàn xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) mới thấy hết sự tận khổ của những em vượt nguồn sông Gianh sang trường khai giảng năm học mới. Phong Hóa có 483 HS theo học, hơn một nửa số đó sinh sống bên kia sông Gianh phải đi thuyền, vượt mưa để dự khai giảng. Trong lũ, các dãy phòng học chỉ còn trơ lại mái nhà, tất thảy bị nước nhấn chìm, nhưng ngày khai giảng, HS từ lớp 1 đến lớp 5 vẫn tề tựu đầy đủ.

Chúng tôi thực sự xúc động khi tận mắt chứng kiến cảnh các em bứt cành lá cọ làm ô che mưa, đạp bùn đến lớp. Chặng đường đến với chữ của năm học mới, em nào cũng ướt sũng trong mưa (ảnh), lấm lem bùn đất nhưng ánh mắt vẫn lấp lánh niềm tin được học, niềm tin nương nhờ con chữ của thầy cô để ngày mai khôn lớn. Em Đoàn Mạnh Toàn và Lê Viết Cường lớp 5B, Trường Phong Hóa, bẽn lẽn dưới cành cọ che mưa: “Nhà cháu mất hết đồ vì lũ cuốn trôi. Mạ (mẹ) chỉ vay mượn đủ tiền mua vở, sách giáo khoa thì cô cho. Sáng ngày khai giảng trời mưa nên cháu bứt lá cọ làm ô che để tới trường ghe thầy cô giảng bài”.

Trong trận lũ lịch sử vừa qua, khó khăn nhất, kiệt quệ nhất là gia đình 3 chị em Ngô Thị Dung, Ngô Thị Trang, Ngô Thị Huyền. Dung là chị cả học lớp 11 Trường THPT Lê Trực-Tuyên Hóa. Nhà Dung ở bên xã Châu Hóa phía thượng nguồn sông Gianh, bố mẹ Dung bị mất trong lũ, căn nhà cũng bị sập, chỉ sót lại 3 chị em côi cút cùng nỗi đau. Ngày bố mẹ Dung mất đến nay gần tròn một tháng, cộng đồng đã giang rộng tấm lòng nhân ái giúp đỡ ba chị em Dung, địa phương vào cuộc dựng lại căn nhà, các đoàn thể mua tặng sách vở, bút mực, áo quần. Góc học tập của ba chị em cũng được lập ra, câu ca dao về công cha nghĩa mẹ được chị em Dung dán chặt lên tường với nét chữ run run: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Đúng ngày 5-9, Dung thức dậy từ sớm, nấu cho các em bữa cháo sáng để chúng đến học cấp 2 trong xã, còn Dung vượt sông qua Trường THPT Lê Trực dự lễ khai giảng. Chúng tôi gặp Dung ở sân trường, em vẫn đứng dưới cờ Tổ quốc hòa lời bài Quốc ca cùng 1.850 đồng môn khác của trường. Mặc dù nỗi đau là lớn nhưng cộng đồng đã động viên nên Dung không thể thất học. 

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục